"Mẹ nói một đôi hài đẹp sẽ đưa con gái đi đến nơi hạnh phúc. Nhưng khi khăn đỏ che mặt giở lên, Trần Chân nhận ra rằng, thứ hạnh phúc mà mẹ nói, thật sự quá xa vời!"
Năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), Thần Vũ Hoàng Đế (Lý Thái Tổ) dời đô về kinh thành Đại La, cũng là Thăng Long hiện nay, những vùng lân cận nhờ cung ứng hàng hóa cho triều đình mà kinh tế ngày càng phát triển. Trong số những phú hộ lúc bấy giờ, nổi tiếng nhất là nhà họ Đào ở phủ Phú Lương độc quyền cung ứng vàng và nhà họ Huỳnh ở Đông Hải chuyên cung ứng vải.
Mười hai năm trước, con gái thứ hai của nhà họ Huỳnh tiến cung. Nàng ấy nhờ dung mạo xinh đẹp, thông thạo cầm kỳ thi họa, lại có tài ăn nói nên nhanh chóng từ một Tú nữ nhỏ bé trở thành Thứ phi. Hiện nay nàng ấy là Nguyên phi, cấp bậc chốn hậu cung chỉ nhỏ hơn hoàng hậu. Nguyên phi được hoàng thượng sủng ái, nên nhà họ Huỳnh cũng được hưởng phúc. Sau khi kiểm tra chất lượng vải nhà họ Huỳnh sản xuất, hoàng thượng liền hạ lệnh để nhà họ cung ứng vải cho triều đình.
Từ lúc trở thành cung ứng, nhà họ Huỳnh cho mở rộng diện tích canh tác dâu, nuôi tằm, xây dựng thêm xưởng dệt vải tạo việc làm cho người dân trong vùng. Cả lộ Hải Đông (Quảng Ninh), không ai không nể mặt gọi anh cả của Nguyên phi là Huỳnh Phú một tiếng ông chủ Huỳnh.
Ông bà Huỳnh chẳng may qua đời sớm. Một tay Huỳnh Phú vừa tiếp quản sự nghiệp, lo hương khói cho cha mẹ, vừa chăm sóc em út trong nhà - Huỳnh Cát. Lần này, tôi được gả cho Huỳnh Cát, còn người đàn ông đến nhà tôi dạm hỏi mấy tháng trước chính là Huỳnh Phú.
Tôi vừa ngắm sao vừa tổng hợp những gì mình biết về nhà họ Huỳnh. Đêm nay là đêm thứ ba chúng tôi lênh đênh trên biển. Hai đêm trước tôi vốn ngủ rất ngon, không hiểu sao đêm nay cứ nằm trằn trọc hoài vẫn không tài nào chợp mắt được. Có lẽ cái lành lạnh ẩm ướt của gió biển khiến tôi bứt rứt, hoặc cũng có thể do chiều ngày mai thôi là tôi đã đến nhà họ Huỳnh.
Gió ở bong thuyền thật lạnh lẽo, tôi kéo cổ áo mình chặt hơn để tránh nhiễm phong hàn. Có tiếng bước chân nhè nhẹ vang lên sau lưng, tôi đoán đó là của Nhược Lan.
Chiếc áo khoác choàng qua vai tôi nhẹ nhàng, Nhược Lan thỏ thẻ: "Cô hai, khuya rồi sao còn ra đây, không may bị bệnh thì biết làm sao?"
Tôi lại thở dài, có lẽ mấy tháng nay tôi đã thở dài cho suốt mười bốn năm của mình: "Dưới thuyền ngột ngạt quá, em không ngủ được."
Nhược Lan nắm lấy tay tôi, trấn an: "Cô đang lo lắng cho ngày mai đúng không? Cô gái nào lớn lên không phải theo chồng, cô bận lòng làm chi!"
Tôi phì cười nhìn Nhược Lan. Chị ấy mặc dù lớn hơn tôi bốn tuổi nhưng chưa xuất giá thì làm sao hiểu được tâm trạng tôi lúc này. Tôi đáp lời chị - cũng như tự an ủi lấy mình: "Là phúc không phải họa, là họa thì không tránh khỏi. Em với anh Cát bên kia cũng xem như là có duyên, nếu đã là duyên thì em cũng thuận theo ý trời mà."
Nhược Lan nhìn tôi đầy ngạc nhiên: "Cô hai, dường như cô đã trưởng thành rồi!"
Tôi cũng không biết mình đã trưởng thành chưa. Tôi có gì thay đổi so với trước lúc lấy chồng đâu, cùng lắm là thêm những tiếng thở dài.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cổ đại Việt Nam - Triều Lý] Trần Chân
Ficção HistóricaTên tác giả: Búp Bê Bìa: Vân Thể loại: Cổ đại Việt Nam thời Lý Tình trạng sáng tác: Hoàn Giới hạn độ tuổi: Không Giới thiệu Diễn Châu - Nghệ An dưới triều vua Lý Phật Mã (Lý Thái Tông) là cảng biển kinh thương sầm uất. Nơi đây nổi lên không biết bao...