CHẾ LAN VIÊN
Phải viết tựa quá nhiều, tôi đâm ra ngán cho mình và cho công việc ấy. Thế rồi kìa lại một tập sách đến đòi đề tựa, và eo ôi, đó là một tập thơ tình: Apôline, Aragông, Tago, Blốc... Hình như chưa có một công trình nào tập hợp được nhiều thơ hay về tình yêu trên thế giới như tập này. Huống gì nơi xuất bản lại là Vũng Tàu! Giá là nơi khác, tôi có thể từ chối. Vũng Tàu thì không. Huế cũng vậy. Nhớ có lần tôi đã phát biểu cùng các đồng chí ở Đà Lạt, sau đó ở Huế, rồi ở Vũng Tàu, với đồng chí Tư Thành, trung ương ủy viên bí thư đặc khu ủy Vũng Tàu là: "Địa phương nào cũng có công việc của mình. Nhưng Vũng Tàu, Đà Lạt, Huế phải làm thêm nhiệm vụ: giấc mơ của cả nước. Ai trong nước cũng mong có một ngày ngồi bên bờ os6ng Hương, đi dạo dưới bóng thông Đà Lạt, hay nằm dài nghe sóng Vũng Tàu. Thế thì các địa phương ấy phải đẹp, phải đáng yêu với họ!. Một đồng chí làm du lịch ở Vũng Tàu cho tôi biết: "Ở đây hàng năm đón đến vài triệu khách đến chơi. Có hôm ở cầu Cỏ May, tôi đứng đếm xe, chỉ một giờ đã có hàng trăm chiếc. Có một khách một ngày đã chụp mấy vạn đồng bạc ảnh. Khách quốc tế? không phải. Khách Việt Kiều? không phải. Khách tư sản thành phố hay cán bộ cấp cao? không phải. Đó chỉ là một nông dân bán đi 10 vạn con vịt để đi chơi... Cái ăn, cái chơi cho khách, chúng tôi lo rồi. Còn cái đọc, họ đọc gì, chưa lo thấu".
Tôi nghĩ tập thơ tình thế giới này có thể nằm trong sự lo ấy. Ồ, cả năm chúng ta quên mất chúng ta để lao đầu vào cuộc sống. Bây giờ dăm ngày, một buổi, ở đấy mỗi một người sực nhớ lại mình. Thế thì phải nhớ cho ra nhớ. Có thơ trong trường hợp ấy là rất phải. Người ta không thể hưởng hết bề rộng không gian Vũng Tàu. Mà bề dài thời gian thì lại là quá ngắn. Vậy nhờ thơ bù lại cho ta ý thức thêm bề sâu.
Tình yêu, thiên hạ có nhiều ý kiến về nó lắm. Người thì chê nó: "Ái tình đó là một sự rồ dại tay đôi" Hoàng đế Nã Phá Luân nói thế. Anatôn Fờrăngxơ triết lý: "Thực ra mà nói, ái tình chỉ là một bệnh đau gan, và không ai dám chắc là mình không trính chứng bệnh này". Vícto Hugô viết: Ái tình ư? Con gà trống hiện ra. Con đại bàng lẩn trốn. Và tại sao Sếchxpia lại cay cú: "Ái tình là một làn khói làm bởi hơi của những cái thở dài". Ngược lại những người bênh vực ái tình không thiếu gì chữ nghĩa. Đăng-Tơ viết ở thần khúc: "Ái tình làm vận động mặt trời và các ngôi sao". Thi hào Pêtơrac viết: "Luật của ái tình đã thống nhất trời vào với đất từ buổi nguyên thủy của thời gian". Và trong thơ gửi một nhà thi sĩ trẻ thi hào viết: "Ái tình, đó là cơ hội độc nhất để cho ta chín, cho ta định hình, cho ta vì tình yêu đối với người ta yêu, mà bản thân trở nên một thế giới". Những người tập hợp quyển thơ này cũng như các tác giả trong ấy, đều thuộc về phái ủng hộ cho tình yêu. Dù họ cười hay mếu máo mà ủng hộ. Và tình yêu có cái gì hay để cho họ làm việc ủng hộ ấy. Bài thơ Anh đến em của Aragông, có câu:
Anh đã bỏ nhiều giả sử
Nào Rembô, Cờ-rốt, Đuy Cát...
Thế Đuy Cát là ai? Chính là I-đô-đo Đuy Cát, tức Lau-tréamont (Lô-tờ rế-a-mông) thiên tài thơ còn rất bí mật ở Pháp dù mất đã hơn một thế kỷ rồi. Ông từng viết: Không có gì khuyết điểm bằng một thứ ích kỷ tay đôi. Tình yêu một người đàn bà là không đi đôi với tình yêu nhân loại". Rồi lại còn: "Tình yêu không phải là hạnh phúc".
BẠN ĐANG ĐỌC
100 bài thơ tình thế giới (1987)
Puisi"Ta yêu nơi em cái xa vời rộng cao. Ta yêu nơi em cái không thể nào đạt tới Và khi ta nhễ nhại, đói ăn, điên dại, Ta có nỗi mê mải của kẻ đi săn để cắn vào thịt em." RADIM HIKMET "Hình như chưa có một công trình này tập hợp được nhiều bài thơ hay về...