Tích Thành nằm về phía đông nam của vương triều, cả Tích Thành lẫn Lâm Thành đều nằm trong địa hạt của An Nam Vương, cho nên việc tìm chọn lễ vật mừng thọ rơi lên phủ của An Nam Vương.
An Nam Vương đặt tên cho lần chọn lễ vật này là hội Hiến Bảo, địa điểm đặt ở Tích Thành, là nơi phồn hoa nhất trong ba toà thành, thời gian là cuối tháng, vị trí cụ thể chính là ở thương hộ giàu có nhất thành —- dinh phủ của Chương gia.
Đông Cô nghĩ bụng, có lẽ lần tu sửa gióng trống khua chiêng gần đây ở Chương phủ là để cho lễ hội Hiến Bảo này.
Cáo thị rất dài, Đông Cô đọc kỹ từng điểm, sau đó chậm rãi tính toán.
Đề tài cho lễ vật mừng thọ không giới hạn, cầm kỳ thi hoạ, bất cứ thứ nào thời cổ đại hay chuộng, miễn sao khiến cho thái hậu vui là được.
Tuy nhiên Đông Cô không dám làm bừa, đây là quà mừng thọ, hơn nữa là cho lễ mừng thọ trong hoàng gia, không cẩn thận là xui tận mạng, vậy chẳng phải là không được gà mà mất luôn nắm thóc sao, không lấy được bạc mà còn mất luôn đầu, nàng cảm thấy cần phải suy nghĩ cho kỹ.Quà, nàng chắc chắc muốn dâng, nàng cần tiền, cần hơn bất cứ lúc nào trong đời.
Do chưa có tính toán cụ thể nào, nên nàng chưa báo cho La Hầu biết.Hôm ấy lúc về nhà, nàng ngồi trong sân nhìn trời ngẩn người.
Thứ mình có thể dâng, khẳng định chỉ có thể là tranh vẽ, điểm này không cần bàn, mấu chốt là vẽ cái gì.
Thật ra lúc đọc cáo thị, trong đầu Đông Cô hiện ra một tác phẩm mừng thọ nổi tiếng từ kiếp trước —- bức tranh "Chúng Tiên Chúc Thọ" của Nhâm Bá Niên cuối đời nhà Thanh. Bức tranh này thuật lại cảnh 46 vị tiên cùng tham dự yến tiệc mừng thọ của Vương Mẫu, vì là cảnh chúc thọ, nên toàn bộ bức tranh tươi sáng rực rỡ và sinh động, hơn nữa trông rất lộng lẫy huy hoàng, đầy khí phái.
Đông Cô nghĩ, nhìn từ bất cứ góc độ nào, bức tranh "Chúng Tiên Chúc Thọ" này vô cùng tốt lành và rất phù hợp, hơn nữa rất sang trọng, phù hợp với những yêu cầu của Hiến Bảo lần này.Có điều, bức tranh "Chúng Tiên Chúc Thọ" đó không dễ vẽ chút nào.
Đầu tiên, điểm quan trọng nhất — nó là một bức tranh vẽ trên bình phong, toàn bộ bức tranh là do 12 tấm bình phong được mạ vàng rồi vẽ lên gộp thành. Hơn nữa Nhâm Bá Niên thời đó, để bức tranh này có được đường nét tinh xảo và màu sắc tươi sáng, đã phải dùng hơn hai lượng vàng mài ra thành bột, tiền vốn bỏ ra rất cao.Đối với hội hoạ, xưa nay Đông Cô luôn mang thái độ cầu toàn, tuyệt đối không qua loa, khi nàng đã quyết định tạo nên một tác phẩm, khẳng định sẽ theo đuổi hoàn mỹ cho đến cùng. Cho nên, lúc này đây, trong lòng nàng rất mâu thuẫn.
Nàng biết bất kể là kiếp trước hay kiếp này, hoàng gia luôn chú trọng đến quy phép trên hết mọi sự, và cũng chú trọng đến mặt mũi. Thứ gì trông nghèo nàn, cho dù có tinh xảo khéo léo cách mấy, cũng vô ích. Cho nên quà mừng thọ, nhất định phải công phu, cộng thêm sang trọng.
Nhưng hiện giờ nàng thật sự đang nghèo kiết xác.
Đông Cô tính đi tính lại, nếu như bắt buộc phải làm ra được bức tranh này, chỉ có nước bán nhà bán đất, coi như táng gia bại sản. Mai mốt nếu được chọn thì còn may, nếu không được chọn, thì sau này nàng hết có chỗ để ở.
Nhưng nếu bảo nàng buông cơ hội này, nàng sẽ không cách nào chịu làm như vậy.
BẠN ĐANG ĐỌC
Một Nét Son Tình
Romance"Lương duyên đưa đến chốn này | tình bén rễ sinh trong đất." ------------------------------------------------------------------------------------------------------- Nguyên tác: 一笔多情 Tác giả: Twentine Người dịch: idlehouse / soát lỗi Chopper75 Tổng s...