Sói là loài động vật biết chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên khác. Một con sói con khi đến tuổi có thể sống độc lập, con sói có kinh nghiệm sẽ dạy chúng cách bắt mồi và những kỹ thuật sống khác. Trong quá trình dạy sói con học những kỹ thuật này, bầy sói đôi lúc có những biểu hiện rất thô bạo. Đối với những con sói con ham chơi hoặc không học tốt, bầy sói nếu không phải gầm gừ đầy hung hăng thì cũng nhe răng hăm dọa, hoặc vồ đến, cắn không thương tiếc, đến nỗi con sói con bị thương khắp người. Vào mùa đông lạnh lẽo, sói mẹ sẽ xua chúng ra khỏi cái hang ấm áp, để chúng tự đi tìm nơi để ngủ qua đêm và buộc chúng phải tự đi kiếm mồi. Trong môi trường sống tàn khốc, trong sự giáo dục nghiêm khắc nhưng đầy tình cảm này, sói con sẽ ngày một trưởng thành, lông chúng sẽ bóng mượt hơn, tứ chi sẽ to khỏe hơn và cũng biết hợp sức để bắt một con mồi.
Theo ý kiến của Seton, trí tuệ của động vật hoang dã có từ ba nguồn:
Thứ nhất, kinh nghiệm của tổ tiên. Những gì được biểu hiện dưới hình thức bản năng đó là kỹ năng bẩm sinh, là dấu ấn của tổ tiên trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên và rèn luyện để lại cho một giống nòi. Ở giai đoạn đầu của sinh mạng, đây là mấu chốt quan trọng nhất, vì nó có tác dụng dẫn đường ngay từ khi động vật được sinh ra.
Thứ hai, kinh nghiệm của bố mẹ và đồng loại, có được chủ yếu là nhờ học tập. Vấn đề này bắt đầu quan trọng khi con thú nhỏ bắt đầu tập chạy.
Thứ ba, kinh nghiệm của bản thân động vật. Cùng với sự gia tăng của độ tuổi, vấn đề này sẽ càng lúc càng quan trọng.
Loài sói rất chú ý đến sự trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên. Một con sói khi học được một số tri thức nào đó thì nó sẽ truyền thụ lại cho những con khác qua sự giao lưu. Hơn nữa, bầy sói rất coi trọng việc huấn luyện sói con. Đôi lúc, chúng còn bất chấp nguy hiểm, tha dê còn sống về để huấn luyện kỹ năng bắt mồi cho sói con. Chính vì loài sói chú trọng đến việc chia sẻ và truyền thụ kinh nghiệm giữa các thành viên trong bầy nên chúng mới giữ được khí phách của kẻ mạnh, không đánh mất đi bản năng hoang dã và bản lĩnh sinh tồn của mình.
Học cách chia sẻ là cách sống của người thông minh! Khi chúng ta gạt bỏ hành vi tự tư và cho đi, thì ở một góc độ nào đó, đây là một cách để giúp mình. Vì trong xã hội coi trọng sự hợp tác này, không ai có thể đảm đương toàn bộ, biểu hiện giá trị của một người thường gắn với sự giúp đỡ của người khác. Rất nhiều trường hợp, chia sẻ những gì mình có với người khác, chúng ta mới tìm được vị trí và phương hướng của mình. Câu chuyện dưới đây sẽ giúp chúng ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự chia sẻ đối với cuộc đời chúng ta.
Vào một đêm tối trời, một thầy tu khổ hạnh đi hành hương đến một thôn xóm hẻo lánh. Trên con đường tối đen, dân làng đang lặng lẽ đi từng bước. Thầy tu liền chuyển sang một đường rãnh. Ông nhìn thấy một ánh đèn vàng ở thấp thoáng phía xa. Một người dân làng ở bên cạnh nói: "Người mù đến đấy".
Thầy tu khổ hạnh nghĩ mãi cũng không thể hiểu nổi. Một người đã mù hai mắt thì không có khái niệm ban ngày và ban đêm. Anh ta không nhìn thấy hoa thơm, không nhìn thấy núi cao nước chảy, cũng không nhìn thấy vạn vật phong phú của thế giới, thậm chí anh ta còn không biết ánh đèn như thế nào. Anh ta lại thắp một ngọn đèn lồng như thế, không sợ người ta thấy khó hiểu và buồn cười sao?
Ngọn đèn lồng đó dần dần đến gần ông ta hơn. Ánh đèn vàng đó di chuyển đến chân của thầy tu. Thầy tu liền hỏi: " Xin hỏi, thí chủ có thật là một người mù không?" Người mù thắp đèn nói rằng: "Đúng, từ khi bước vào thế giới này, tôi đã bị mù hai mắt".
Thầy tu lại hỏi: "Thí chủ đã không nhìn thấy được gì nữa, tại sao thí chủ còn thắp đèn lồng?" Người mù trả lời: "Hiện giờ là đêm đen phải không? Tôi nghe nói trong đêm tối thì không có ánh đèn chiếu sáng, vậy thì người trên khắp thế gian này đều mù như tôi, nên tôi phải thắp lên một ngọn đèn lồng."
Thầy tu như đã ngộ ra, bèn nói: "Hóa ra thí chủ soi sáng cho người khác?" Nhưng người mù lại nói: "Không, là vì tôi!"
"Tại sao lại vì thí chủ?" Thầy tu lại ngạc nhiên.
Người mù chầm chậm hỏi thầy tu: "Ngài đã từng bị người đi đường va phải do trời quá tối chưa?"
Thầy tu trả lời: "Có, ban nãy, bần tăng còn bị đến hai người vô ý va phải." Người mù nghe xong bèn nói: "Nhưng tôi thì không bị như thế. Tôi tuy là người mù, tôi không nhìn thấy gì cả, nhưng tôi đã thắp cái đèn lồng này lên, là để soi sáng cho người khác, và cũng để người khác nhìn thấy tôi, như thế, họ sẽ không va phải tôi vì không nhìn thấy."
Thầy tu nghe xong, chợt ngộ ra tất cả.
Không phải sao? Mỗi người đều có một ngọn đèn lồng trong tim. Điểm sáng ở trong cây đèn lồng đó, vừa soi sáng cho người khác, vừa soi sáng cho bản thân. Điều đáng quý của người mù trong truyện là không những soi sáng cho chính anh ta mà còn soi sáng cho người khác. Nhìn từ góc độ của sự chia sẻ, soi sáng cho mình và soi sáng cho người khác là hai mặt của một đồng tiền, hãy dựa vào nhau để cùng tồn tại. Hiểu được hàm nghĩa của nó, bạn sẽ hiểu được trí tuệ tối cao của sự sinh tồn.
BẠN ĐANG ĐỌC
Phép Tắc Của Loài Sói
AdventurePhép tắc sinh tồn của kẻ mạnh; Dũng cảm, cô độc, đoàn kết, tàn khốc là thế giới của loài sói; Trong thế giới này, không có đúng, không có sai, chỉ có thành công; Không có chính nghĩa, không có tội ác, chỉ có mục đích duy nhất: sinh tồn.