Năm đó Lam Khải Nhân 14 tuổi, trong ngoài thành Cô Tô ai nấy đều biết y chính là nhị công tử Lam gia được Lam Tông chủ ưu ái nhất. Nghe đâu khi Lam Khải Nhân ra đời, có đôi phượng hoàng đã bay vòng trên đỉnh núi Cô Tô suốt một nén hương. Tiếng kêu của chim phượng vang vọng khắp bốn phương tám hướng, nghe đâu là điềm lành.
Nhưng sau đó không lâu, Lam nhị công tự bị chẩn đoán mắc bệnh tim. Y sư dù dốc hết sức chữa trị nhưng cũng đành bó tay chịu chết. Ông ta bảo:
“Nhị công tử mắc bệnh từ khi còn ở trong bụng mẹ, không thể chữa khỏi. Từ giờ trở đi chỉ còn cách nuôi cẩn thận, bằng không e rằng không thể sống quá 3 năm.”
Từ đó trở đi, Lam Khải Nhân vốn đã được cưng nựng nay còn được bao bọc hơn gấp ngàn lần. Trên dưới Lam gia, không một ai dám to tiếng với y, tất cả đều xem y như trân bảo mà đối đãi. Lam phu nhân vì lo cho con nên không dám để y học kiếm quá sớm, chỉ cho người đến dạy cầm thuật cùng y thuật để phòng thân. Lam đại công tử Lam Tư Thành cũng vô cùng thương yêu y, không hề có chút tị nạnh ghen ghét, đối với tất cả các yêu cầu của tiểu đệ đều là vui vẻ chấp thuận. Lam Tông chủ vốn nổi danh nghiêm khắc cũng chưa một lần phạt tội đứa con này, những việc y làm ra ông đều mắt nhắm mắt mở cho qua. Thành ra đến năm 14 tuổi, Lam Khải Nhân trở nên kiêu căng ngạo mạn, tự cho mình cái quyền phạm vào gia quy, trốn xuống núi mua Thiên Tử Tiếu uống thử. Trong lúc trở về không may bị chính những sư huynh sư đệ đồng môn bắt gặp. Ban đầu mỗi người xin y một ngụm nhưng Lam Khải Nhân nhất quyết không cho. Sau đó có kẻ móc mỉa y đường đường là con của Tông chủ Lam gia mà cứ như đám ô tạp đầu đường xó chợ, chẳng bao giờ tuân theo gia quy, không coi ai ra gì; nghe xong Lam Khải Nhân liền tức giận, muốn lao vào đánh nhau. Nhưng thể thuật năm đó của y vô cùng tệ, sao có thể đem ra so với họ? Nếu sư huynh sư đệ của y cầm kiếm từ năm 6 tuổi thì Lam Khải Nhân phải đến năm 12 tuổi mới được dạy cho đường kiếm đầu tiên. Tuy đầu óc thông minh lanh lợi nhưng luyện kiếm không phải cứ hiểu thấu là được, mà còn cần phải luyện tập. Còn Lam Khải Nhân lần não cũng mới luyện mấy đường đã cảm thấy lồng ngực mình đau nhức, không thể tiếp tục. Như vậy sao có thể thắng?
Khi đó nếu thật sự đánh nhau, Lam Khải Nhân chắc chắn sẽ thua thảm hại. Nhưng bỗng dưng từ đâu lại vang tới tiếng tri hô thất thanh:
“Lam Tông chủ!”
Chỉ trong một khắc, tất cả nộ khí xung thiên của hai bên liền tan biến. Đám vãn bối bỏ đi, Lam Khải Nhân cũng nhanh tay tìm chỗ giấu vò Thiên Tử Tiếu, chuẩn bị nghênh đón cha mình. Nhưng rất lâu sau đó y cũng không thấy cha đi qua, chỉ thấy một tiểu tử nhỏ xíu, mặt trắng bệch chạy đến bảo:
“Ta giúp huynh một lần, huynh cho ta vò rượu đó đi!”
Khi tiểu tử đó cười, chiếc răng nanh sẽ vô thức lộ ra. Lúc đó Lam Khải Nhân mới nhận ra cậu là Lam Vũ Ninh. Gia thế của Lam Vũ Ninh không giống với những tiểu bối khác ở Cô Tô Lam thị. Cậu không phải con của các vị trưởng bối, không xuất thân từ gia đình nhà nông, cũng không phải là thiếu gia công tử nhà nào trong nhân gian. Lam Vũ Ninh chỉ là kẻ tứ cố vô thân, không ai biết y từ đâu đến, chỉ biết năm đó Lam phu nhân xuống núi may y phục, nhìn thấy một đứa trẻ ăn xin ven đường liền nổi lòng thương đem về nuôi nấng. Lam Vũ Ninh này vì hồi bé ăn uống không đủ dưỡng chất nên dù nhỏ hơn Lam Khải Nhân 1 tuổi mà vẫn chỉ cao đến ngang vai y, thân thể gầy nhom như chỉ có da bọc xương, nước da thì trắng bệch như người chết. Nhìn cậu thật sự còn yếu ớt hơn Lam Khải Nhân. Cũng vì thế mà không ai ngờ tới Lam Vũ Ninh lại là một kỳ tài kiếm thuật. Đừng nói đến đấu kiếm với một người, đến cả 10 người cậu cũng có thể chấp cùng một lúc, dù khi đó cậu mới chỉ 13. Nhưng vì sợ vò rượu vỡ mất nên ban nãy cậu chỉ có thể dùng cách kia để đối phó.
BẠN ĐANG ĐỌC
[MĐTS Hàn Nhân] "Mãi mãi" không phải một đời
Fiksi PenggemarMấy năm nay thiên hạ đâu đâu cũng rộ lên lời đồn: Ở Cô Tô có một lão tiền bối đức cao vọng trọng, có ba đặc điểm lớn mà các thế gia công nhận: Cổ hủ, cố chấp, nghiêm sư xuất cao đồ; dù có là bùn nhão rơi vào tay lão cũng hoá thành minh châu. Danh ti...