VÀO đêm trước ngày ra đời Đế chế Thứ Ba, bầu không khí căng thẳng bao trùm thành phố Berlin. Hầu như mọi người đều biết rằng nền Cộng hoà Đức sắp cáo chung. Trong hơn một năm, chế độ này đã tàn lụi một cách nhanh chóng. Giống như người tiền nhiệm Franz von Papen, Tướng Kurt von Schleicher chẳng quan tâm mấy đến số phận của chế độ Cộng hoà và càng ít quan tâm hơn đến nền dân chủ. Cả hai đã giữ chức vụ Thủ tướng do Tổng thống Đức chỉ định mà không thông qua Nghị viện.
Ngày 28 tháng 1 năm 1933, Kurt von Schleicher đột nhiên bị vị Tổng thống già nua, Thống chế von Hindenburg bãi nhiệm chức vụ Thủ tướng chỉ sau 57 ngày nắm quyền. Adolf Hitler, thủ lĩnh Quốc xã, Đảng lớn nhất của Đức, đòi nắm chức vụ Thủ tướng của một nước Cộng hoà dân chủ mà ông nguyện sẽ tiêu diệt.
Nhiều tin đồn lan truyền trong ngày cuối tuần mùa đông định mệnh ấy và tin đồn gây quan ngại nhất không phải là vô căn cứ. Có tin cho biết Schleicher định âm mưu với Tướng Kurt von Hammerstein, Tư lệnh Lục quân, để làm cuộc nổi loạn với sự hậu thuẫn của doanh trại Potsdam nhằm bắt giữ Tổng thống và thành lập chế độ độc tài quân phiệt. Có cả tin đồn về việc Quốc xã định cướp chính quyền. Đội ngũ S.A. ở Berlin, được hỗ trợ bởi những cảm tình viên Quốc xã trong lực lượng cảnh sát, định chiếm lấy khu Wilhelmstrasse, nơi toạ lạc Dinh Tổng thống và phần lớn văn phòng các bộ. Cũng có tin đồn về một cuộc tổng đình công. Ngày 29 tháng 1 năm 1933, hàng trăm nghìn công nhân biểu tình ở trung tâm Berlin để phản đối việc chỉ định Hitler làm Thủ tướng. Một trong những lãnh đạo công nhân cố bắt liên lạc với Tướng von Hammerstein nhằm đề xuất hành động kết hợp giữa quân đội và nghiệp đoàn nếu Hitler được chỉ định cầm đầu Chính phủ. Trước đó, trong cuộc nổi loạn Kapp năm 1920, một cuộc tổng đình công cũng đã giúp cứu nguy cho nền Cộng hoà sau khi Chính phủ trốn chạy khỏi thủ đô.
Trong những ngày này, Hitler đi đi lại lại trong căn phòng ở khách sạn Kaiserhof ở Quảng trường Reichskanzlerplatz cách Phủ Thủ tướng không xa. Tuy lo lắng, nhưng ông vẫn tin chắc rằng thời khắc của mình sắp đến. Trong gần một tháng, ông bí mật đàm phán với Papen và phe Hữu bảo thủ. Ông phải dung hoà. Ông không thể lập được một Chính phủ Quốc xã thuần túy, nhưng trở thành Thủ tướng của một Chính phủ liên hiệp gồm 11 thành viên và 8 người trong số đó tuy không phải là Quốc xã, nhưng đã đồng ý với mưu đồ xoá bỏ nền Cộng hoà thì lại là chuyện có thể. Chỉ có một kẻ ngáng đường duy nhất, chính là vị Tổng thống già nua, cứng rắn. Mới chỉ vào ngày 26 tháng 1 thôi, Tổng thống còn nói với Tướng Kurt von Hammerstein rằng ông "không hề có ý định trao cho viên hạ sĩ người Áo ấy chức Bộ trưởng Quốc phòng hay chiếc ghế Thủ tướng của nước Đức.
Tuy thế dưới ảnh hưởng của người con trai – Thiếu tá Oskar von Hindenburg, của Ottovon Meissner – Bí thư cho Tổng thống, của [cựu Thủ tướng] Papen và những thành viên khác trong nhóm quân sự, cuối cùng vị Tổng thống đã phải nhượng bộ. Ông đã 86 tuổi và đang lún sâu vào tình trạng lão suy. Xế chiều ngày 29 tháng 1 năm 1933, trong khi Hitler đang dùng trà và bánh cùng với Goebbels và các trợ lý khác thì Chủ tịch Nghị viện, Hermann Goering – nhân vật số Hai trong Đảng Quốc xã, thông báo rằng Hitler sẽ được cử làm Thủ tướng vào ngày hôm sau.
![](https://img.wattpad.com/cover/199797997-288-k818278.jpg)
YOU ARE READING
SỰ TRỖI DẬY VÀ SUY TÀN CỦA ĐẾ CHẾ THỨ BA LỊCH SỬ ĐỨC QUỐC XÃ
Fiksi SejarahNgay trong năm đầu tiên phát hành - 1960, Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba đã bán được tới 1 triệu bản tại Mỹ và được tái bản hơn 20 lần. Cuốn sách là bản tường thuật hết sức chi tiết về nước Đức, dưới sự cai trị của Adolf Hitler và Đảng Quố...