"Hơn một ngàn năm trước, vua Đường Ý Tông muốn xâm chiếm nước Nam, nhưng nhận thấy vùng đất này thời nào cũng có nhân tài nổi lên, nên muốn trấn yểm linh khí của nước Nam.
Năm 864, Đường Ý Tông phong Cao Biền làm Tiết độ sứ Giao Châu. Là một nhà phong thủy đại tài, Cao Biền nhận được sứ mệnh phải trấn yểm được linh khí hòng suy yếu nước Nam.
Cao Biền đi khắp nơi xem xét địa thế. Khi cho xây thành Đại La bên sông Tô Lịch, biết đất ở làng Cổ Pháp có khí tượng Đế vương, Cao Biền đã cắt đứt long mạch nơi đây bằng cách đào đứt con sông Điềm và mười chín điểm ở ao Phù Chẩn.
Nhưng nước Nam tuy nhỏ mà người tài ba lại nhiều, thiền sư Định Không thuộc thế hệ thứ tám thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (diệt hỷ), ở chùa Thiện Chúng đã đoán được sẽ có người phương Bắc âm mưu quấy phá nước Nam nên sớm có sự chuẩn bị từ trước.
Ngay từ năm 808, trước khi Cao Biền nhận lệnh trấn yểm nước Nam rất nhiều năm, thiền sư Định Không đã dặn dò sư Thông Thiện - người kế nghiệp mình - khéo giữ pháp, đợi đến khi gặp người họ Đinh thì truyền.
Mấy năm sau, sư Thông Thiện gặp một đệ tử rất thông minh là Đinh La Quý, đoán biết đây là người kế tục mình nên ông đã truyền thụ hết các sở học cho đệ tử.
Thiền sư La Quý có tư chất thông tuệ, tinh thông thuật pháp, có thể nhìn xuyên sông núi, hiểu thấu phong thủy, bởi vậy ngài thường xuyên đi khắp nơi, phá giải trấn yểm của Cao Biền, điển hình là việc kết nối lại những chỗ bị Cao Biền cắt đứt long mạch ở sông Điềm. Năm 936, biết mình sắp mất, Đinh La Quý gọi đệ tử chân truyền của mình là Thiền Ông đến dặn:
- Trước khi mất, ta có trồng tại chùa Châu Minh một cây bông gạo. Đây không phải là cây bông gạo bình thường, mà là vật để trấn an và nối liền những chỗ đứt trong long mạch, mục đích để đời sau sẽ có một vị hoàng đế ra đời và vị này sẽ phò dựng chính pháp của chư Phật. Sau khi ta tịch, con khéo đắp một ngọn tháp bằng đất, dùng phép, yểm giấu trong đó, chớ cho người thấy.
Đúng như lời đoán trước khi mất của thiền sư La Quý, Thái Tổ của nhà Lý - Lý Công Uẩn - là người làng Cổ Pháp. Thiền Ông thiền sư kế thừa y bát của La Quý thiền sư tiếp tục bắt ma trừ yêu, đến cuối đời truyền y bát cho một người đệ tử tục gia là Đoàn Thừa Pháp cũng chính là tổ tiên của nhà họ Đoàn chúng ta.
Đoàn Thừa Pháp kế thừa mật pháp của sư phụ, ngoài việc tìm truyền nhân bên ngoài, đã lưu lại một bản mật pháp truyền cho hậu nhân của mình. Không biết có phải vì tổ tiên nảy sinh tư tâm nên bị trừng phạt hay không, mà Đoàn Thừa Pháp lập gia đình chỉ sinh được duy nhất một người con trai, sau đó vợ của người mang thai thêm vài lần nhưng lần nào thai nhi cũng chết yểu trong bụng mẹ. Các đời hậu nhân trực hệ của nhà họ Đoàn từ đó đều là độc đinh, bất kể là lấy bao nhiêu vợ nhưng chỉ cần đã sinh ra một đứa trẻ, thì tất cả những lần mang thai sau đều sẽ chết yểu. Trải qua mấy đời, con cháu trực hệ của nhà họ Đoàn cũng nhận ra sự thật này cho nên sau khi sinh được con nối dõi thì không tiếp tục mang thai nữa, tránh việc quá nhiều thai nhi chết yểu, sẽ gây ra sát nghiệp cho con cháu về sau."

YOU ARE READING
Việt Ma Tân Lục - Nhóm 4.0
HorrorGIỚI THIỆU CHUNG VỀ BỘ TRUYỆN MA: VIỆT MA TÂN LỤC Việt Ma Tân Lục là bộ truyện ma kinh dị mới nhất của Nhóm 4.0. Các nhân vật chính: Gia Huy - Người kế nhiệm thuật trừ tà của dòng họ Nguyễn ở miền Bắc. Lan Phương - Con gái út dòng họ Trịnh mang oán...