Kiên nhẫn là một trạng thái tâm linh và là một vận mệnh. Loài sói nhờ có được trạng thái tinh thần là kiên nhẫn và chiến đấu nên chúng luôn giữ được sức sống mạnh mẽ. Ở một mức độ lớn hơn, nhẫn không còn là nén giận, nhân nhượng để được ổn thỏa mà là một cách thức tư duy tránh làm việc theo tình cảm để đạt được một mục đích nào đó của cuộc đời. Vì vậy, nhẫn là một sức mạnh của trí tuệ. Rất nhiều khi, chúng ta vì không chịu đựng được những chuyện nhỏ mà làm hỏng cả đại sự. Điều này thật không đáng. Khổng Tử dạy rằng: "Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu" (việc nhỏ mà không nhịn được thì sẽ hỏng việc lớn).
Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị, lập chí thu phục Trung Nguyên. Ông đã nhiều lần ra Kỳ Sơn, đánh Tư Mã Ý, nhưng Tư Mã Ý lại không ra mặt đối đầu với Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng dùng mọi thủ đoạn để làm nhục Tư Mã Ý, nhưng Tư Mã Ý vẫn không dao động. Lần nào, cuộc chiến cũng kết thúc bằng cách chờ cho quân của Gia Cát Lượng hết lương thực và tự động rút về nước. Sáu lần ra Kỳ Sơn là cả sáu lần Gia Cát Lượng trở về tay không. Tư Mã Ý có thể nhẫn nhục như vậy nên mới không bị Gia Cát Lượng đánh bại. Vì vậy, khi gặp chuyện, chúng ta phải vững vàng, không nên nóng vội nhất thời mà làm hỏng cả đại sự.
Ở một ý nghĩa nào đó, nhẫn nại là một mưu lược để bảo toàn nhân sinh, vì "tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu". Nhẫn nại không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một mưu lược có nội hàm phong phú. Nhẫn nại không phải là một sự im lặng tiêu cực mà là chuẩn bị để tấn công. Nhẫn nại thực sự là một sự cân bằng động thái, khi lượng được tích lũy đến một giới hạn nhất định thì sẽ có sự chuyển hóa về chất. Nhẫn nại là một sự rèn luyện ý chí, là sự tích lũy sức bật. Nhẫn nại là một sự lựa chọn thông minh vào những lúc bế tắc. Điều quan trọng là chúng ta phải nhẫn nại đến mức chịu đựng mọi sự lăng nhục và đau khổ, chờ đợi và nắm chắc thời cơ tốt nhất. Sự vật luôn thay đổi và vận động không ngừng, cơ hội lại tồn tại trong sự nhẫn nại. Câu chuyện Việt Vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai là một dẫn chứng tốt nhất. Nhẫn nại không phải là dừng lại, không phải là chạy trốn, không phải là không làm gì cả, mà là tích lũy lực lượng. Khi đã rơi vào tình huống không thể kiểm soát được thì nên bình tĩnh chấp nhận thế yếu này và kiên nhẫn ở vị trí của kẻ yếu; từ đó, tích lũy thực lực, làm cho mình dần dần thoát khỏi vị trí bất lợi của kẻ yếu và xuất kích giành cơ hội thành công mới khi thời cơ thích hợp.
Biết nhẫn nại sẽ có lợi cho việc làm nên sự nghiệp, hành động theo cảm tính chỉ làm lỡ mất thời cơ tốt. Trước sự xúc phạm và khinh miệt của người khác, chúng ta không cần phải nôn nóng đối kháng lại để chứng minh mình không phải là kẻ yếu đuối. Vì đường xa mới hay sức ngựa, nếu bạn nhẫn nại thì bạn sẽ giành được những lợi ích lớn hơn. Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều ví dụ lấy chữ "nhẫn" để thể hiện tài năng và sự tu dưỡng của cá nhân, như "Hoài Âm Hầu Liệt Truyện" trong "Sử Ký" có chép lại câu chuyện Hàn Tín chịu nỗi nhục chui qua háng: thiếu niên ở Hoài Âm có kẻ lăng nhục Hàn Tín: "Ngươi trông to lớn, lại đeo bảo kiếm, nhưng thực ra là kẻ hèn nhát". Rồi hắn lại sỉ nhục Hàn Tín trước mọi người: "Nếu ngươi không sợ chết thì hãy đâm ta, nếu ngươi sợ chết thì chui qua háng ta." Hàn Tín nhìn hắn rồi quỳ xuống và chui qua háng kẻ đó. Người trong phố đều cười Hàn Tín, cho rằng ông hèn nhát. Sau này, Hàn Tín xuất lĩnh mấy mươi vạn binh mã. Từ năng lực chỉ huy trận Cai Hạ, đủ biết việc giết thiếu niên kia là chuyện dễ như trở bàn tay, nhưng vì vậy mà chuốc lấy phiền phức thì thật là không đáng. Hàn Tín ôm chí lớn, đương nhiên không muốn dây dưa với gã thiếu niên đó, nên ông đã chấp nhận chui qua háng hắn. Điều này đã thể hiện được chữ "nhẫn" kiên cường trong con người Hàn Tín. Sau này, Hàn Tín không được Hạng Vũ trọng dụng, ông bèn theo Lưu Bang và suýt bị xử trảm. Tiêu Hà đã mấy lần tiến cử Hàn Tín nhưng Lưu Bang vẫn do dự. Hàn Tín vẫn tiếp tục nhẫn nại. Sau khi được Lưu Bang phong làm đại tướng quân, Hàn Tín đã dẫn quân đánh trận, nhiều lần khắc phục khó khăn, kể cả những kế sách "đi vào chỗ chết để tìm đường sống", giành được chiến công hiển hách. Tất cả đều cho thấy những gian nan mà ông đã trải qua rất có lợi đối với ông.
Hành động chui qua háng gã vô lại của Hàn Tín không những không bị coi thường mà còn được người đời kính trọng. Ông đã dùng thành công sau này để giải thích cho những hành động lúc đó của mình.
Nhẫn nại là một sự rèn luyện ý chí, tích lũy sức mạnh, dùng phương pháp chiến đấu thầm lặng để phá địch, dùng ngọn lửa vô hình để phá băng cứng. Nhẫn nại là một sự tu dưỡng, thể hiện được sự khoan dung và tố chất của một con người. "Việc nhỏ mà không nhịn được thì sẽ hỏng việc lớn" và "khi cần ra tay thì sẽ ra tay" thực ra chỉ là hai tình huống, rất khó xác định được hạn độ của sự nhẫn nại, đôi lúc, nhẫn nại và không nhẫn nại chỉ là sự lựa chọn trong chớp mắt.
Mỗi người đều có phương thức và nguyên tắc sống riêng và nhẫn nại là một môn học trong xử sự của con người. Trong cùng một hoàn cảnh, nếu chúng ta biết vận dụng chữ "nhẫn" một cách hợp lý thì sẽ nhận được sự khen ngợi của người khác. Nếu chúng ta biết kiềm chế thì có thể sẽ bị người khác chê cười. Ví dụ, bạn bị người khác giẫm lên chân mình hoặc bị va chạm nhẹ ở nơi đông người là chuyện rất bình thường, nhưng nếu bạn có những hành động nóng nảy thì thái độ thiếu nhẫn nại này sẽ bị cười chê.
Đôi lúc, nhẫn nại là một sự rèn luyện gian khổ. Việt Vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai, Tôn Tẫn giả điên sau khi bị cắt gân, sự nhẫn nại của họ đều là vì thành công sau này. Nhẫn nại chịu ảnh hưởng của thời gian, hoàn cảnh, tu dưỡng tự thân và con người. Học được cách nhẫn nại, chúng ta sẽ hiểu được sự khoan dung. Học được cách nhẫn nại, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của sự phấn đấu. Học được cách nhẫn nại, chúng ta sẽ nhìn thấy được sự rực rỡ của thành công!
BẠN ĐANG ĐỌC
Phép Tắc Của Loài Sói
AventuraPhép tắc sinh tồn của kẻ mạnh; Dũng cảm, cô độc, đoàn kết, tàn khốc là thế giới của loài sói; Trong thế giới này, không có đúng, không có sai, chỉ có thành công; Không có chính nghĩa, không có tội ác, chỉ có mục đích duy nhất: sinh tồn.