Hành trình của người viết

275 26 2
                                    

Chào mọi người lại là mị đây, đã lâu rồi mị không ngoi lên đăng bài, sợ rằng nhà mị sẽ trở thành cái chồi hoang tàn đổ nát mất nên mị đành phải ngoi lên. Nhân tiện dạo gần đây lướt facebook mị thấy có nhiều tác giả còn đang trong giai đoạn hoang mang không biết mình viết vì điều gì và mình sẽ đi về đâu khi cứ vô vọng theo đuổi con đường viết lách này, mị tự nhiên muốn chia sẻ một vài trải nghiệm về vấn đề đó với các bạn - Như thể một lời tâm sự, mong rằng sẽ giúp các bạn đỡ hoang mang hơn.

Hồi mị còn trẻ, tầm lớp bảy thì phải, lúc ấy tiểu thuyết ngôn tình mới du nhập vào. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên mị đọc là 'Liệt hỏa Như Ca', sau khi đọc quyển tiểu thuyết này, mị chính thức khao khát trở thành một tác giả và đã triệt để thay đổi mọi định hướng của cuộc đời mình theo con đường viết lách. Lúc thuở đầu ấy, mị viết theo kiểu 'đọc gì viết đó'. Nghĩa là khi mị đọc một cuốn tiểu thuyết, mị sẽ bị ám ảnh với cốt truyện và nhân vật của cuốn tiểu thuyết đó rồi viết lại một fic khác có nội dung hao hao cuốn mà mị đang mê mệt. Mị nhớ mị từng thiết kế nhân vật hệt như nhân vật Như Ca của 'Liệt hỏa Như Ca' vậy, với một bộ áo đỏ rực. Mị cũng tạo ra kiểu nhân vật nam chính hệt như nhân vật chính trong các tác phẩm của Đường Thất Công Tử. Sự thật là khi ta mới bắt đầu viết, ta chưa tìm thấy cái riêng của mình. Ta có xu hướng lặp lại những thứ mà ta yêu thích, hệt như cái bóng vậy. Tuy giai đoạn này rất buồn cười nhưng nó lại không thể thiếu. Mị nghĩ rằng nó giống như là một bài học vỡ lòng, sau khi chúng ta lặp lại cái của người khác một cách thuần phục rồi, chúng ta mới có thể tạo ra cái của riêng ta. Việc này giống nhau đối với mọi khía cạnh cuộc sống mà dễ thấy nhất là trong giáo dục. Để phát âm, chúng ta cần nghe cô dạy, sau đó đọc theo cô, rồi đến một ngày khi cứng cáp, chúng ta mới có thể cất cao giọng đọc theo cách của chính mình, đúng không?

Khi mị lớn hơn một chút, mị bắt đầu chán cái việc viết lại thứ của người khác. Mị vẫn đọc tiểu thuyết, vẫn yêu thích nhân vật, nhưng mị không còn muốn kể về họ - Hay câu chuyện tương tự vậy - Trong trang viết của mị nữa. Mị bắt đầu muốn viết cái gì đó khác. Mị trải nghiệm cuộc sống và bắt được những điều đẹp đẽ, mị khao khát thể hiện những gì đẹp đó lên trang viết cho người đọc chiêm ngưỡng hơn thay vì viết những thứ đã có rồi. Đến giai đoạn này, mị biết rằng mình đã theo đuổi viết lách theo cách hoàn toàn khác trước đây. Mị không đơn thuần bị mê hoặc bởi những câu chuyện nữa mà đã nhận ra một tầng ý nghĩa khác của viết. Bấy giờ, mị bắt đầu cất những bước đi đầu tiên của riêng mình.

Việc viết về cuộc sống bằng nhận thức non nớt khiến mị tạo ra vô số những câu từ ngô nghê. Có nhiều vấn đề mị viết thật sự vô cùng trẻ con mà khi mị trực tiếp trải nghiệm việc ấy, mị nhận ra nó chẳng giống với những gì mình viết gì cả. Sự cách biệt trời vực giữa thực tế và trang văn đã khiến cho thế giới viết lách trong mắt mị trở thành một thế giới hư ảo. Đây quả là một điều tai hại. Người đọc liệu có ý thức được rằng những gì họ đọc không hề đáng tin? Liệu có những người đọc mù quáng tin vào những gì được viết đến nỗi dần xa rời thực tế? Suy nghĩ này khiến mị sợ, nếu thật sự nó đúng, thế thì việc mị làm chẳng khác nào tội ác. Mị đã cung cấp cho người khác những gì không có thật, những gì hoàn toàn tưởng tượng và rằng, ngoài những gì được viết, cuộc sống có vô vàn điều tốt đẹp hơn, câu chữ chỉ có thể phản ánh một phần rất nhỏ của cuộc sống muôn màu muôn vẻ mà thôi. Nỗi sợ hãi và tinh thần trách nhiệm với nghề tiếp tục thôi thúc mị cố gắng hơn. Mị tự nhủ rằng phải trải nghiệm trước rồi sau đó mới viết, để viết những gì chính xác. Việc tập trung vào trải nghiệm cuộc sống mang đến cho mị những ý tưởng vô cùng mới mẻ. Mị bắt đầu thận trọng hơn với những gì mình viết. Nhận thức rằng kể cả trong việc so sánh một sự việc với một sự việc cũng cần phải cân nhắc thật kĩ, bởi có những sự việc dù bề ngoài trông giống nhau thật nhưng chúng lại khác nhau hoàn toàn về bản chất. Mị có thể lấy ví dụ cho các bạn dễ hình dung. Mị từng đọc được một bài viết, so sánh việc làm từ thiện với việc biểu diễn của một nghệ sĩ violin. Bài viết kể rằng, có một nghệ sĩ violin rất nổi tiếng, anh ta có thể kiếm được hàng triệu đô mỗi đêm. Người ta sẵn sàng bỏ một núi tiền để nghe anh dạo một khúc đàn. Những sân khấu đẳng cấp nhất đều tỏ ra vinh dự tột cùng khi được anh đến biểu diễn cho. Thế nhưng vào một ngày, người nghệ sĩ ấy không biểu diễn ở sân khấu trọng vọng nữa, anh ta đến một ga tàu, thử kéo chiếc vĩ cầm của mình để xem xem, liệu tiếng đàn của anh có thể rung động những người khách quanh đó hay không, có thể khiến họ say mê và sẵn sàng đổ tiền để nghe anh biểu diễn như khi anh đứng trên sân khấu hay không. Các bạn đoán kết quả xem? Chuyện gì sẽ xảy ra? Vâng, anh ta biểu diễn cả buổi sáng, không được một xu nào, người ta thậm chí chẳng đứng lại nghe anh đàn vì ai cũng vội vã, mọi người tất bật đến rồi đi, chỉ có tiếng đàn du dương quấn quanh những trụ cột bê tông của nhà ga lạnh ngắt. Bài viết kết luận rằng, người nghệ sĩ đã sai khi biểu diễn ở nhà ga vì ở nơi đó anh biểu diễn thầm lặng và miễn phí dẫn đến việc người ta không trân trọng công sức của anh. Bài viết bắt đầu so sánh với việc làm từ thiện, cho rằng khi làm từ thiện cũng không nên làm một cách thầm lặng, miễn phí vì như vậy người ta không trân trọng công sức của người làm từ thiện. Vậy nên khi làm từ thiện họ cần phải khua chiêng múa trống, làm thật rầm rộ để ai ai cũng biết đến việc làm từ thiện của họ, để người ta biết tiếng họ, trân trọng công sức của họ, để người ta học theo họ. Kết cấu này của bài viết nghe khá là logic. Từ câu chuyện của nghệ sĩ vĩ cầm, dẫn đến việc làm từ thiện rồi nhận định rằng để không rơi vào thất bại như người nghệ sĩ kia, những người làm từ thiện không nên làm một cách thầm lặng mà phải đánh tiếng thật lớn để mọi người biết đến. Lý luận nghe rất xuôi tai, chúng ta cũng bị thuyết phục đấy nhỉ? Nhưng người viết không hề ý thức được rằng hai sự việc mà họ dùng để đem ra so sánh lại khác nhau hoàn toàn về bản chất. Việc người nghệ sĩ vĩ cầm bán tài năng và việc làm từ thiện của các cá nhân không giống nhau. Người nghệ sĩ vĩ cầm bán tiếng đàn của mình để lấy tiền. Tiếng đàn chính là tài năng, là kỹ thuật của anh ta. Tài năng và kỹ thuật ấy khi ở những nơi khác nhau thì sẽ được trả giá khác nhau. Nếu anh ta đứng trên sân khấu lớn - Nơi người ta xem trọng nghệ thuật, tài năng và kỹ thuật của người nghệ sĩ - Tiếng đàn của anh ta đáng giá nghìn vàng. Nhưng nếu anh ta đứng ở nhà ga - Nơi con người còn đang đầu tóc mặt tối với cơm áo gạo tiền, với những khó khăn cuộc sống, nơi mà nghệ thuật bị xem là thứ yếu thì tiếng đàn ấy cũng chỉ là trò mua vui mà thôi, cho dù là tiếng đàn vụng về hay tiếng đàn trác tuyệt đến mấy. Còn việc từ thiện, đó không phải là một thương vụ mua bán như chuyện anh nghệ sĩ bán tiếng đàn, đó là việc cho đi của một người dành cho một người. Đã là cho đi thì sao còn đòi hỏi nhiều thứ khác? Nếu vậy thì 'từ thiện' có ý nghĩa gì đâu? Hãy gọi nó là một cuộc đổi chác theo kiểu tôi cho những người nghèo ấy điều này thì những người còn lại cũng hãy cho tôi điều tôi muốn. Tôi cho người nghèo tiền thì người xung quanh - Quần chúng cũng phải cho tôi lại tiếng. Nếu không ai biết tiếng tôi, nếu không ai tung hô hành động tôi làm thì tôi sẽ không đưa ra một đồng nào đâu! Vậy thì ấy chẳng phải từ thiện. Nếu ai đã từng làm việc tốt - Việc tốt một cách thật tâm không vụ lợi một lần thì sẽ thấy, việc cho đi vốn không hề mong cầu được nhận lại. Khi chúng ta làm điều gì đó cho người khác, thứ mà chúng ta muốn nhìn thấy chính là nụ cười của họ. Giống như khi ta mua một món quà cho mẹ, chúng ta cũng chỉ muốn nhìn thấy mẹ cười mà thôi. Rộng lớn hơn, khi chúng ta mang một điều gì đến cho người nghèo, chúng ta cũng chỉ cần nhìn thấy sự ấm lòng, nụ cười và niềm vui sướng bừng lên khuôn mặt họ. Nếu chúng ta chỉ cần những điều đó thì dù có làm thiện nguyện thầm lặng hay thiện nguyện công khai cũng đâu quan trọng gì? Rõ ràng bài viết đã dùng hai việc hoàn toàn khác nhau so sánh với nhau rồi đưa ra một kết luận chủ quan. Người viết bài đã sai khi không hiểu rõ bản chất của sự việc. Dù vậy, vì lý lẽ anh ta dùng có vẻ xuôi tai và logic nên khối người tung hô bài viết này của anh ta. Đấy, mị lấy ví dụ này để cho mọi người thấy không phải viết gì cũng được. Mị bắt đầu nhận thức được việc mình cần thận trọng hơn trong viết lách khi đọc phải những bài viết như thế này. Càng trưởng thành mị càng thận trong hơn trong câu chữ, suy nghĩ kĩ và chiêm nghiệm đủ rồi mới dám viết. Từ một đứa viết càn, đọc quyển tiểu thuyết nào hay thì lập tức viết theo cốt truyện của quyển tiểu thuyết đó đến một đứa có thể viết câu chuyện của riêng mình rồi đến một người viết thận trọng và kỹ lưỡng với nghề... Mị đã đi một hành trình rất dài. Mị nghĩ rằng ai rồi cũng sẽ trải qua những hành trình ấy nếu theo đuổi việc viết nghiêm túc. Ngày xưa mị viết để thỏa mãn bản thân mị và mong muốn được người ta đọc. Giờ thì mị viết vì mị thích, viết để mang đến những thông tin giá trị cho độc giả của mị, nhận thức về việc viết đã thay đổi hoàn toàn rồi. Vậy nên các bạn đừng hỏi tại sao lâu quá mị không ra bài. Mị viết nhiều nhưng toàn để nháp thôi, viết lắm rồi khi đọc lại, thấy nó không phù hợp, rồi lại không đăng. Nếu các bạn thích đọc những bài mị viết thì xin hãy đồng hành cùng mị và hiểu cho mị nhé. Mong rằng những gì mị viết sẽ khiến các bạn có cái nhìn khác hơn về cuộc sống và về viết lách. Cảm ơn các bạn đã theo dõi ạ <3

Bí quyết viết truyện có lượt view caoNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ