Sói có khứu giác nhạy cảm và tầm nhìn xa. Sói nhờ vào thị giác, khứu giác và theo những manh mối như dấu chân để tìm ra con mồi. Nếu sói phát giác địa thế nơi con mồi đang đứng sẽ có lợi cho mình thì nó sẽ tìm mọi cách tiếp cận con mồi. Khi con mồi trốn chạy, sói sẽ đuổi theo phía sau. Nếu nó không thể đuổi bắt được ngay thì sẽ lập tức từ bỏ con mồi này và chuyển sang con mồi khác. Vì sói thà chờ đợi lâu mà giành được thắng lợi chứ không muốn dùng tính mạng của mình để đổi lấy thắng lợi nhỏ tạm thời. Khi sói đến rất gần con mồi, nó sẽ cắn vào nơi mà chân sau của con mồi không đá trúng được như vai, mông, cổ... Sách lược bầy sói sử dụng để đạt được mục tiêu là thiên biến vạn hóa. Đây là tính đa dạng, là phép tắc sinh tồn đầy trí tuệ của bầy sói. Bầy sói cũng nhờ vào sách lược trí tuệ này để đạt được mục đích cuối cùng.
Tính linh hoạt của bầy sói có thể chuyển hóa thành giấu mưu để đạt được mục đích. Giấu mình tức là trong tình thế bất lợi cho mình, bề ngoài sẽ tỏ ra ngờ nghệch, không gây ấn tượng mạnh cho người khác, nhưng che dấu tài năng, che giấu hoài bão chính trị trong tâm để đối thủ hoặc kẻ thù chính trị mất cảnh giác và chờ thời cơ để thực hiện hoài bão của mình. Đây cũng được coi là một phương pháp biến báo tốt. Nhiều người nói rằng như vậy chẳng phải là khiếp nhược sao? Thực ra không phải như vậy, trước thế lực xấu, nếu chúng ta chỉ biết trốn tránh, chùn chân thì sẽ không bao giờ dám dũng cảm đấu tranh, không có chí tiến thủ, như thế mới gọi là kẻ khiếp nhược. Còn nếu chúng ta nhân nhượng, tạm thời chịu áp bức, để ngấm ngầm tích lũy sức mạnh, chờ thời cơ để chuyển bại thành thắng, như thế không phải là khiếp nhược, mà là nhẫn nhịn để lo việc lớn. Đây cũng gọi là kế giấu mình, là biểu hiện của bậc đại trí đại dũng.
Ở Trung Quốc, việc ứng dụng kế giấu mình đã có lịch sử lâu đời. Nhà Chu có lịch sử và cơ nghiệp đến mấy trăm năm là bằng chứng rõ ràng nhất của kế giấu mình. Lúc đó, sự lớn mạnh về thế lực của họ Chu đã làm vua Thương ganh ghét. Vì sợ nhà Chu sẽ hình thành một lực lượng đối kháng với nhà Thương nên vua Thương giết chết Quý Lịch để ngăn chặn thế lực của nhà Chu. Sau khi lên ngôi, Cơ Xương, con của Quý Lịch, tức là Chu Văn Vương nổi tiếng trong lịch sử, lập tức báo thù cho cha. Kết quả là bị nhà Thương đánh bại. Vì vậy, bề ngoài, Cơ Xương tỏ ra cung kính thần phục nhà Thương, nhưng bên trong lại ngấm ngầm chiêu mộ hiền tài, chăm lo việc nước. Sau khi thu nạp được các hiền sĩ như Thái Điên, Hoằng Yếu, Tán Nghi Sinh..., họ đã giúp Cơ Xương lập ra kế hoạch diệt nhà Thương. Ban đầu, Thương Trụ Vương thấy Cơ Xương đã thần phục nên phong cho ông làm Tây Bá, thủ lĩnh của các bộ lạc phía Tây. Trong các nước và chư hầu, uy danh và địa vị của Tây Bá ngày một cao. Trụ Vương bèn giam Tây Bá ở Tiễn Lí (nay thuộc phía bắc Thang Âm, Hà Nam). Trụ Vương giết con trai của Tây Bá là Bá Ấp Khảo đang làm con tin ở nước Thương. Sau đó, Trụ Vương đem thịt của Bá Ấp Khảo nấu thành món canh thịt bắt Tây Bá ăn, để kiểm nghiệm xem Tây Bá có hiểu thế sự không. Tây Bá vờ như không biết, cố nén đau thương mà nuốt vào để lừa Trụ Vương. Đại thần nhà Chu lại tuyển chọn mỹ nữ, châu báu, ngựa tốt để cống cho Trụ Vương, Cơ Xương mới không bị giết. Sau khi trở về nước, Tây Bá lại gấp rút chiêu mộ hiền tài, như Khương Thượng (tức Khương Tử Nha), sau này đã lập được đại công trong việc tiêu diệt nhà Thương.
BẠN ĐANG ĐỌC
Phép Tắc Của Loài Sói
AdventurePhép tắc sinh tồn của kẻ mạnh; Dũng cảm, cô độc, đoàn kết, tàn khốc là thế giới của loài sói; Trong thế giới này, không có đúng, không có sai, chỉ có thành công; Không có chính nghĩa, không có tội ác, chỉ có mục đích duy nhất: sinh tồn.