Lời cuối sách: 《 Ngón tay của Công Tử Ưu 》
—— Lý do vì sao lại có 《 Ngón tay những người nghệ sĩ 》
Phần này không nói về ý tưởng giúp tôi viết ra《 Ngón tay 》, cũng không kể lại chuyện gì ngoài linh cảm đằng sau nó, cuối cùng thứ gì đã khiến câu chuyện trở thành như bây giờ mà không phải là một hình thái khác.
Tháng trước tôi xem《 Thư viện đọc 》kỳ thứ 1803, trong phần đầu《 Tất Phi Vũ và Vương gia trang của ông ấy 》, Tất Phi Vũ có nói thời thơ ấu và niên thiếu rất có ảnh hưởng đến một tác giả, bởi vậy tôi bắt đầu suy nghĩ về những thứ đại loại như "linh cảm giúp tôi viết ra cuốn sách này", có phải đúng là chúng đến từ thời thơ ấu của mình, hay chính xác là một góc quá khứ của mình không? Những thứ mà tôi cho rằng "mình lựa chọn viết ra", có thật là tôi tự chọn lựa không, hay là kỳ thật tôi không cần chọn?
(*Thư viện đọc - 读库 (Mook) là tên một tạp chí văn học dài kỳ do nhà xuất bản Tân Tinh phát hành, đồng thời cũng là một brand xuất bản sách phi hư cấu thông qua nhà xuất bản Tân Tinh.)
Ví dụ như, cảnh tượng ngày nhỏ Chung Quan Bạch lẻn vào hội trường xem biểu diễn từ thiện, lần đầu tiên gặp Ôn Nguyệt An, sau khi viết xong sách tôi mới nhận ra cảnh này đúng là có liên hệ với thời thơ ấu của mình.
Ngày học tiểu học tôi bắt đầu học piano, mẹ tôi dẫn tôi đến một nhà hát xem biểu diễn độc tấu. Lúc ấy trong thính phòng có rất nhiều bạn nhỏ học đàn, có lẽ bọn họ cùng với người lớn đi cùng đã chiếm khoảng bảy phần mười số lượng khán giả. Tôi không còn nhớ rõ đã diễn tấu những bài nào, nhưng lại không thể quên được cảnh tượng ầm ĩ lúc đó. Sở dĩ tôi nhớ rõ ràng như vậy là vì thật sự rất ồn, vị nghệ sĩ nước ngoài ngồi trên sân khấu chỉ đàn được một nửa đã không nói một lời tức giận rời khỏi sân khấu. Ngày nay ở trong nước có lẽ không còn bắt gặp cảnh tượng như vậy khi đi xem ca nhạc nữa. Khoảng ba năm trước tôi đến Nhà hát lớn quốc gia nghe dàn nhạc giao hưởng Brandenburg biểu diễn Dvorak đã là một cảnh tượng khác xa rồi.
Bây giờ tôi nhìn lại khung cảnh dưới khán đài toàn là các bạn nhỏ, một mình Chung Quan Bạch chạy lên sân khấu, phát hiện nó đúng là xuất phát từ cảnh tượng trong thời thơ ấu của mình, cho nên nó không mang hình thái khác, nó sẽ có người dẫn chương trình biết điều khiển hội trường, có những bạn nhỏ hưng phấn tự phát biểu quan điểm của mình, nó chính là hình thái trong văn của tôi hiện tại.
Đương nhiên trong cảnh này còn có một Ôn Nguyệt An dịu dàng kiên nhẫn. Ông ấy được xây dựng dựa trên ít nhất là ba người. Một người tôi chưa từng gặp qua, chỉ xuất hiện qua lời kể của một người bạn thời niên thiếu của tôi, người này là thầy giáo dạy dương cầm của bạn ấy, từ khi còn nhỏ gặp tai nạn nên phải cưa chân. Bạn tôi đã miêu tả về thầy dạy dương cầm của cổ thế này: Thầy ấy rất ôn hòa, bác học, rất có phong cách, là người lớn lịch thiệp nhất mà cô ấy từng gặp. Ở lứa tuổi của chúng tôi ngày đó, lịch thiệp thân sĩ không có ý gì sâu xa, chỉ đơn giản biểu đạt sùng kính và ngưỡng mộ thôi.
Vẻ ngoài và khí chất của Ôn Nguyệt An lại khởi nguồn từ một người khác. Ước chừng khoảng năm sáu năm về trước, tôi lên Đào Hoa Lĩnh ở Trường Sa trông thấy một ông lão ngồi xe lăn được một người trẻ tuổi đẩy. Khi đó đang là mùa xuân, suối nước trong xanh, hoa nở đầy núi, ông lão kia mặc một bộ áo dài vạt đối xứng bằng vải dày, mái tóc bạc trắng chải chuốt rất chỉnh tề, cử chỉ tao nhã, gương mặt bình thản dễ khiến người tin phục. Tôi chưa từng gặp qua ông lão nào có ánh mắt trong trẻo đến thế, lúc ấy liền nghĩ, trông thật giống những người đẹp chỉ có ở thời dân quốc. Hôm nay có lẽ người đó cũng đi ra ngoài ngắm hoa, đáng tiếc ông ấy không may mắn bằng tôi, không chỉ ngắm hoa mà còn được ngắm người.