Chả biết là do cái sợ lấn át tinh thần hay sao mà cảm giác cơn gió ở nơi đây lạnh lẽo, chết chóc, u ám hơn bao giờ hết. Nó thổi ngang qua mái tóc, dọc xuống lưng, rồi thoắt nhanh qua vai, như thể...có một bàn tay vô hình đang chạm vào...
***
Bây giờ đã tháng 11, quê tôi đang là mùa gặt lúa. Từ già trẻ, lớn bé mỗi người mỗi việc tất bật, người lớn làm việc lớn người bé làm việc bé, từ canh năm tờ mờ sáng cho đến khi góc trời phía tây sẩm tối, mặt trời khuất núi. Ai ai cũng mau chóng làm gấp rút để còn thời gian dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa quần áo đón tết, nhưng đặc biệt hơn cả là để có thời gian đi xem hát.
Mọi năm, cứ trước tết khoảng 2-3 tuần thường có nhiều đoàn hát ở huyện, tỉnh về làng tôi. Họ hay diễn các tuồng như : Đường gươm nguyên bá, tuồng Lan và Điệp, Người tình trên chiến trận, Đêm lạnh chùa hoang..... ở cây đa đầu làng gần nhà ông bá hộ Tám.
Và thế rồi mùa gặt cũng xong, cứ đến mỗi tối vừa xong bữa cơm là đám trẻ con đầu ba chỏm chúng tôi lại xin bố mẹ cho ra con đê để bắt đom đóm, nói vậy thôi chứ thật ra tôi cùng chúng trốn đi xem hát. Gánh hát về đây làm cho không gian nơi này sinh động hơn bao giờ hết, tiếng trống tùng tùng này, rồi tiếng kèn tò te, tiếng hát của các đào chính đào kép, tiếng rao bán bánh đa, bánh ú, tiếng mời hàng nước của bà cụ Bảy....., những thanh âm ấy chúng tôi chỉ có thể nghe vào buổi sáng thôi, nên giờ cảm thấy thú vị phết. Mong ngày nào cũng được như vậy để cho xóm làng đông vui, náo nhiệt, đầy ánh sáng.
Ngồi trên mỏm đá chờ được một lúc thì giờ diễn cũng đã tới, các binh lính tướng sĩ hình dáng oai vệ bước ra, vị vua hùng dũng oai nghiêm ngồi trên ngai vàng, xung quanh là các cung tần mỹ nữ. Mở đầu vở tuồng chưa được bao lâu thì mây đã bắt đầu chuyển đen, mưa bắt đầu rơi xuống, từng hạt to hạt nhỏ thấm đượm trên vai, kèm theo là những tia chớp vang dậy một góc trời xám xịt rồi từng đợt gió thổi bay cát bụi mù mịt. Ông bầu thấy vậy nên đành cáo lỗi với bà con và xin hứa bù vào đêm mai. Lũ con nít chúng tôi đi về trong nỗi thất vọng tràn trề, cứ tưởng sẽ được xem những màn trình diễn oai hùng giữa anh hùng và tướng cướp, cảnh mẹ già ngồi ở hiên nhà mòn mỏi chờ con về sau chiến trận, cảnh Thúy Kiều liều mình bán thân cứu cha đẫm nước mắt....
Tôi cùng đám bạn đành lê thân về nhà, đến nửa đường thì trời hết mưa, con trăng dần hiện rõ. Dù đi thành 7, 8 người nhưng trong đám đứa nào cũng sợ ma cả mặc dù chưa bao giờ gặp, mà chỉ nghe kể lại từ những người thân trong gia đình.
Con đường để về làng tối om, nhão bùn, có cố căng mắt thế nào đi nữa cũng chả thấy gì ngoài cái không gian bao la màu đen bí hiểm ấy. Sương bắt đầu rơi xuống, cái lạnh đi khắp cơ thể đến từng ngón tay ngọn tóc. Mặt đất thì gồ ghề, lởm chởm những viên đá to, đá nhỏ, có những viên sắc nhọn đạp vào thì chỉ có rách da chảy máu. Đường về đã trắc trở, đã vậy còn phải đi ngang qua bãi tha ma, mồ mã ở đây dày đặc, đông kín, chen chúc nhau như một rừng bia mộ. Chân hương của những cái bát nhang nhiều ngôi mộ đã rụng rời từ lâu vì không có ai đến viếng, và cũng là vì mưa gió ảnh hưởng khiến cho chúng càng thêm bẩn thỉu, thiếu trang nghiêm. Có những cái đã bị đào xớ lên mà chả rõ do ai làm. Những ngôi mộ này tôi nghe bà kể đã có từ thời giặc Pháp, Mỹ, chúng nó bỏ bom chết hàng trăm người, ngay cả dưới chân tôi cũng không chừng đang có một quả bom B52.
BẠN ĐANG ĐỌC
Truyện Ma Kinh Dị
KorkuNhững truyện ma kinh dị ở nhiều nơi nhiều tác giả được tổng hợp