Mình là một đứa trẻ ham học. Mỗi khi nhìn thấy một thứ gì thú vị, ý nghĩ đầu tiên của mình sẽ là: "MÌnh muốn học cái này!" Đó là lý do vì sao mà ngày xưa mình từng thử làm nhiều thứ đến thế: võ thuật, thổi sáo, làm thơ, viết văn, dịch sách,... đến lúc lớn hơn một chút thì bắt đầu thử làm vô số nghề part-time: phụ bếp, phiên dịch, thư ký, gia sư, nhập dữ liệu,...
Nhưng tất cả những sở thích và công việc đó, mình đều làm không được bao lâu. Mỗi lần bỏ cuộc, mình sẽ lại nghĩ: "Mình không có năng khiếu/ hợp làm cái này. Bỏ sớm còn hơn phí thời gian, phí công vô ích."
Nhưng từ khi mình tự học và dần dần, đạt được năng lực cao hơn rất nhiều kỳ vọng của bản thân với tiếng Trung, mình nhận ra: trên đời này vốn chẳng có cái gì gọi là "không có năng khiếu" hết.
Đối với một số ít người, sinh ra có năng khiếu bẩm sinh, không cần bỏ công sức mà thành quả đã cao hơn hẳn người thường. Khi nhìn vào họ, bạn có thấy xót xa không? Xót xa cho chính mình đã cố gắng bao nhiêu mà lại vẫn chẳng đến đâu, xót xa vì cảm thấy bất công khi người ta chẳng phải trả giá nhiều như mình. Mình cũng thế, mình là một đứa trẻ chậm chạp, học không nhanh, nhớ không lâu, cái người khác xem 1-2 lần là làm được, mình sẽ phải xem 3-4 lần, làm 5-6 lần mới được. Mình cũng từng muốn bỏ cuộc, không chỉ một lần, vì cái cảm giác tuyệt vọng khi thấy rằng mình có đuổi cả đời cũng chẳng thể đuổi kịp những con người đó. Nhưng rồi, khi mình thu bản thân vào thế giới riêng, mình bỗng không cần để ý đến ánh nhìn của người khác nữa. Điều đó khiến mình hào hứng làm những điều mình thích mỗi ngày. Cho đến một ngày nhìn lại, mình mới nhận ra mình đã đi được rất xa.
Rồi cũng chính từ đó, trong mình bắt đầu xuất hiện sự tự tin, mình không còn xấu hổ khi nhìn vào thế giới, thế nên mình bắt đầu để tâm quan sát mọi người, những kẻ có thiên phú, tài năng. Hình như thiên phú của họ, cũng đến từ cả sự tỉ mỉ và nghiêm túc. Khi phải học một thứ, họ nghiêm túc ngồi nghe giảng từ đầu, chăm chú, mô phỏng lại quá trình trong đầu như một lần thực hành nháp. Thì ra cái giỏi cũng chẳng tự nhiên đến thế.
Vậy nên, cái mình muốn nói, đó là "không có năng khiếu" chẳng qua chỉ là cơ chế phòng vệ của bạn trước những đả kích từ bên ngoài mà thôi.
Nếu không làm được một thứ gì đó, hãy kiên trì làm nó, làm đến cùng.
P.S: viết cho một đứa trẻ chênh vênh, muốn dùng cái cớ này để chạy trốn xã hội, bỏ việc làm người. Tôi biết điều đó là một sự tra tấn đối với tính cách của em, nhưng nếu em kiên trì lâu hơn và dẹp bỏ kiêu ngạo của mình, thì em chắc chắn sẽ nhận ra mọi việc không tệ như em tưởng.