Mỗi lần săn mồi, loài sói đều chấp hành nghiêm ngặt mệnh lệnh của con sói đầu đàn. Dù là vào chỗ chết, chúng cũng không sợ.
Không cần bất cứ lý do gì là biểu hiện của sự chấp hành. Dù làm bất cứ chuyện gì, cũng phải nhớ trách nhiệm của mình; dù làm bất cứ chuyện gì, cũng phải chịu trách nhiệm đối với hành động của mình. Chấp hành là chấp hành mà không cần bất cứ lý do gì. Đây chính là kỷ luật của loài sói.
Khi còn nhỏ, ngôi sao bóng rổ Kidd thường cùng cha đi chơi bowling. Sau mỗi một hiệp đấu, Kidd thường thấp điểm hơn cha. Bị thua hết lần này đến lần khác làm Kidd cảm thấy ấm ức. Lần nào Kidd cũng tìm đủ lý do để bao biện cho kỹ thuật yếu kém của mình. Hôm đó, Kidd lại thua cha, nhưng lại không tìm được lý do để giải thích việc tại sao mình đánh không tốt. Lần này, cha Kidd đã đánh vào tâm lý của cậu: "Đừng cố tìm lý do nữa. Con đánh không tốt là vì con không đủ sức."
Mỗi người đều luôn tìm được lý do để trốn tránh trách nhiệm hay không chịu nhận sai lầm. Bất cứ lúc nào, bất cứ hoàn cảnh nào, viện cớ không những không giúp chúng ta thành công mà ngược lại, nó còn làm chậm bước tiến của chúng ta. Câu nói khó lọt tai của cha đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với Kidd. Bắt đầu từ hôm đó, cậu quyết tâm luyện tập, chứ không còn tìm cớ để bao biện cho mình.
"Thay vì nói sở dĩ tập đoàn Hisense có thể giữ được quy mô sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm như ti vi, điện thoại di động, tủ lạnh, máy điều hòa... với tốc độ mỗi năm tăng thêm hai con số là nhờ thành công trong chiến lược thì hãy nói Hisense có một đoàn thể có ý thức chấp hành cao", lãnh đạo tập đoàn Hisense trả lời câu hỏi của phóng viên, "đối với một doanh nghiệp, mất đi tính chấp hành là một mất mát chí mạng".
Nâng cao văn hóa chấp hành, nghĩa là trong bất cứ một nhiệm vụ nào, mỗi một học viên đều nên cố gắng tìm cách hoàn thành chứ không nên tìm lý do vì mình không hoàn thành nhiệm vụ, cho dù lý do đó có hợp lý đến đâu. Đằng sau tinh thần tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ đó chính là thái độ phục vụ, lòng yêu nghề, một sự chấp hành tuyệt đối. Một ví dụ từ một doanh nghiệp nhà nước, vì kinh doanh không hiệu quả nên doanh nghiệp này bị phá sản. Sau đó, một tập đoàn tư bản mua lại doanh nghiệp này. Điều đáng kinh ngạc là tập đoàn này chỉ đổi những nhân viên quản lý cấp cao ở những khâu quan trọng như tài vụ, quản lý, kỹ thuật... thành người của họ, còn những người khác và thiết bị máy móc đều không thay đổi. Có điều, họ yêu cầu nhân viên phải nghiêm túc chấp hành những quy định vốn có. Vậy mà, chưa đầy một năm, doanh nghiệp này đã phát triển thịnh vượng.
"Từ đó, có thể khẳng định rằng, chỉ có chiến lược thì vẫn không thể làm cho doanh nghiệp vươn lên trong sự cạnh tranh khốc liệt, mà cần phải có ý thức chấp hành thì mới giúp cho doanh nghiệp tạo ra những giá trị đích thực. Mất đi ý thức chấp hành là mất đi bức tường bảo vệ cho sự trường tồn và phát triển của doanh nghiệp." Chủ tịch tập đoàn Hisense đột nhiên xúc động, "tập đoàn Hisense tuy chưa trải qua hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng trong sự thành bại của mỗi một quyển sách, chúng tôi đã cảm nhận sâu sắc uy lực của sự chấp hành."
Làm thế nào để nâng cao ý thức chấp hành trong doanh nghiệp? Lãnh đạo tập đoàn Hisense nói, mục đích cơ bản nhất của doanh nghiệp chính là lợi nhuận. Vì vậy, tập đoàn Hisense yêu cầu mỗi một nhân viên phải kiên quyết, quán triệt chấp hành kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vì lợi ích chung. Không được vì lấy lòng cấp trên mà mù quáng chấp hành những chỉ thị đi ngược lại với kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với nhân viên quản lý các cấp, tập đoàn yêu cầu họ phải có hai năng lực là truyền bá tư tưởng và hành động quán triệt, tức là truyền bá tư tưởng kinh doanh của doanh nghiệp cho nhân viên làm cho họ tự giác chấp hành nghiêm ngặt tư tưởng kinh doanh.
"Sức cạnh tranh chủ chốt của doanh nghiệp tùy thuộc vào mức độ chấp hành của doanh nghiệp đó. Đây đã là nhận thức chung của người lãnh đạo. Kết hợp chặt chẽ những yếu tố như ý thức chấp hành, chiến lược kinh doanh, sức cạnh tranh chủ chốt, đi kèm với hoài bão, trách nhiệm của doanh nghiệp, toàn tâm toàn ý làm những việc bạn cần làm, không có bất cứ lý do gì để không làm, là mức độ lý tưởng của việc tăng cường ý thức chấp hành của nhân viên mà doanh nghiệp cần đạt được."
Trong mắt của các nhà lãnh đạo tập đoàn Hisense, chấp hành là một văn hóa. Sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp thực ra chỉ là sự cạnh tranh về khả năng chấp hành. Vì vậy, từ ngày Hisense ra đời, các nhà lãnh đạo đã ra sức bồi dưỡng văn hóa chấp hành trong các phương diện như văn hóa doanh nghiệp, tinh thần của doanh nghiệp...
"Con người luôn là yếu tố quyết định của doanh nghiệp. Mọi vấn đề của doanh nghiệp thực chất đều là vấn đề của con người và chỉ có văn hóa mới có thể thay đổi ý thức của con người, từ đó thay đổi hành vi của con người. Bất cứ một mô hình chiến lược mới nào đều sẽ gây ra nhiều sự mô phỏng, nhưng văn hóa lại là thứ không thể phục chế được. Đa số thất bại của các doanh nghiệp là do không được xây dựng trên văn hóa chấp hành, làm cho chấp hành trở thành cái cây không có gốc rễ."
Vì "không chấp hành 1% là đã dẫn đến thất bại 100%" nên văn hóa chấp hành của doanh nghiệp chính là chấp hành tuyệt đối.
BẠN ĐANG ĐỌC
Phép Tắc Của Loài Sói
AdventurePhép tắc sinh tồn của kẻ mạnh; Dũng cảm, cô độc, đoàn kết, tàn khốc là thế giới của loài sói; Trong thế giới này, không có đúng, không có sai, chỉ có thành công; Không có chính nghĩa, không có tội ác, chỉ có mục đích duy nhất: sinh tồn.