Chương 82: Phán Quan Mặt Xanh

470 4 0
                                    

Tôn Tử Sở là một danh sĩ nổi tiếng ở Việt Tây, chàng văn hay chữ tốt nhưng lại có tính khá ngây thơ. Nhiều kẻ nói đùa bịa chuyện cho vui nhưng khi Sở nghe được thì tin ngay là chuyện thực. Do thành thật chất phác quá nên Sở rất nhát gái, hễ thấy nơi nào có bọn con gái phóng túng chàng bèn vội vàng tránh xa, không dám tới nữa. 
Bạn bè có lần trêu SỞ bày mưu dụ chàng đến gặp bọn ca kỹ để chúng cợt nhả vồ vập, bị thế thì chàng ta sợ toát mồ hôi, mặt mũi đỏ bừng trông rất ngờ nghệt. Do đó thiên hạ đặt cho chàng biệt hiệu là Sở ngốc. 
Trong huyện Sở ở có một hiệu buôn lớn, dinh thự nguy nga không thua gì các nhà vương tộc, cả họ hàng của nhà này cũng là những người nổi tiếng giàu có. Nhà buôn ấy có một cô con gái đẹp tuyệt trần tên là A Bảo, vừa đang tuổi cập kê. Các thế gia vọng tộc quanh vùng ấy đua nhau mang sính lễ đến hỏi cưới A Bảo nhưng cha nàng chưa chịu một ai. 
Gặp lúc Sở vừa chết vợ, bạn bè xúi giục chàng thuê mối đến hỏi A Bảo và đùa rằng: 
Cô gái ấy thường nói với gia nhân rằng nếu không lấy được danh sĩ cỡ như Tôn Tử Sở thà chết còn hơn. 
Vốn thật thà nên Sở tin ngay lời đồn ấy là có thực, chàng vội nhờ người mối đến dạm hỏi. 
Phú ông từ lâu cũng phục Sở là người văn hay chữ tốt, nhưng vẫn từ chối lời cầu hôn vì chê chàng quá nghèo. 
Mụ mối vừa ra đến cửa, cha liền gọi A Bảo ra hỏi: 
Tôn Tử Sở danh tiếng khắp vùng vì bút nghiên, con nghĩ sao? 
A Bảo vừa che miệng cười vừa nói đùa: 
Nếu gã dám chặt ngón tay thứ sáu, con sẽ dám lấy gã. 
Nguyên từ khi chào đời Sở đã có một ngón tay thứ sáu mọc cạnh ngón tay cái. 
Mụ mối thoáng nghe được lời nói của A Bảo liền về thuật với Sở, chàng cười gằn: 
Khó gì, chỉ là chuyện nhỏ. 
Sở liền lấy dao tự chặt ngón thứ sáu khiến máu vọt ra đầy thềm nhà và chàng đau đến tận xương tuỷ, tưởng có thể chết được. Tịnh dưỡng vài ngày Sở nhận thấy vết thương đã hơi lành, bèn tìm mụ mối, chẳng nói chẳng rằng giơ bàn tay lên cho mụ xem. 
Mụ mối vội vàng chạy đến báo cho phú ông. 
Phú ông kể lại với con gái. A Bảo nghĩ rằng anh chàng lạ lùng, nàng đùa thêm một câu nữa: 
Dám chặt ngón tay kể cũng anh hùng thật. Nhưng nếu muốn lấy con phải chặt cả cái tính ngốc đi mới được. 
Sở nghe câu ấy, hoang mang vì không biết tính ngốc là tính gì? Vả lại, chàng cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình có tính ngốc và nghĩ rằng mình hỏi cô gái vì bạn bè yêu cầu chứ mặt mũi chưa biết đẹp xấu thế nào. Tự nhiên, Sở đâm ra hết tha thiết với việc lấy vợ và ý định chinh phục A Bảo cũng dần nhạt. 
Lúc ấy vừa đến tiết thanh minh. 
Theo phong tục, vào ngày này trai thanh gái lịch đua nhau trẩy hội xuân. Các chàng trai phóng đãng cũng nhân dịp này theo đuổi và tha hồ trêu chọc mấy nàng nữ tú. 
Có người bạn cùng học đến rủ Sở đi chơi: 
Nhân dịp này anh nên nhìn ngắm dung nhan của tiểu thư đài các xem sao! 
Sở vẫn ấm ức vì lời nói đùa của A Bảo dạo nọ nên bằng lòng cùng đi. Trong ngày hội dập dìu tài tử giai nhân, từ xa chàng thấy một cô gái ngồi nghỉ chân dưới bóng cây mà chung quanh bọn con trai cứ vờn tán đông lắm. Họ kháo nhau rằng: 
Đó là tiểu thư A Bảo. 
Sở vội đến gần, nhận thấy cô gái quả là sắc nước hương trời, dung nhan có một trên đời. Nghỉ một lát, thấy bọn con trai kéo đến lúc càng đông, A Bảo vội đứng dậy bước đi. 
Thân thể nàng như viên ngọc chuốt, dáng điệu uyển chuyển thật không có bài văn nào sánh bằng. Đám con trai đứng quanh, mỗi người tán một câu huyên náo, toàn là những lời xáo rỗng ca ngợi vẻ đẹp toàn bích của nàng. Chỉ có Sở là không buồn mở lời. 
A Bảo đã đi mất rồi mà bạn Sở vẫn thấy chàng đứng ngây ra như tượng gỗ, mặt mũi bần thần, không còn hồn vía gì cả. Nhóm bạn vừa kéo đi vừa đùa: 
Hồn anh theo A Bảo rồi phải không? 
Họ không thấy Sở nói gì. 
Mọi người đều đã biết Sở có bản tính ngây ngô nên cũng không lấy gì làm lạ, cứ đưa đẩy, trì kéo chàng về. Nhưng đến nhà rồi, Sở như người trong mơ, đờ đẫn lên giường nằm thẳng đơ, suốt ngày không thấy động đậy gì. 
Người nhà lay dậy, thấy Sở bất động, đoán rằng chàng đã bị người đẹp hớp hồn liền ra giữa đường vắng gọi hồn chàng về, nhưng chẳng ăn thua gì. Đến lúc bị lay gọi dữ quá thì chàng mới thều thào nói: 
Tôi đang ở nhà với A Bảo đây. 
Hỏi thêm nữa thì thấy Sở lại như chìm vào trong cơn mộng nên họ không biết làm sao. 
Nguyên lúc Sở thấy A Bảo đứng dậy ra đi thì tiếc đến ngẩn ngơ, tưởng chừng như thân xác mình cũng đang theo chân nàng mà bước. Sở đến gần A Bảo, thử sờ vạt áo, cũng không thấy ai phản ứng gì, chàng bèn theo về nhà nàng. 
Nàng ngồi Sở cũng ngồi, nàng nằm chàng cũng nằm, ban đêm cũng theo nàng vào phòng khuê, gần gũi rất vui vẻ. Một lúc lâu, cảm thấy bụng hơi nhói lên vì đói, Sở muốn ra về nhưng thần trí lại mê muội như trong cơn say không biết cả lối đi. 
Còn A Bảo, từ khi đi tảo mộ về, đêm ngày nàng luôn mơ màng thấy mình đang ôm ấp vui thú với một người đàn ông. 
Trong cơn mơ, có lúc nàng hỏi là ai, thì nghe tiếng đáp: "Ta là Tôn Tử Sở", nàng hoảng hốt lắm, nhưng vì ngượng ngùng, không dám kể chuyện với ai. 
Tôn Tử Sở nằm hôn mê như thế khoảng ba ngày, hơi thở thoi thóp tưởng chừng không thể nào thoát khỏi cái chết. Người nhà sợ hãi, nghi là chàng lạc mất hồn nhưng không biết lạc ở đâu. Cuối cùng, họ đành nài nỉ mụ mối đến nói với phú ông xin cho làm lễ cầu hôn tại nhà ông. Phú ông kinh lạ: 
Họ Tôn chưa bao giờ bước vào nhà này, làm sao hồn đến đây được? 
Người nhà cầu xin van nài dữ quá, phú ông nể lời đành chịu. 
Thầy phù thuỷ được mời đến, mang theo bộ quần áo cũ của Sở và hình nhân. A Bảo thấy nhà ồn ào, hỏi biết chuyện sợ lắm không muốn gặp thầy phù thuỷ. 
Nhưng thầy phù thuỷ cứ vào làm phép, một lát sau khi ôn ra về thì Sở tỉnh thức trên giường, vươn vai đứng dậy, từ ấy có thể kể được tất cả đồ vật và sự việc xảy ra trong khuê phòng của A Bảo. 
Nàng nghe chuyện ấy vừa sợ vừa xúc động về mối chân tình của Sở. Tuy tỉnh hẳn rồi nhưng Sở vẫn thiết tha nhớ giai nhân, nhiều khi ngồi một mình chàng thảng thốt như muốn xuất hồn đến với nàng. 
Đến ngày hội tắm Phật, trên chùa Thuỷ Nguyệt có mở hội, Sở hy vọng nàng sẽ đến dự hội ấy nên từ sáng sớm đã chỉnh tề khăn áo đứng chờ ở ven đường. 
Chờ từ sáng tinh mơ, mòn mỏi đến gần đúng ngọ mới thấy A Bảo ngồi kiệu tới. Nhìn qua rèm kiệu thấy Sở nép bên đường, nàng đưa bàn tay nhỏ nhắn ra vén rèm mắt nhìn chàng không chớp. Sở khấp khởi mừng thầm; cứ theo sau kiệu mà tiến. Bỗng A Bảo sai một nữ tỳ đến hỏi chàng tên họ. Sở liền thành thật khai, lòng càng rạo rực. Nhưng Sở không dám tự tiện đến làm quen với nàng, đợi cho bóng kiệu khuất xa chàng mới lủi thủi trở về. 
Lần ấy lại ngã bệnh tương tư lần nữa, suốt ngày Sở nằm hôn mê không ăn uống. Chàng muốn xuất hồn theo gót nàng nhưng hận rằng lần này không ứng nghiệm. Thế rồi ngày càng mê mệt dật dờ, trong cơn hôn ám Sở cứ luôn miệng gọi tên A Bảo. 
Nhà Sở trước đây có nuôi một con chim két, tự nhiên chim lăn ra chết. Nhìn xác chim, Sở chợt nảy ra ý định muốn được hoá thành hồn chim két để tha hồ bay đến khuê phòng của người đẹp. 
Ý vừa nảy ra, đột nhiên Sở có cảm giác thân xác đã biến thành chim lúc nào, vỗ cánh bay đến nhà A Bảo. 
Nàng đang ngồi chơi, thấy con chim lạ bay vào phòng. Thích quá nàng liền bắt chim, cột hai cánh chặt lại rồi lấy vừng giã nát cho ăn. 
Bỗng con két kêu thành tiếng người: 
Tôi là Tôn Tử Sở đây, nàng đừng buộc cánh. 
A Bảo nghe tiếng người hoảng sợ, vội tháo dây cột cánh. Chim két vẫn đậu yên chỗ cũ. A Bảo âu yếm hỏi: 
Tấm chân tình của chàng, thiếp đã hiểu, nhưng bây giờ người và vật khác loài, làm sao tác duyên? 
Chim đáp: 
Được gần người ngọc thì thoả nguyện lắm rồi. 
Mỗi ngày, ngoài A Bảo ra, không ai cho ăn mà chim chịu, nàng phải tự tay đút mớm cho chim. Khi ngồi, khi đứng, chim két đều đậu bên gối nàng. Khi ngủ thì chim đậu ngay thành giường như gác cho nàng ngủ vậy, luôn vậy trong ba bốn ngày. Tình nàng đối với chim cũng rất nồng, nhưng vẫn lo rằng chim và người làm sao sống với nhau lâu dài được, bèn ngầm sai người sang nhà Sở dò la tin tức. Người nhà về báo Sở nằm cứng đờ đã ba ngày, chỉ còn thoi thóp thở. Nàng ghé bên chim thì thầm: 
Chàng sống lại được lần này thì thiếp thề theo chàng đến chết. 
Chim đáp: 
Nàng nhớ lời đấy. 
A Bảo pahỉ bẻ đũa thề. 
Rồi đêm ấy trước khi lên giường nàng cởi đôi hài đặt dưới đất. Chim két bỗng bay vụt đến, cắp một chiếc hài bay mất. A Bảo hoảng hốt định chụp lại nhưng chim đã bay ra cửa, nàng lại sai người nhà sang nhà Sở dọ hỏi thì chàng đã tỉnh dậy. 
Người nhà Sở chợt thấy một con chim két bay vụt vào phòng chàng rồi lăn ra chết, vứt lại chiếc hài. 
Ngay lúc ấy người nhà phú ông đến, hỏi tìm chiếc hài cho cô con gái. Sở đáp: 
Chiếc hài là minh chứng của lời thề A Bảo. Hãy về thưa rằng tôi vẫn khắc cốt ghi xương lời thề của nàng. 
Người nhà về kể chuyện với A Bảo. Nàng liền nói lại với mẹ. Bà mẹ biết là tình quá nặng, liền bảo: 
Cậu ấy có tài học đáng trọng. Tiếc rằng nghèo quá. Nhà ta từ lâu kén rể quá khó khăn, nay lại nhằm chàng rể rách mồng tơi ấy, sợ rằng bọn giàu sang cười chế giễu. 
A Bảo khóc kể chuyện chiếc hài với lời thề. Cha mẹ biết không thể làm gì khác, đành phải chiều theo, đánh lời cho bên nhà Sở biết để chuẩn bị hôn lễ. Người cha đề nghị Sở ở rể tiếp tục ăn học, nhưng nàng thưa: 
Con rể ở nhà vợ là không nên, huống gì lại là con rể nghèo nữa. Con đã giữ lời thề, quyết theo chàng dù cực khổ trăm bề cũng chịu. 
Ngày làm lễ đón dâu, Sở gặp nàng, bàng hoàng như đã gặp nhau từ kiếp trước. Kể từ khi cưới vợ, Sở được thêm ít nhiều của hồi môn của A Bảo nên gia cảnh thư thái hơn lúc trước, nhưng Sở chỉ biết suốt ngày đọc sách ngâm thơ, còn chuyện tảo tần sinh kế giao hết cho vợ. 
A Bảo vừa xinh đẹp vừa giỏi việc sinh nhai. Trong ba năm nhà đã trở nên khá giả. 
Song lúc ấy, Sở đột ngột lâm bệnh qua đời. 
A Bảo khóc thương thảm thiết, không ai khuyên can gì được, rồi nhân đêm vắng nàng thắt cổ chết theo, may có nữ tỳ trông thấy cứu kịp nhưng tuy sống lại nàng vẫn nhịn đói, quyết chết theo chồng. 
Ba ngày sau làm lễ động quan, bỗng nghe trong quan tài có tiếng rên nho nhỏ. Cả nhà kinh ngạc, mở nắp quan tài xem, thấy Sở đã sống lại. 
Chàng kể: 
Vừa xuống tới địa ngục, chàng ra mắt Diêm Vương thì Diêm Vương cho rằng ở trên trần chàng là người chất phác thật thà nên cho làm chức bộ tào dưới âm phủ. Vừa nhận chức xong, ngoài cửa âm ty có tiếng la rầm: 
Phu nhân quan bộ tào đã tới. 
Diêm Vương tra sổ sinh tử một lúc rồi hỏi: 
Người này chưa tới số chết làm sao xuống được đây? 
Quỷ giữ sổ thưa: 
Vì nhịn ăn đã ba ngày. 
Diêm Vương ngẫm nghĩ rồi phán: 
Ta vì cảm nghĩa của vợ ngươi nên cho ngươi sống lại. Truyền lính dẫn về. 
Sau đó ít ngày Sở khoẻ như thường. 
Năm ấy có khoa thi hương. Sở ghi danh xong, bọn thư sinh cùng học biết tính chàng thật thà, liền bịa ra một số đề thi nói là do nguồn tin bí mật, bảo Sở học vì năm nay sẽ ra đề ấy. 
Sở tin thật, miệt mài học đề thi giả. 
Không ngờ, đề ra đúng như bọn thư sinh đã bịa. Sở đỗ đầu năm ấy. 
Năm sau lại đậu luôn tiến sĩ, làm đến chức Hàn lâm.

Truyện Ma Kinh Dị Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ