Mùa đông, năm Long Thụy Thái Bình thứ nhất (1054) (*), nước tôi đổi tên thành Đại Việt.
Thái Tông hoàng đế băng hà, thiên tử mới lên ngôi. Dân chúng được miễn thuế ba năm, xem ra âu cũng là chuyện tốt.
Đương kim hoàng đế từ nhỏ đã tinh thông kinh truyện, hiểu âm luật lại càng giỏi võ lược. Mười sáu tuổi thay vua cha giám quốc, mười tám tuổi được phong Đô thống Đại nguyên soái, đem quân đánh nơi đâu, thắng trận nơi ấy. Hoàng đế chẳng những chiếm trọn lòng dân, mà bá quan văn võ cũng nguyện ý trợ phò.
Và... đó cũng là người đàn ông khiến tôi một đời lưu luyến.
Mười tám tháng Chạp, tôi nấu vài món đặc biệt rồi cho tất cả vào giỏ, mang đi cùng nến, hoa và hương. Nơi chân đồi, cây si đã chết tự khi nào, thành ra khô khốc. Tôi treo lên nhành cây một đoạn vải trắng, rồi quỳ xuống nơi gốc, bày biện tất cả những thứ mình đã chuẩn bị ra.
Cha mẹ, Tự Khải đã rời xa tôi tròn ba năm rồi. Gió đông se thắt tâm can. Nước mắt tôi cũng chẳng còn để rơi xuống.
"Cha mẹ, Tự Khải, hôm nay con làm những món mà trước nay nhà ta thích ăn cho mọi người đây. Mọi người ở nơi đó thế nào rồi?"
Tôi quỳ nơi đó, nhìn nén hương dần tàn, nhìn những đĩa thức ăn dần nguội lạnh. Cha mẹ dưới suối Vàng chắc chắn đang chờ tôi. Còn tôi lại là kẻ hèn nhát, không đủ can đảm đi theo mọi người.
Có tiếng bước chân hối hả vang lên sau lưng khiến tôi giật mình. Tôi vội vàng đi đến phía ấy, đưa tay đỡ lấy người phụ nữ già nua đang dò dẫm từng bước về nơi này.
"Sương à, mẹ thức dậy không thấy con đâu cả. Con lại định bỏ mẹ phải không?"
Tôi mỉm cười, dù biết bà không thể trông thấy, nhẹ nhàng trấn an: "Con không bỏ mẹ, con chỉ ra đây kiếm ít củi thôi."
Bà run run nắm lấy tay tôi, giọng hờn tủi: "Con hứa là không được bỏ mẹ nữa, có biết không?"
Mọi người trong thôn gọi bà là thím Hà. Thím có một đứa con gái tên Sương, trạc tuổi tôi, đã mất tích cách đây tám năm. Mọi người nói mất tích thôi, nhưng ai cũng biết cô ấy đã qua đời rồi. Tám năm trước cô ấy cãi nhau với mẹ, tức giận rời khỏi nhà, chẳng may rơi xuống núi. Ngày tìm được xác con, thím Hà không chịu nổi, khóc liên tục ba ngày đêm đến mức mắt không còn nhìn được gì. Sau đó thím thành ra điên điên dại dại, hằng ngày thơ thẩn khắp nơi tìm con. Dân làng trông thấy, vừa thương, vừa tội nhưng chẳng biết giúp bằng cách nào. Mãi cho đến ba năm trước, tôi được đưa đến đây, sống dưới danh nghĩa con gái thím thì thím mới vui vẻ hơn. Mọi người biết tôi không phải con thím, nhưng cũng chẳng ai buồn phanh phui điều đó làm gì. Số mệnh thím ấy, đã quá khổ rồi!
Tôi dìu thím Hà quay về, trên đường đi thím ríu rít chẳng khác nào một đứa trẻ: "Sương, mẹ đang may cho con đôi hài, đợi đến khi có người đến nhà ta dạm ngõ, con phải mang đôi hài đó, biết không?"
"Mẹ à, sao phải cực như vậy? Hài con may được, mẹ cứ việc nghỉ ngơi cho khỏe mạnh là con vui rồi."
"Không được! Mẹ tuy mù nhưng thao tác vẫn quen. Trước nay hài của cha con con đều do mẹ may. Lần này mẹ đã gửi bà Tùng vào trấn mua một khúc vải rất đẹp. Mẹ sẽ chuẩn bị cho con đầy đủ mọi thứ để gả chồng. À, sang năm mẹ định nhờ thím Chín tìm ở làng kế bên một người tốt cho con nhé."
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cổ đại Việt Nam - Triều Lý] Trần Chân
Historical FictionTên tác giả: Búp Bê Bìa: Vân Thể loại: Cổ đại Việt Nam thời Lý Tình trạng sáng tác: Hoàn Giới hạn độ tuổi: Không Giới thiệu Diễn Châu - Nghệ An dưới triều vua Lý Phật Mã (Lý Thái Tông) là cảng biển kinh thương sầm uất. Nơi đây nổi lên không biết bao...