Mary vẫn ở lại Giao Mai lữ quán, nhưng nàng đã có chủ đích: nàng sẽ thuyết phục dì cùng rời Lữ quán trở lại Helford. Đó là niềm hy vọng của nàng và trong lúc chờ đợi dài đẵng - không biết lúc nào dì nàng mới nghe nàng? - nàng quyết dùng thì giờ đó tìm cách tố cáo Joss và đồng lõa. Nếu họ chỉ buôn lậu, Mary đã nhắm mắt bỏ qua. Chúng là những kẻ liều lĩnh, gan lì, không có lương tâm, ngay cả việc giết người cũng không làm chúng gờm tay. Sợi dây trên sà nhà chứng tỏ hành tung chúng. Người lạ đã bị chúng treo cổ và lấp xác giữa đồng hoang.
Tuy vậy, giữa ban ngày, mọi sự lại có vẻ yên tĩnh, sợi dây biến mất, quầy rượu được chùi rửa kỹ càng. Joss bận bịu ngoài chuồng ngựa. Vẻ thản nhiên của lão làm Mary đôi khi ngờ ngợ tưởng mọi sự xảy ra trong mơ. Nhất là khi lão hỏi thăm nàng về gia súc ở Helford, hỏi ý kiến nàng về con bò bị bệnh, về thời tiết, mùa màng.
Lão có vẻ vui là khác, không còn chửi rủa vợ. Còn dì nàng, bà vồn vã chăm sóc lão, luôn luôn nhìn vào mắt lão để dò thái độ, nom như một con chó trung thành muốn làm đẹp lòng chủ nhân. Lão như mọi đàn ông lương thiện khác, khó tin là lão đã phạm tội ác như Mary tận mắt chứng kiến trong đêm. Mary không khỏi kinh ngạc; lão ngồi đối diện nàng, thưởng thức món ra gu, tỏ vẻ quan tâm đến con bò bị đau như một nông dân chính cống!
Hai tuần trôi qua trong yên tĩnh. Mẻ làm ăn vừa qua khá lớn, để lão và đồng bọn có thể nghỉ ngơi? Vì nếu có xe đến trong đêm, thế nào cô gái cũng nghe được.
Joss không ngăn nàng đi dạo trên đồng. Dần dần cô gái biết hết vùng lân cận. Nàng vẫn theo đường lớn đến đồi núi, tránh những nơi có cỏ, thấp và ẩm vì nàng biết đó chính là những đầm lầy nguy hiểm. Mặc dù đơn độc, Mary chả lấy thế làm buồn. Những buổi xế đi dạo dưới bầu trời mát dịu nắng giúp cho sức khỏe cô gái tăng lên, thần kinh bớt căng thẳng và nàng bớt buồn, những cơn buồn chợt đến do các buổi tối rảnh rỗi, dài dặc ngồi cạnh dì nàng. Dì thường ngồi lặng, hai tay đặt lên gối, mắt nhìn đăm đắm vào ngọn lửa, Joss thì một mình bên quầy rượu đóng kín cửa hay lấy ngựa đi.
Không một người bạn, không một khách hàng. Quả bác phu xe nói không ngoa: không một xe ngựa nào dừng lại Lữ quán Giao Mai. Mỗi tuần đôi bận, xe có chạy ngang, nhưng gã phu xe nào cũng ra roi giục ngựa chạy mau. Một hôm, Mary mừng rỡ nhận ra bác phu xe đã chở nàng, nàng vẫy tay nhưng bác ta lờ đi, quất thẳng cánh vào đôi ngựa. Mary tưởng chừng như nàng vừa bị quất: ai cũng xem nàng là đồng lõa của Joss chăng? Mary tin rằng bây giờ nàng đi đến đâu chắc chẳng ai mở cửa đón nàng.
Tương lai thật đen tối, nhất là dì nàng cũng không thích tiếp xúc với ai. Đôi khi, bà nắm tay cháu vuốt ve và thì thào: "Dì thật sung sướng có con bên cạnh". Hầu như dì sống lo âu thường trực, cặm cụi việc nhà. Im lặng như cái bóng mà động có mở miệng thì lại nói toàn những điều vô lý về đấng thần tượng Merlyn, rằng nếu không gặp vận đen, lão đã là một vĩ nhân! Biết không thể nói chuyện với dì được, Mary quen dần nghe dì kể lể: nàng đối xử dịu dàng với dì như với đứa trẻ đáng thương. Đôi khi, nàng sốt ruột, bực bội nhưng cố nén.
Trong tình trạng khó chịu nầy, một sáng, Mary lau chùi dọc hành lang. Công việc nặng nhọc làm giãn gân cốt nhưng lúc đó chỉ làm nàng cáu kỉnh. Càng lúc nàng càng bực thêm. Sao mà người và lữ quán nầy dễ ghét thế? Mary muốn xách cả xô nước bẩn tạt vào mặt Joss cho hả. Lão đang làm vườn, mưa lấm tấm ướt mớ tóc bù. Chợt thấy dì nàng lom khom trong bếp, Mary dịu lại, uể oải xách xô nước bước xuống.
Bỗng có tiếng giấy ngoài sân và tiếp đó, tiếng gõ cửa quầy rượu dữ dội. Từ khi đến đây, cô gái chưa hề thấy bóng người đến lữ quán giữa ban ngày. Một sự lạ.
Mary toan báo cho di biết thì bà lại đã ra vườn với Joss, cả hai đều không hay có người. Mary lau tay vào tạp dề rồi vào quầy rượu, nàng ngạc nhiên thấy gã nọ đã chễm chệ ngồi trên ghế, tay cầm ly bia một cách rất tự nhiên.
Cả hai lặng lẽ nhìn nhau. Hình như Mary đã gặp hắn ở đâu thì phải, miệng thanh tú, mi rậm, cái nhìn ngang ngược, thách thức. Gã nhìn nàng soi bói làm Mary giận dữ:
- Ông tính giở trò gì đó? Tự tiện vào rót bia uống... Tôi cho ông hay: chủ quán không thích người lạ đâu.
Vào lúc khác, có lẽ nàng không có thái độ đó, nhưng vì vừa mệt lại đang bực, cô trút hết căm tức vào kẻ lạ. Gã trẻ tuổi cũng không vừa: gã cạn ly rồi ra hiệu cho Mary rót thêm, gã rút ống điếu châm thuốc hút, phà khói vào mặt cô gái, hỏi:
- Cô giúp việc cho Lữ quán nầy được bao lâu rồi?
Mary tức giận, lao tới, giật cái ống điếu vứt xuống đất làm nó gãy đôi. Gã kia chỉ nhún vai và huýt sáo làm nàng càng tức.
- Ở đây, họ dạy cô tiếp khách cách đó ư? Tệ quá! Hôm qua, ở Lanceston tôi gặp nhiều cô chiêu đãi lịch sự và xinh như...tiên cơ! Mà nom cô luộm thuộm quá, tóc tai mặt mũi... Mà thôi, cái đó mặc cô. Rót bia cho tôi. Tôi đi 12 dặm đường, khát lắm.
- Ông đi mấy dặm kệ xác ông. Ông có vẻ quen biết nhà nầy, rót lấy mà uống...
Tôi báo cho chú Joss tiếp ông.
- Ồ! Đừng quấy rầy anh ấy. Giờ nầy ảnh như một con gấu ốm, vả, ảnh không sốt sắng tiếp tôi đâu. Vợ ảnh ra sao? Chắc ảnh đuổi chị ấy đi cho cô thế chỗ chứ gì! Tội nghiệp chị ta quá! Nhưng tướng cô cũng không sống nổi với ảnh quá 10 năm...
- Muốn gặp bà Joss thì ra vườn, gần chuồng gà đó. Ra cửa, đi lối kia, đừng đi lối nầy, tôi mới lau hành lang xong, không muốn phải lau lại...
- Ồ! Đừng vội! Còn chán thì giờ...
Vẻ lì lợm của kẻ lạ làm Mary tức tối:
- Nầy! Ông có muốn gặp ông chủ thì nói? Nếu không, uống xong trả tiền rồi cút xéo.
Gã trai trẻ lại cười, răng trắng bóng, vẻ quen thuộc nhưng Mary chịu, không nhớ gã là ai.
- Chao! Cô có vẻ quyền hành dữ! Joss làm sao mà sai khiến cô? Buổi tối cô đuổi chị ấy ra ngoài hay ba người ngủ một giường?
Mary đỏ mặt, hét:
- Dì Patience là em ruột mẹ tôi. Tôi là Mary Yellan. Chào ông! Cánh cửa sau lưng kia!
Nàng hầm hầm rời quầy ruợu, vào bếp và đụng đầu Joss, lão quát:
- Cô nói chuyện với ai? Tôi dặn cô giữ mồm, giữ miệng mà?
Tiếng lão vang dội tận hành lang, gã trai trẻ cũng la lên:
- Đừng đánh cô ta. Cô ta làm gãy ống điếu của tôi, không chịu rót rượu cho tôi. Anh dạy cô ta làm như vậy phải không?
Joss nhíu mày, gạt Mary qua một bên, vào quầy rượu:
- Ồ! Jean! Chú tới chi đây? Lúc nầy công việc của tôi xui xẻo lắm, không có tiền mua ngựa của chú đâu.
Lão đóng sập cửa lại. Mary dùng tạp dề lau mặt. À! Thì ra Jean, em út của chú Joss, vậy mà mình ngốc quá không đoán ra. Mắt giống như Joss nhưng tinh anh hơn và không có tia máu, cũng miệng của Joss nhưng cương quyết hơn. Jean đúng là hình ảnh của Joss 20 năm trước, tuy thấp hơn và rắn rỏi hơn.
Mary tạt nước ra sàn nhà, chà mạnh một cách tức giận. Đúng là dòng họ Merlyn hỗn xược, thô lỗ, vũ phu! Mặc dù thấp hơn anh một cái đầu và gầy, nom anh ta có một sức mạnh mà Joss không thể có. Tuy nhiên, phải nhận rằng hắn cứng cỏi và tế nhị. Rượu chè đã hại đời Joss, nếu khôn ngoan hơn anh, Jean có thể khá... Nhưng chắc gì? Mẹ nàng thường nói: "Khó chống lại với dòng máu bất lương. Khó chống lại với thói quen tội lỗi. Nếu hai thế hệ sống lương thiện thì có thể dòng họ được tẩy rửa tội ác... nhưng vẫn còn là khó lắm".
Thật đáng thương: dì Patience bị lôi cuốn vào đời sống của họ Merlyn, dì chỉ hơn tên ngốc Dozmary một bậc thôi! Đáng lẽ dì có một nếp sống an toàn như mọi đàn bà khác tầm thường nhưng có hạnh phúc: có bạn láng giềng, đi nhà thờ vào sáng Chúa nhật, đi chợ mỗi tuần một lần, hái trái và gặt lúa ngày mùa, chăm sóc con cái nhà cửa v.v...
Dì đã từ bỏ hết để theo một gã đàn ông hung bạo, sống như một tên đày tớ trung thành xuẩn ngốc... Dì Patience!
Để khỏi chán nản, Mary vào quét dọn phòng khách, bụi tung mù mịt. Chợt có tiếng sỏi chọi vào cửa sổ và tiếp theo một nắm sỏi làm vỡ cửa kính, nàng dừng tay, nhíu mày nhìn ra: Jean Merlyn đứng bên con ngựa.
Giọng nàng chát chúa:
- Ông muốn gì nữa?
Jean không có vẻ xấc xược nữa, giọng nhũn nhặn:
- Xin lỗi cô, tôi thật lỗ mãng. Tôi không ngờ được gặp một người như...cô. Tôi cứ ngỡ là Joss gặp cô ở đâu đó, cô là nữ hoàng của ảnh...
Mary lại đỏ bừng mặt, giọng khinh bỉ:
- Tôi giống nữ hoàng ư? Tôi tưởng anh có mắt chớ, áo quần, giầy vớ kiểu nầy đáng ra anh phải biết ngay tôi là một cô gái quê...
- Ồ! Đừng giỡn! Nếu mà cô mặc áo đẹp, đi giầy cao gót coi, thua gì các tiểu thơ ở thành phố, cả thành phố lớn như Exeter.
- Hân hạnh cho tôi quá, nhưng tôi chỉ muốn thế nầy thôi.
- Dĩ nhiên, nhưng tôi e lại tệ hơn kia.
Mary ngước mặt lên, nàng biết Jean chế diễu nàng và nàng tức thì quay đi.
- Hãy khoan, tôi đã xin lỗi cô rồi mà. Tôi ngạc nhiên vì sự có mặt của cô ở đây. Tại sao cô đến đây?
Từ ngưỡng cửa Mary nhìn Jean, thầm ước: giá Jean không là người trong họ Merlyn! Nàng chậm rãi trả lời:
- Tôi đến với dì theo lời mẹ tôi trăn trối trước khi mất. Vì dì là người thân duy nhất sau mẹ tôi. Có điều, ông Jean ạ! Tôi mừng mà thấy mẹ tôi đã mất để không thấy đời sống dì tôi...
- Tôi cũng lạ về dì cô. Khi tôi còn nhỏ ảnh đánh tôi hoài. Giờ đây, nếu dám ảnh cũng đánh tôi...
- Dì tôi say mê cặp mắt của ông ta. Mẹ tôi vẫn bảo là hồi ở Helford dì bay bướm lắm. Dì đã từ chối lời cầu hôn của một trại chủ để rồi... để rồi...
- Xem ra cô không ưa Joss?
- Không bao giờ. Đó là một kẻ vũ phu, hung bạo, và còn, còn nhiều chuyện nữa. Ông ta đã biến một người trẻ trung vui tính thành một kẻ nô lệ, khốn khổ. Tôi còn sống, thề không tha lão.
- Dòng họ Merlyn chưa bao giờ đối xử tốt với vợ. Cha tôi đánh mẹ tôi đến ngất đi vậy mà bà không rời ông, nâng đỡ ông tận khi ông chết. Khi ông bị treo cổ, bà không nói chuyện với người nào cả liền trong ba tháng. Tóc bà bạc trắng. Tôi nghe nói bà nội đã anh dũng chống với lính đến bắt ông tôi.
Mary im lặng nghe. Giọng bình thản của Jean làm nàng sợ. Nàng đoán rằng trong gia đình Jean không có sự nhân ái, khoan hòa.
- Cô định lưu lại đây bao lâu? Thật đáng tiếc đây không phải là chỗ của cô...
- Biết làm sao? Tôi chỉ có thể ra đi với dì tôi. Tôi không bao giờ đành lòng bỏ bà...
- Nói cho ngay, ở đây khá yên tĩnh.
- Yên tĩnh? Hôm thứ bảy vừa rồi nhà đầy khách, toàn bọn...có vẻ bất lương...
- Không có gì lạ. Tụi đến đây toàn là tụi từng sống trong nhà tù. Không biết họ nghĩ sao về cô. Joss dám bán cô lắm đa! Sẽ có một ngày, cô ngồi trên ngựa sau lưng một tên cướp cạn...
- Muốn vậy, họ phải đánh tôi bất tỉnh đã...
- Bất tỉnh hay tỉnh thì đàn bà vẫn là đàn bà. Vả lại, tụi bất lương thì cần gì cô thuận hay không?
Mary gợi chuyện:
- Anh sống bằng nghề gì?
- Tôi ấy à? Tôi ăn trộm ngựa. Nhưng nghề nầy không khá mấy. Túi tôi rỗng không! Cô đến nhà tôi chơi đi! Tôi có con ngựa hợp với cô lắm.
- Anh không sợ bị tóm sao?
- Dễ gì? Ngựa hoang đầy đồng, làm sao phân biệt được? Giả dụ như con ngựa có bờm dài, một chân trắng, một dấu hình thoi ở tai, nó đứng ngay trước mắt chủ nó nhưng đố ông ta nhận ra...
- Tại sao vậy?
- Thì bờm nó ngắn đi rồi, bốn chân cùng mầu và dấu hình thoi biến mất tiêu hay chỉ còn là một vệt dài. Đơn giản quá, cô thấy không? Nhưng cô biết đó: tôi không dành dụm được, tiền trôi tuột qua kẽ tay như vốc nước. Tuần trước tôi có 10.000 mà hôm nay còn vỏn vẹn 100. Vì vậy, tôi muốn bán ngựa cho cô.
Mary khó nhịn cười trước một kẻ bất lương...thật thà, nàng không thấy giận nữa:
- Tôi không thể lấy tiền dành dụm ít oi mua ngựa được. Tôi cần từng trinh con...
Đột nhiên, Jean dịch lại gần Mary, anh nhìn quanh trước khi lên tiếng:
- Nghe đây! Hãy quên những lời trêu chọc của tôi đi. Lữ quán Giao Mai không phải là chỗ dung thân của người lương thiện. Tôi ăn trộm ngựa là vì không biết làm gì ở vùng cằn cỗi nầy, nhưng tôi không phải táng tận lương tâm. Tôi không như anh Joss. Không có lý nào tôi nỡ để cô bị anh ấy kéo vào tội ác. Trốn đi! Tôi sẽ giúp cô đến Bodmin tìm cách sinh nhai.
Giọng anh trầm ấm, thành khẩn. Mary gần tin Jean. Song nàng lại nhớ kịp Jean là em ruột chủ quán. Có thể chủ quán cho em dò la nàng? Không! Bây giờ chưa thể tin Jean. Để xem, thời gian sẽ cho nàng biết Jean thuộc phe nào. Bây giờ thì...chưa.
- Tôi chả cần ai giúp đỡ. Tôi tự liệu thân được. Tôi không phải tiểu thư thành phố.
Jean không nài nỉ thêm. Anh nhảy phóc lên ngựa:
- Tốt lắm. Tôi không quỳ xuống chân cô đâu. Nếu thấy cần đến tôi thì cứ qua khỏi vũng lầy Trewartha, đến chân đồng hoang "12 đàn ông" bên kia ngọn Withy Broo sẽ thấy căn nhà tôi. Tôi còn ở đó đến đầu xuân. Chào cô!
Chao ơi! Sao Jean không là kẻ ngoài dòng họ Merlyn? Mary đã tin ngay, không do dự. Làm sao tin được em Joss chứ? Hắn chỉ là một tên trộm ngựa, hắn có thể lương thiện chút chút thôi...
Jean đã nói hắn không ưa Joss nhưng lấy gì làm tin? Cách tốt nhất là phải tự quyết định mọi điều, không tin bất cứ ai. Thành vách của lữ quán nầy cũng sặc mùi máu và nói ra dự tính của mình là một rồ dại.
Sự thăm viếng bất ngờ của Jean như một tia nắng chói và khi hắn ra đi, ánh nắng ấm áp như cũng đi theo. Bầu trời xám xịt rồi mây mù bao phủ, những bụi gai đen rạp mình dưới gió. Mary thôi cau có, nàng mệt mỏi và chán nản cùng cực.
Ngày tháng nối nhau dài vô tận. Mary nghĩ đến Jean: miệng huýt sáo, hai chân thúc vào mình ngựa, đầu trần rong chơi tùy thích... Giá nàng là con trai?
Nàng lại nghĩ đến Helford: con đường dài dẫn đến đầu làng, đến dòng nước cạn, đến đàn vịt bì bõm trong bùn, vài đàn ông ơi ới gọi bò về... Đời sống thanh thản, êm dịu đó nàng không còn được tham dự nữa. Nàng dính liền nơi đây bởi một lời hứa với mẹ và bây giờ thì bởi một lời thề, bởi thương dì.
Nàng ngồi bó gối trong phòng khách nhìn mưa làm mờ cửa kính. Những dòng lệ thi nhau chảy dài xuống má nàng, Mary không buồn lau.
BẠN ĐANG ĐỌC
Truyện Ma Kinh Dị
HorrorNhững truyện ma kinh dị ở nhiều nơi nhiều tác giả được tổng hợp