Lý Nhật Trung đưa tôi quay về Diễn Châu. Phần đất ngoại ô có bốn nấm mộ: cha tôi, mẹ tôi, Tự Khải và của chính tôi. Tôi quỳ trước những nấm mộ ấy suốt cả buổi chiều.
Ngôi nhà của ông phú hộ Trần giờ đây không một bóng người, cỏ cây mọc quanh gần như phủ kín. Tôi đẩy cửa bước vào, đồ đạc bên trong chẳng còn lại gì. Nhà khách, nơi trước đây biết bao nhiêu người lui tới, quà cáp cho cha tôi để cầu cạnh ông đồng ý giao dịch. Nhà ăn, nơi gia đình chúng tôi vẫn hay ngồi với nhau trong những bữa cơm ấm cúng. Đằng sau là chiếc sạp tre tôi hay gối đầu lên chân nghe mẹ hát ru mỗi buổi tối. Mọi thứ bây giờ chỉ còn lại vết tích dưới lớp bụi thời gian. Tôi bước ngang qua phòng mình, cánh cửa lại chẳng có vết bụi. Dự cảm cho tôi biết bên trong có người, tôi liền dừng lại, nhìn Nhật Trung. Anh ta hiểu ý, mở cửa xông vào.
"Ai ở trong này?"
Trên giường của tôi, một cô bé sợ hãi thu mình trong góc. Tôi nơm hình dáng ấy vừa lạ vừa quen, bước lên phía trước, định chạm vào cô bé ấy nhưng Nhật Trung ngăn tôi lại: "Cẩn thận, để ta." Rồi anh tiến lại gần, gươm vẫn giữ thế chực tuốt ra khỏi vỏ: "Ngươi là ai? Sao lại ở trong nhà họ Trần?'
Cô bé kia ngẩng đầu lên, ánh mắt sợ sệt nhìn lấy Nhật Trung. Ngay sau đó lại đưa mắt về phía tôi, hoảng hốt: "Mợ ba đúng không? Có phải là mợ không?"
Tôi nửa tin nửa ngờ hỏi: "Khiết An, là em sao?"
Vừa nghe tôi kêu tên, em ấy đã vội vã sà vào lòng tôi, hai tay siết chặt lấy tôi, òa khóc nức nở: "Mợ ba, con tưởng không còn gặp lại mợ được nữa. Con ở đây gần một năm rồi, hằng ngày đều ra mộ của mợ và ông bà để thắp hương. Mợ ba, mợ là người hay ma vậy? Mợ đưa con theo với."
Tôi lấy khăn tay lau nước mắt cho Khiết An. Em ấy khóc một trận, cả chớp mũi cũng đỏ lên khiến tôi vừa thấy thương, vừa buồn cười: "Dĩ nhiên chị còn sống rồi. Nhưng bây giờ chị không còn là mợ ba nữa, em cứ gọi chị là chị thôi. Và hiện giờ tên của chị là Thanh Sương. Cha mẹ em đâu, sao em lại vào Diễn Châu này?"
Khiết An nghe tôi hỏi, được dịp khóc to hơn: "Mẹ con mất rồi. Sau đó cha cưới mẹ kế. Hai năm sau cha cũng mất, mẹ kế định bán con vào lầu xanh. Con sợ quá chạy ra châu Lạng tìm mợ thì mọi người lại nói mợ về Hải Đông. Con vào Hải Đông thì người trong ấy nói mợ đã không còn... Sau đó con lại tìm cách vào Diễn Châu này, trốn nơi đây, hằng ngày trông coi mộ phần của ông bà, cậu cả và..."
Nói tới đây Khiết An bỗng trở nên ngại ngùng. Tôi biết việc tôi còn sống đối với cô bé là chuyện hoàn toàn không tưởng. Thời gian qua, có lẽ em phải chật vật lắm để tồn tại trên cuộc đời này. Số phận em ấy khổ, từ lần đầu tiên tôi gặp cho đến lúc này vẫn thế. Ông trời cho tôi gặp lại em, xem ra muốn tôi chăm sóc em để em có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng liệu có tốt hơn không? Bản thân tôi không thể trả lời.
Chúng tôi thuê một nhà trọ tại Diễn Châu để nghỉ ngơi. Khiết An sau khi ăn một bữa no nê, tắm rửa sạch sẽ liền lên giường, ngủ một giấc thật say. Tôi trông cô bé khi ngủ thật hồn nhiên, tâm trạng cũng muôn phần nhẹ nhõm.
"Vương gia, tôi muốn nhận em ấy làm em nuôi. Ngài có đồng ý không?"
Tôi nhẹ nhàng nói với Nhật Trung đứng sau lưng.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cổ đại Việt Nam - Triều Lý] Trần Chân
Historical FictionTên tác giả: Búp Bê Bìa: Vân Thể loại: Cổ đại Việt Nam thời Lý Tình trạng sáng tác: Hoàn Giới hạn độ tuổi: Không Giới thiệu Diễn Châu - Nghệ An dưới triều vua Lý Phật Mã (Lý Thái Tông) là cảng biển kinh thương sầm uất. Nơi đây nổi lên không biết bao...