Áo dài Trần Chuyên.
Bạn bè biết mình thi thoảng hỏi là sao Uyên Nghi không may thêm cái áo dài nào nữa ? Vì tính ra đây là chiếc áo dài đầu tiên và cũng là duy nhất của mình đến giờ. Từ ngày mình còn chập chững ở lớp 10 chuyên văn cho tới những năm này, xấp xỉ cũng gần 7 năm trời. Mỗi lần mặc vào áo dài theo suốt những năm cấp 3 là 7749 thứ kỉ niệm ùa về. Có những lúc khăn giấy thừa nhưng chấm nước mắt thì cứ thích lấy tà áo dài :)))) mình nhớ có đợt năm 12 tháng 11 khóc sướt mướt mà vẫn lười xài khăn giấy nên ôm tà áo dài khóc ngập lụt. Xong có những lúc lo âu thì sẽ bấu víu tà áo dài. Lúc buồn tay sẽ ngồi cuốn tàn áo dài. Lúc nóng thì tà áo dài tựa như quạt.
Vẫn nhớ hồi đầu học lớp 10, gần như nữ sinh nào cũng mong chờ việc mặc áo dài và hôm nào mặc là điện thoại xác định hết bộ nhớ ảnh. Nhưng vào năm thời tiết nóng rồi những ngày chỉ con gái mới hiểu thấu, thì cái ngóng trông mặc áo dài ban đầu cũng vơi dần, vì nhiều lí do khách quan. Nhưng gần ra trường mặc áo dài thêm vài ba hôm đầu tháng cuối năm lớp 12 rồi thì mình thấy tiếc. Vì lúc đó mình đã nghĩ khi đi du học sẽ ít mặc hoặc đã tưởng ra cảnh mặc áo dài cách tân với hoạ tiết cầu kì hơn. Mình nhớ lúc mẹ tháo chỉ bảng tên 12CV ra thì mình tiếc trong lòng, vì dù sao một phần danh tính của tuổi thành niên gắn liền với lớp chuyên văn, và những con chữ mà ngày cũ mình không thật sự quá nhiệt huyết. Nhưng mà thôi, tháo bảng tên ra để khỏi nặng lòng khi đi xa, mình nghĩ thế.
Nhưng trước một tháng khi bay qua Mỹ mẹ vẫn hỏi mình rằng có muốn may thêm áo dài không. Và lúc đó mình đã trả lời "không cần ạ, con mặc quen áo dài này rồi." Tới giờ, mỗi năm mẹ đều hỏi điều này khi mình ở nhà. Nhưng như thường, mình vẫn trả lời không vì áo dài này tựa như một phần sinh mệnh của mình. Mặc quen và trải qua nhiều năm tháng kỉ niệm cùng chiếc áo dài này khiến mình chỉ muốn chú tâm và giữ nó một mình trong tủ áo truyền thống, hy vọng xa vời rằng đến cả ngày kết hôn của mai sau vẫn sẽ được mặc chiếc áo dài Trần Chuyên này.
Lần gần đây nhất phỏng vấn học tiến sĩ mình cũng chọn mặc áo dài Trần Chuyên bởi lẽ khi khoác lên mình chiếc áo dài này, mình thấy thêm phần tự tin và thân quen. Cảm giác mình tựa như vẫn là học sinh chuyên văn Uyên Nghi của 12CV năm nào dõng dạc dùng câu chữ thuyết phục người nghe chấp nhận một luận điểm nào đó. Những dịp lễ lớn hay professional presentation mình cũng vẫn chọn chiếc áo dài này vì ngoài sự chuyên nghiệp áo dài thể hiện, nó còn khiến mình thấy thoải mái tự tin và tự hào vì những gì mình đã từng làm và trải qua nhiều năm trước.
Áo dài là quốc phục Việt Nam. Và áo dài được may và mặc từ những năm mình mới vào Trần Chuyên cho đến giờ là một phần tất yếu của sự sống này, là hơi thở mang đậm kỉ niệm những ngày mình vật vật vã, chơi vơi, cô độc nhất. Một người có thể vui khi họ mặc áo dài vì màu trắng tinh khôi gợi cảm xúc nhẹ nhàng và thư thái, nhưng cũng có thể vì mẵ chiếc áo này mà nghĩ về nỗi đau của cô độc bởi trắng toát hoá ra lại như chẳng có gì tồn tại. Nhớ một trưa hè vùi mặt vào áo dài nghĩ về mình của sau này, nhớ một chiều mưa tháng 11 quên mang ô chỉ biết đi giữa mưa tầm tã với chiếc áo ướt nhẹp và người run lệnh vì lạnh. Cũng nhớ những ngày nhìn những đôi nam nữ mặc áo dài Trần Chuyên sóng bước cùng nhau tan trường mà chỉ biết cười trừ vì ghen tị. Sau tất cả khi khoác lên mình áo dài Trần Chuyên, mình có thể mường tượng và hình dung trước mắt mình của mười sáu, và mười bảy nghĩ gì, nhìn thấy gì, và cảm thấy gì.
Thật ra, quyết định không may áo dài nào nữa không phải bởi mình lười hay vì lí do ngoại hình. Đến giờ ốm rồi mình vẫn không đi bóp eo hay sửa áo dài vì mình muốn để áo dài của nhiều năm trước đó vẹn nguyên. Mặc lên bây giờ sẽ rộng và có lẽ không đẹp mắt lắm vì dáng mình giờ ốm hơn xưa. Nhưng mình vẫn bị nghiện cảm giác mặc lại áo dài cũ, chạm vào thớ vải cũ để thấy dáng hình Uyên Nghi thời cấp 3. Ấy là thời nhìn trời trăng mây gió nghĩ ngợi lung tung, và sau đó nhận ra cuối cùng người ở lại cũng chỉ có bản thân. Ấy là thời mà đêm hôm trước có thể nghĩ ngợi nhiều điều, lo sợ và cảm thấy vỡ tan thành nghìn mảnh nhưng sáng hôm sau thức dậy đến trường mặt vẫn tươi vui như đêm thương đau một mình kia chưa hề xảy ra. Hoặc ấy cũng là thời mặc áo dài đến trường nhưng chưa đến cổng mắt đã ướt nhoè, phải vội vã lau đi rồi bình thản bước tiếp như tim gan không tồn tại.
Mình có cái tính là với những gì xa lạ hoặc không quá quan tâm sẽ bày ra thái độ thờ ơ lạnh lùng. Nhưng hễ một thứ gì đó hay một ai đó dung nhập vào cuộc sống của mình, thì cả đời hoặc trong một thời gian dài mình sẽ xem người đó hoặc vật đó như điều duy nhất, dùng hết hơi thở và đem tim phổi ra mà gìn giữ. Ngôn từ đúng là "cứng đầu", "cố chấp" và nghe văn hoa là "chấp niệm nặng sâu" với những người, những vật, những điều từng tồn tại trong quá khứ đầy thương đau cho tới lúc mình trưởng thành trầm ổn. Áo dài cũng vậy, tới giờ nó vẫn giữ một vị trí trọng điểm trong lòng mình và cũng là nguyên do chính mình không có ý định may thêm áo dài với hoa văn hay màu sắc khác.