Thợ rèn vùng Aras (2)

509 47 21
                                    




Hela yêu quý Nineveh còn hơn cả ngôi nhà mà nàng đã được sinh ra và lớn lên ở Assyria. Đó chẳng phải là vì nàng bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp lẫn sự nguy nga, tráng lệ của cung điện mà là vì người đàn ông nàng yêu sống ở nơi này. Nàng còn nhớ rất rõ giây phút nàng được đưa vào đại điện Maurya để diện kiến hoàng đế của đế chế Aum hùng mạnh, chàng đã hỏi rằng nàng có bằng lòng từ bỏ nơi thân thuộc từ thuở ấu thơ và chuyển đến sống trong Nineveh rộng lớn này của chàng không. Hela lúc ấy, đứa con gái mười hai tuổi của tể tướng Ibuntal, đã vô cùng ngạc nhiên trước câu hỏi, bởi những người khác đã căn dặn nàng đủ điều về những phép tắc, lễ nghi không được quên khi đứng trước hoàng đế nhưng dường như chẳng ai nói cho nàng biết nàng sẽ phải trả lời một câu hỏi như vậy. Chàng đã trấn an đôi chút vì thấy nàng run rẩy sợ hãi bằng cách kể cho nàng nghe mọi điều về Nineveh, giọng chàng khi đó dịu dàng, trầm ấm và mỗi câu từ chàng thốt ra đều vô cùng cuốn hút.

Khalifa Đại đế, vị vua khai quốc của người Aum, đã xây dựng cung điện Nineveh để dành tặng cho người vợ thứ ba và cũng là hoàng hậu đã sinh hạ được người thừa kế cho ông – hoàng hậu Herbet. Bà vốn là công chúa của Medef – vương quốc ở phía Bắc, vùng đất đai xanh tươi và núi non hùng vĩ. Khi được gả đến Aum để tạo lập lên liên minh giữa hai đế chế, cảnh vật bằng phẳng, nóng nực ở kinh đô Virat đã khiến công chúa cảm thấy buồn chán. Để làm vui lòng vợ của mình, Khalifa Đại đế đã cho xây mới lại toàn bộ cung điện. Ông hạ lệnh cho các kiến trúc sư giỏi nhất đến từ Rusland phải biến nơi đó trở thành một khu vườn đẹp đẽ với cỏ cây hoa lá tốt tươi, mô phỏng lại phần nào khung cảnh quê hương của hoàng hậu Herbet. Đấy là lý do vì sao Nineveh lại có ban công được xây hình vòm, chồng lên nhau và tựa vào các cột hoa cương khối hình trụ. Trên các ban công đó, người ta đổ đất vào những chỗ lõm để trồng cây cối. Cung điện mới có cả thảy bảy tầng tháp với các bậc thang cho người đi dạo, mỗi tầng là một vườn phẳng, trồng những loại cây quý từ khắp nơi trên vùng đất Aum dâng tặng cũng như các loại hoa mà hoàng đế đem về sau mỗi cuộc viễn chinh của mình. Nước mát lành từ sông Riga được guồng và ống dẫn dâng lên mỗi tầng tháp để giữ cho khu vườn luôn xanh tươi, còn hóa trái đơm kết suốt bốn mùa như ở Medef.

Sáng tổ của vương triều Venta là một vị tướng lĩnh kiệt xuất, người đã dành cả cuộc đời mình để mở rộng không ngừng lãnh thổ Aum và vì lẽ đó mà Nineveh của kinh đô Virat không đơn thuần chỉ như một khu vườn thượng uyển để nhìn ngắm lúc thanh nhàn, tòa cung điển còn có cả chính điện và hậu cung của hoàng đế đặt với các cửa lớn thông ra ngoài thành thích hợp cho việc phòng ngự. Sự xa hoa của cung điện thể hiện qua những hàng cột đá bằng cẩm thạch sẫm màu, tường làm bằng gạch nung có khắc hình gia huy khổng tước, mặt tường ốp đá hoa cương cùng mặt đất lát bằng gạch lưu ly. Phía trên mỗi cây cột, thợ thủ công của hoàng gia khéo léo điêu khắc hình dáng hai còn sư tử đang giáp lưng vào nhau. Chính điện Maurya rộng lớn được lát thuần bằng gạch đúc từ bạc và đá hoa cương, dương tọa bằng vàng khảm đủ trăm thứ đá quý của hoàng đế được đặt ở bậc thang cao nhất, trước phù điêu gia huy đuôi khổng tước của gia tộc Venta, thấp hơn một chút phía dưới có mười chiếc ghế mạ hoàng kim được xếp đều thành hai hàng đối diện với nhau để dành cho mười vị đại thần – mười viên ngọc của đế chế. Sự giàu có và cường thịnh của hoàng tộc Venta cũng như Aum được thể hiện trong từng chi tiết, dù là rất nhỏ nhặt ở cung điện Nineveh, theo cách xa xỉ nhất mà người thường khó có thể tưởng tượng ra nổi. Khalifa Đại đế và hoàng hậu Herbet lúc bấy giờ hẳn cũng chẳng thể ngờ được món quà này đến hàng trăm năm sau đó lại được hậu thế ca tụng như một trong ba điều hoàn mỹ nhất mà thế gian có được.

[The Castle Series] Cổ thành (tập 1): Ngọn tháp caoNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ