Mình thường gọi những chàng trai 20-something là những cậu nhóc. Cũng không có gì đặc biệt, chỉ là ở bọn họ luôn tồn tại 1 điều gì đó non xanh, chưa chín hẳn, khiến mình chẳng cách nào coi họ là những người đàn ông được.
Chẳng hạn như Koki, 27 tuổi. Hôm trước mình qua nhà, nhặt nốt vài món đồ anh định bỏ lại Việt Nam để cầm về cho đỡ phí. Lúc đến nơi, tuy đã hẹn trước mà anh vẫn chỉ mặc độc mỗi chiếc áo may ô, cậu nhóc phụng phịu: "Sao em không gọi điện báo trước khi đến?" rồi chạy biến đi thay áo. Hành động đó quả thật rất đáng yêu, và cũng khiến mình nhận ra, ông anh gần 30 tuổi này thực ra vẫn chỉ là một cậu nhóc thôi.
Hôm nay cũng thế, mình ra Mỹ Đình ngay sau khi học xong ca 3 ở trường. Kết quả là sân vắng chẳng có ai, may mà mình đã chuẩn bị trước: cầm theo quyển Phía nam biên giới, phía tây mặt trời mượn của Tom ra đọc. Hẳn là hành động đó cũng hơi có lạc quẻ giữa cái sân vận động chỉ lác đác vài mống XY nhỉ, vì cậu nhóc cơ động ngồi gần chỗ mình cứ quay sang nhìn mình suốt thôi. Thật ra ý mà, bị chú ý lúc đang đọc sách cũng gây mất tập trung không kém gì việc bị làm phiền trực tiếp đâu, thế nên mình ngẩng lên nhìn dằn mặt tên nhóc này một phát. Nhóc con, bị nhìn vậy mà vẫn hồn nhiên cười toe toét với mình một cái, nhưng mà thằng nhóc có một nụ cười thật đẹp, hiền hiền, giống như mang nắng.
By the way, nhân nói về những cậu nhóc: Hôm nay "Nhóc" Mozart mới đăng một tấm hình khiến mình vừa nhìn đã phải bật cười. Theo lời Yangyang thì nếu không nhìn tên account, con bé sẽ tin chắc đây là ảnh mình chụp. Nghe vậy cũng có chút vui vui. Vì cậu nhóc đó là người đã khơi gợi nơi mình mong muốn được bộc lộ bản thân bằng những phương thức khác ngoài từ ngữ.
Và tuy rằng mình không tin rằng một người có thể hiểu được một người chỉ qua thứ âm nhạc họ nghe hay thứ văn chương họ đọc, thì khi ngôn ngữ bạn dùng để bộc lộ bản thân có thể khiến người khác liên tưởng đến một người, thì có lẽ phần nào bạn đã nói được cùng ngôn ngữ với người đó rồi.