Nhà Điền hôm nay im phăng phắc, một mảnh đâu đâu cũng ảm đạm. Tất cả con cháu đều về tụ họp trong phòng gia chủ trụ cột. Ba hôm trước vẫn còn khoa trương mấy chầu giỗ chạp từ đầu cổng đến cửa nhà, tấp nập người người đi lại. Thế mà giờ, như chẳng còn chút tâm tình, ăn uống hay gì nữa.Điền Chính Thụy ngồi xổm bên thành giường, hỏi han xem vợ mình giối giăng những gì, rồi đặng biết đường mà làm cho bà. Huỳnh Nghi Phụng chẳng hiểu sao đang yên đang lành, mạnh khỏe. Giỗ chạp của Điền Thiên xong xả, lại đột nhiên đổ bệnh. Miệng khô, nôn mửa, chân tay mỏi mệt, người lạnh ngắt. Răng bà hồi nào cũng cắn chặt, hại người tớ cho uống thuốc thực rất khổ. Đêm đầu bà Phụng sùi bọt mép, thở ra ì ạch, tưởng đâu chết đến nơi. May ra cái mạng lớn, còn duy trì được tới tận giờ này.
Trong lòng Huỳnh Nghi Phụng lo lắng, sợ hãi, đến độ cả đêm mệt rã rượi bà cũng nào dám chợp con mắt. Cứ hễ nhắm lại là liền thấy bóng của Điền Thiên hiện về. Hai mắt đỏ kè, mặt trắng như bột đương trợn lên nhìn bà. Nghi Phụng khiếp nhược, ăn còn không nổi, nói chi ngủ. Huống hồ còn đang bệnh, bệnh gì thì không ai xem ra được.
Cũng chẳng hiểu sao, thằng tớ Trí Mân cũng mất tích trước ngày giỗ chạp một hôm.
Bà Phụng im lìm, mắt cứ trợn trố, tay chân run như cụ bà tám mươi. Nằm yên để người tớ dùng nước trầm hương lau sạch sẽ mình mẩy, thay bộ quần áo mới cho thật tươm tất. Chiếc đũa cũng được đem lên, đặt bên đầu giường. Bà ta nhìn thấy nó, vừa tức giận, lại vừa chết điếng. Í ới nói:
"Tao. Chưa có, chết đâu. Bay dám trù ẻo tao, hay gì?"
Thằng cu Tỵ thấy vậy thì liền nhanh nhẩu chạy tới, cầm chiếc đũa giấu sau lưng. Nó không dám đem xuống, sợ phạm phải điều không nên. Phong tục bao năm đã vậy, người mới tắt thở sẽ được thực hiện ngay nghi thức ngậm hàm. Bởi ai biết bà Phụng chết hồi nào.
.
Nửa đêm thanh vắng, bà con trong họ đều lui về nghỉ ngơi gần hết, còn lại đôi ba người khắn khít cùng những kẻ tớ theo hầu ngồi cạnh đặng canh giờ cho chuẩn. Không ai nói ra, nhưng đều biết bà Phụng sắp đi rồi, thầy lang cũng bó tay. Thuốc sắc cho uống cũng là thuốc bổ, có thấm thía được miếng nào đâu.
Lúc bà ta gần chết, thấy trước mặt có hai người, đứng chờ hồn bà xuất ra khỏi xác, liền giải về âm phủ. Bà ta sợ quá, miệng không ngừng luyên thuyên:
"Không phải tôi. Không phải tôi." Mắt nhắm chẳng xong, mở thì cũng không biết phải nhòm cái gì. Rơi vào tình cảnh kinh hãi tột cùng.
Giờ rày, Điền Chính Quốc chỉ đứng đó, mặt lạnh. Được một lúc, ông Thụy dòm con, không nói gì nhưng tỏ ý. Ông dặn dò đứa thứ của mình ra ngoài lo chuẩn bị hậu sự.
Canh tư, giờ Sửu. Trong nhà chẳng có mấy ai khóc thương, im lặng, chỉ nom người nằm trên giường, chết cũng không dám nhắm mắt. Người nhà Điền biết bà đã đi, bảo thằng Tỵ đưa ra chiếc đũa, đặt ngang trên hàm của bà. Trên tay cầm ba miếng vàng sống, chín hạt châu trai, đem bỏ vào miệng. Thằng cu Tỵ thấy vậy, ngộ một điều: thì ra người giàu có cho vàng, khác với nghèo. Hồi đó khi u nó mất, chỉ bỏ ít gạo, bằng một vốc tay, với ba đồng tiền.
Tổng cộng hết ba người, cùng nhau khiêng kẻ chết, đem đặt xuống chiếc chiếu mới giải dưới sàn. Làng này có phong tục, lúc sanh tiền, tạo ra từ đâu thì chết sẽ về đó. Chôn nhau, đắp rốn, cũng ở dưới đất, thì tức phải nằm trên nền nhà chừng vài lát, đặng lại đem trở về giường.
Bấy giờ Điền Chính Thụy mắt đảo xung quanh, không thấy đứa con thứ trở lại. Mặt mũi ông khó coi, sau đó cũng mặc kệ có phạm phải thuần phong mỹ tục hay gì. Mang chiếc áo mà vợ mình mới được thay đi ra ngoài, vất vả trèo lên mái nhà. Leo gần tới, ông Thụy nhìn thấy một con chim. Điềm tĩnh, lạ lùng, đậu ngay trên cột nhà, phía dưới là phòng của ông và bà Phụng. Trong bóng đêm đặc lại những u buồn, đôi mắt to tròn và đen nháy của nó, đang như muốn nuốt chửng Điền Chính Thụy. Dưới nhà có chuyện chết chóc đã đành, lại còn gặp phải loài chim này, ắt hẳn sắp tới còn có chuyện lớn hơn.
Ông Thụy đứng thẳng người, đòi đuổi con chim đi, nhưng nó chỉ đậu đó, cách nào cũng không thèm bay. Hồi rồi Điền Thụy cũng mặc kệ, chỉ thở dài, trong lòng mang một nỗi mất mát. Ông hét lên đúng ba tiếng, người ta gọi đó là hú vía, một trong những phần tục ở làng. Cốt tỏ ra là vẫn mong người chết có thể sống lại. Nhưng ở đây, việc này là phận của con cái, chớ phải của người chồng cùng chăn cùng gối nhiều năm.
Điền Thụy trở lại phòng. Phủ cái áo lên thân người chết, xác đã lạnh lại, cứng đơ như khúc gỗ. Con chim Lợn ngoài kia cuối cùng cũng chịu vỗ cánh bay đi.
...
Đường xuống cửu nguyên, vài bậc thang lạnh đến buốt giá. Hai bên lối đi, đều là biển lửa hừng hực. Tiếng người khóc, kẻ than, kêu vang trong đau khổ. Họ nằn nì, van lơn. Họ khẩn khoản xin tha, la hét, đáng sợ hơn bất cứ điều gì. Huỳnh Nghi Phụng nghe mà điếng vía, chân tay run lật bật.
"Các ngài đưa tôi đi đâu?"
Hai kẻ đang giải bà Phụng đi, một tên vận đồ trắng, một tên lại vận đen. Kẻ mặt ngựa, tên đầu trâu. Người đời gọi cả hai là Người giám hộ cõi âm, vị thần dẫn lối linh hồn người chết về chốn cửu tuyền.
Người đen đúa, gương mặt dữ tợn. Trên đỉnh đầu đội chiếc mũ dài, ghi bốn chữ "Ta đến bắt ngươi". Kẻ còn lại, miệng từ lúc bà Phụng nhòm thấy tới giờ, hồi nào cũng cười cười. Đội một chiếc mũ nhọn, ghi chữ "Ngươi đã đến rồi". Họ chỉ im lặng, không đáp trả, không đếm xỉa tới.
Huỳnh Nghi Phụng cũng không thể ngừng được, bước theo, cứ như mọi thứ không thuộc về bà, chân bất đồ đi sau hai người đó.
----
"Nhanh nhẩu" : Là phương ngữ, tức là nhanh nhảu.
Các nghi lễ, phong tục trong bộ này (kể cả những chap tiếp theo) mình có tham khảo qua từ nhiều nguồn trên mạng, qua lời kể, qua trải nghiệm cuộc sống của mình, không hoàn toàn là do mình tưởng tượng ra tất cả.
BẠN ĐANG ĐỌC
JKKM| - Án Điền gia
FanfictionAuthor: SnowDevil- 04-01-2019. Fic đang trong quá trình viết và được đăng tải khi hoàn thành từng chương một. Vì tính chất cuộc sống của tôi khá lộn xộn nên việc update chương mới sẽ không được thường xuyên, mọi người hãy cân nhắc trước khi đọc nhé.