Tháng chín năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ năm (1048), nhà tôi mở rộng sản xuất bông ở châu Lạng (Lạng Sơn). Thực ra đó là mảnh đất từ một con nợ của anh Phú. Y bỏ ra một số tiền lớn để nhập vải của nhà tôi, định bụng sẽ xuất sang Đại Tống kiếm lời. Nhưng không may người mà y giao thương lại là một kẻ bịp bợm, chẳng những không chia chác tiền lời mà còn giật luôn tiền vốn. Đến kỳ thanh toán cho nhà tôi thì không còn một xu. Anh Cát cũng không muốn dồn y vào đường cùng, liền ngỏ ý muốn mua lại toàn bộ đất đai của y ở châu Lạng với giá "hữu nghị", y không còn cách nào đành phải đồng ý. Về phía anh Cát, nhận thấy phần đất nơi đó phù hợp cho cây bông vải phát triển, nên liền thuê người quy hoạch, chuẩn bị gieo cấy đợt cây giống đầu tiên.
Đáng lí anh cả sẽ ra châu Lạng để coi sóc việc canh tác nhưng không ngờ ngay lúc này đây nhà tôi lại có chuyện vui – chị cả mang thai.
Có lẽ lâu lắm rồi nhà tôi mới có một chuyện đáng ăn mừng. Tôi được gả về đây một năm ba tháng nhưng chưa khi nào thấy anh chị cả cười nhiều như vậy. Chẳng những anh chị cả hạnh phúc, tất cả tôi tớ trong nhà từ trên xuống dưới cũng đều vui cho bà chủ. Tôi thì tò mò không biết trong bụng mình khi có thêm một sinh linh, sẽ biến đổi như thế nào?!
Tuy vậy việc ở châu Lạng vẫn không thể bỏ mặc. Chị cả lần đầu mang thai, sức khỏe không được tốt nên cuối cùng anh Phú quyết định tìm người thay thế. Đó phải là người giỏi giang và tín cẩn thì mới có thể khiến anh cả yên lòng. Anh cả đắn đo rất nhiều, cuối cùng anh Cát là người thích hợp nhất. Chuyến đi này chưa biết kéo dài bao lâu, nhanh thì sáu tháng, chậm thì vài năm. Tôi xin đi theo nhưng anh nhất quyết không cho.
Xuân Mai vốn dĩ là hầu gái thân cận của Cát, phải theo anh ra ngoài ấy để chăm sóc cậu ba. Nhưng không hiểu sao chị cả lại đề nghị với tôi để Nhược Lan thay thế, Nhược Lan cũng không có vẻ gì là muốn thoái thác nên tôi cũng phải đồng ý.
Chưa tròn một tháng nhưng tôi thấy tâm tư ủ dột vì thiếu vắng Nhược Lan. Lúc còn chị ấy bên cạnh thì dù tôi có buồn bã đến đâu chị cũng làm trò khiến tôi cười. Bây giờ chị ở tít ngoài kia, tôi không còn ai để tâm sự. Xuân Mai thì khỏi bàn đến, chị ấy mặt mày lúc nào cũng như vô cảm.
Chị cả thấy tôi buồn bã lại nghĩ tôi vì thương nhớ Cát nên mới thành ra như vậy nên hết lời an ủi. Tôi ngoài mặt ừ ừ gật gật nhưng trong lòng vẫn chẳng khá hơn. Có lẽ những lúc tôi cảm thấy khá nhất là khi ngồi cùng chị cả may áo cho cháu bé sắp chào đời. Dù gì sau này tôi cũng sẽ sinh con, nhân dịp này tập may, để đến lúc tôi mang thai có thể chuẩn bị cho con tôi thật tốt.
Chị cả thấy tôi có vẻ thích khâu vá, liền đề nghị: "Chân à, sao em không thử may áo cho chú ba. Lúc chú ấy quay về đây, thấy chiếc áo do chính tay em may, hẳn sẽ rất thích."
Tôi cúi đầu thẹn thùng, nhưng vẫn âm thầm chuẩn bị vải vóc, kim chỉ để may áo cho anh.
Khoảng thời gian anh Cát sắp ra châu Lạng cũng đối xử với tôi dịu dàng hơn. Nếu trước kia anh chẳng bao giờ quan tâm đến tôi thì dạo này anh hay hỏi tôi đã ăn cơm chưa, hôm nay tôi có chuyện gì không – mặc dù những câu hỏi đó đều thông qua Nhược Lan. Nhưng không sao hết, miễn anh chịu quan tâm đến tôi là tôi cảm thấy rất vui rồi.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cổ đại Việt Nam - Triều Lý] Trần Chân
Historical FictionTên tác giả: Búp Bê Bìa: Vân Thể loại: Cổ đại Việt Nam thời Lý Tình trạng sáng tác: Hoàn Giới hạn độ tuổi: Không Giới thiệu Diễn Châu - Nghệ An dưới triều vua Lý Phật Mã (Lý Thái Tông) là cảng biển kinh thương sầm uất. Nơi đây nổi lên không biết bao...