Hôm ấy là tiết lập thu, Lý Thống được dẫn đến trước mặt Thành đế để bái tạ ơn đức vua ban trước khi lên đường đi nhậm phủ. Nhìn Lý Thống người từng đã một thời làm thái tử, từng ngông nghênh lỗ mãng thường xuyên áp bức hà hiếp chính mình ngày xưa vậy nhưng giờ đang phủ phục quỳ lạy dưới bệ rồng. Thành đế cảm khái, khẽ khàng thở ra một tiếng rồi bước xuống cạnh Lý Thống, tâm thế lấy đức báo oán nở ra một nụ cười thân tình, đưa tay nhẹ nâng hắn đứng dậy.
Ở trước mặt quần thần, Thành đế thật sự đã làm được uy thế của một anh quân chí uy, còn Lý Thống hắn, bộ dạng bây giờ không chỗ nào còn khí tiết của một vương giả. Lý Thống hiểu, hắn một khi bước ra cửa cung lần này vĩnh viễn sẽ không còn cơ hội quay lại. Hắn nhìn Thành đế rồi lại nhìn lên ngai vàng ở ngay trước mắt. Bộ long bào kia, vị trí kia vốn chính là của hắn. Lý Dự không có tư cách chiếm được nó.
Vừa nghĩ, Lý Thống đã lập tức động thủ rút ra một thanh trủy thủ chụp lấy Thành đế ý đồ muốn hành thích. Thành đế nhanh tay cản được mũi nhọn của trủy thủ chỉa vào mình, hai tay giằng co với Lý Thống. Lê thái phó ở gần nhất lập tức ứng cứu, giải thoát cho Thành đế rồi tự mình vùng vằng vật nhau với Lý Thống. Một hồi, Lê thái phó cũng đánh ngã được Lý Thống. Vệ binh lập tức xông đến bắt lấy Lý Thống.
Dương thừa tướng và Dương thượng thư đang thầm tức chết với Lý Thống, mắng hắn quá nông nỗi, ngu ngốc. Chỉ còn một bước thôi hắn có thể rời xa kinh thành âm thầm nuôi binh chờ cơ hội đến. Tự nhiên sao hắn lại kích động như vậy? Quá ngu xuẫn! Tại Triều Nguyên điện ra tay hành thích thiên tử. Lý Thống thật sự không thể cứu rồi!
Vừa đúng lúc đó, Lê thái phó bất ngờ rên lên một tiếng, giọng cũng lạc đi, cả thân thể cũng từ từ khụy xuống. Thái úy và Thành đế lập tức bước đến đỡ lấy thái phó. Lê thái phó bị trủy thủ của Lý Thống cắm trúng bụng, máu chảy lênh láng. Thành đế vừa đau lòng vừa oán hận:
- Lý Thống, ngươi chết không hối cãi! Thật không thể tha thứ!
Cả triều đường đều thầm than cho Lý Thống. Thừa tướng là ông ngoại của Lý Thống, lúc này cũng không thể nói được lời nào.
Giọng Thành đế trầm trầm oán giận tuyên bố:
- Lý Thống tâm địa tàn nhẫn, bất nhân bất nghĩa, không biết hối cãi. Nay tại đại điện còn muốn hành thích trẫm, hại cả Lê thái phó trụ thần nhiếp chính bị thương. Một kẻ phản phúc, ác tâm vô nhân tính, không thể lưu giữ trên đời này được nữa. Lập tức giam vào thiên lao, ban vải lụa ba tấc.
Dương thừa tướng nghe xong, suýt tí nữa đứng không vững. Dù biết rằng đây là điều khó tránh khỏi thế nhưng trước mắt, ngài phải đứng nhìn đứa cháu ngoại phải chịu tội tử, thừa tướng thật sự không chịu nổi.
- Hoàng thượng! Xin người khai ân! Lý Thống dù sao cũng là huyết mạch của tiên đế, là huynh đệ của người. Lão thần mạo muội sá mạng già xin thỉnh cầu hoàng thượng cho hắn giữ lại tính mạng. Đày hắn làm dân thường, mãi mãi không được về kinh có được không?
Thành đế ngồi trên long ỷ, phất mạnh tay áo bày tỏ tức giận với lời của thừa tướng. Nhưng hắn còn chưa mở miệng thì Lý Thống bị vệ binh bắt giữ đã oán hận hướng hắn kêu hét lên:
- Tiện chủng Lý Dự! Tiện chủng ngươi lấy tư cách gì làm hoàng đế? Ngai vàng vốn là của ta! Là ngươi và tên Triệu cẩu tặc kia đã lừa gạt phụ hoàng hãm hại ta. Các ngươi đừng hòng đắc ý. Ngai vị này phải thuộc về ta! Ta là hoàng trưởng tử, là đích tử của tiên đế, mới là chính thống thiên tử của Đại Lạc này!
Lần này, các đại thần đều nghe rõ lời thoá mạ cùng ý đồ phản loạn phát ra từ miệng của Lý Thống. Dương thừa tướng cũng không còn lời nào để cứu vãn. Ngài quỳ phịch xuống đất nhìn Lý Thống bị vệ binh lôi kéo đi mà nghẹn ngào ôm ngực.
Lê thái phó được thái y đưa đi cứu chữa. Thành đế oán khí chưa bớt cũng hạ lệnh bãi triều. Dương thượng thư Dương Văn Nghĩa dìu đỡ thừa tướng phụ thân của mình ra về. Nghĩ đến một màn vừa rồi, hắn hốt nhiên liên tưởng đến đây có phải chăng là một chiêu khổ nhục kế của Thành đế? Thả Lý Thống, phong vương là giả. Ý đồ thật sự chính là muốn Lý Thống phải chết, hơn nữa còn là phạm tội phản loạn phải chết.
Nói ra, Lý Thống thật sự đã vô giá trị, vô phương có hi vọng tranh đoạt ngôi vị với Thành đế. Nhưng dù sao hắn là hoàng trưởng tử, lại là đích tử, danh vọng mười mấy năm làm thái tử đã giúp hắn chiêu được rất nhiều sự ủng hộ thần phục. Chỉ cần hắn có thể tồn tại, họ Dương và các thế lực tiếp tục ủng hộ, nếu một ngày chẳng may Thành đế băng hà, Lý Thống nghiễm nhiên vẫn là người có cơ hội lên ngôi cao nhất.
Bây giờ Lý Thống chết, mà còn vì mưu hại Thành đế, tạo phản bất thành bị xử chết, toàn bộ những gì thuộc về Lý Thống đều bị thu hồi hết. Các thế lực ủng hộ Lý Thống cũng lập tức quay lưng. Họ Dương là ngoại thích cũng sẽ bị đả kích. Kế này quả nhiên hiểm. Dương thượng thư âm trầm nghiến răng nuốt hận một tiếng.
"Thành đế, Triệu Khởi Kiệt, Lê Diên Tôn, các ngươi giỏi lắm!"
Trong lúc Dương thượng thư bận oán hận, phân tâm lưu ý đến phụ thân tướng gia đã đi đến trước thềm bước xuống bậc thang rời khỏi Triều Nguyên điện. Lão thừa tướng thân tâm đều chấn động đến hư tổn, một thoáng sơ ý bước hụt chân, cả người liền bị ngã lăn xuống bậc thang lăn đến mười mấy lần sau đó mới tiếp đất liền đã mê man bất tỉnh.
Tin tức thừa tướng té ngã trọng thương lan rộng. Thành đế cũng phái thái y đến tướng phủ tận tình cứu chữa. Nhưng thừa tướng tuổi cao sức yếu, hôn mê suốt ba ngày chưa tỉnh, bệnh tình càng lúc càng nặng hơn.
Ở bên phủ thái phó, Triệu Khởi Kiệt đang ân cần ngồi bên cạnh xem thái y chăm sóc vết thương cho thái phó. Đợi thái y báo tốt và rời đi, Triệu Khởi Kiệt mới nhấc ghế kéo đến sát giường bệnh nhìn Lê thái phó mà ái ngại hỏi ra:
- Thái phó, chẳng phải chúng ta đã nói rồi sao? Vốn là nên để hạ quan động thủ với Lý Thống, ngài cũng không cần phải chịu đựng vết thương.
Triệu Khởi Kiệt đau lòng nhìn vị ân sư trước nay đều hết mình che chở cho nàng và Thành đế mà ngực thắt lên một cơn đau khó nhịn. Lê thái phó cũng yêu thương nàng không khác gì nghĩa phụ Đỗ Khải. Thái phó chẳng những là ân sư tốt mà còn là vị quan hết lòng tận tụy lại vô cùng liêm chính trung nghĩa với triều đình. Nàng cảm thấy áy náy, không nỡ thấy thái phó lại chịu đau đớn thế này. Vốn ra kế hoạch của các nàng muốn thả Lý Thống sau đó kích động hắn tạo phản uy hiếp Thành đế, thái úy nàng liền động thủ và giết chết Lý Thống đả kích Dương gia và các thế lực muốn ủng hộ Lý Thống. Lê thái phó không tán thành ý đó. Ngài nói nếu tại triều đường giết Lý Thống, dù là công nhiên thích đáng nhưng cũng sẽ khiến cho thừa tướng và các thế lực bắt được lí do nói hoàng thượng và thái úy lộng quyền âm mưu diệt trừ vị kỉ. Như vậy lợi không bằng hại, càng khiến tâm địa bất mãn của các thế lực muốn bùng lên. Chỉ có một cách là làm sao có Lý Thống triệt để sụp đổ hình ảnh trước mắt bá quan cho nên thái phó mới đề nghị dùng khổ nhục kế.
Ban đầu, dự định là Thành đế bị uy hiếp, thái úy giải cứu và bị Lý Thống đâm một nhát, lấy lí đó để kết tội tử cho Lý Thống. Nhưng lúc đó thái phó nhìn thấy Thành đế là cố ý muốn để cho Lý Thống đâm trúng. Rất rõ ràng Thành đế không nỡ để cho thái úy chịu thương nên tự mình mạo hiểm. Đã như vậy, thái phó sao có thể đứng nhìn được? Thành đế và thái úy đều là học trò của ngài. Hơn nữa, hai người đều có tầm quan trọng không thể lay chuyển trong thế cuộc. Vậy nên, thái phó tự mình thay đổi kế hoạch, nhưng không ngờ đến một dao kia của Lý Thống thật sự khiến Lê thái phó ngài tổn thương đến tạng phủ. Xem ra đến tháng sau ngài cũng không thể ngồi dậy nổi. Rất may là lão thừa tướng cũng tự nhiên bị báo ứng té ngã. Hiện tại xem như thế cuộc tạm cân bằng. Thành đế và thái úy trong triều không bị thừa tướng áp chế là tốt rồi!
- Khởi Kiệt, ngươi nói xem màn này Dương gia có nhìn ra không?
- Có thể đã nhìn ra. Thái phó, người có ý gì sao?
- Ừm. Nếu như vậy, nhân đây có thể cho họ hành động một chút.
- ...
- Khởi Kiệt, ngươi cũng hiểu, tuy rằng hổ phù là ngươi giữ nhưng nói đến quyền điều động binh mã, Triệu thái úy ngươi vẫn chưa đủ uy vọng. Trước mắt, họ bất động chúng ta cũng không động. Nhưng nếu bọn họ có động tĩnh, chúng ta nhân đó thổi gió to, đốt lửa lớn sau đó...
- ...
Hai người sư đồ trò chuyện mãi đến tận đêm. Thái phó phu nhân lo lắng cho phu quân trọng thương lại không chịu nghỉ ngơi nên mới mặc kệ lời phu quân dặn tự mình mang cơm canh đến. Triệu Khởi Kiệt thấy bà, mới ái ngại mình quấy rầy thái phó lâu quá. Đang định bái biệt thái phó thì lại nghe thái phó vẫy nàng lại rồi hướng về phu nhân nói:
- Diệp Nhi, chưa giới thiệu với nàng. Người trước mặt nàng, Triệu thái úy, cũng chính là đứa nhỏ năm xưa ta từng nhắc qua với nàng đó.
Thái phó đối mắt với phu nhân, nhìn Triệu Khởi Kiệt vô cùng thân thiết. Tuy rằng đứa trẻ này trải qua quá nhiều chuyện, lại nữa ở trong triều vì chuyện yêm cát bị ảnh hưởng đến thanh danh và uy tín. Nhưng Lê thái phó tin tưởng mắt nhìn của mình. Người tên Triệu Khởi Kiệt này thành tựu tuyệt đối không bao giờ nhỏ. Ngài nhìn phu nhân nhưng lại nói với Triệu Khởi Kiệt:
- Trước đây, ta và phu nhân từng có một đứa con nhưng đáng tiếc nó mệnh yểu, năm tuổi đã bạo bệnh mất đi. Lần đầu tiên bổn quan nhìn thấy ngươi được Đỗ Khải bế lên điện đã thầm tán thưởng ngươi. Ánh mắt và lời nói của ngươi vừa điềm tĩnh vừa tự nhiên. Bổn quan lúc đó đã nghĩ muốn nhận ngươi làm nghĩa tử. Đáng tiếc lại chậm hơn Đỗ Khải một bước. Ài! Nhưng không sao. Không có duyên làm phụ tử, lại là người trực tiếp truyền thụ cho ngươi, bổn quan vẫn may mắn hơn Đỗ Khải! Haha!
Trong khi Lê thái phó vẫn vô tư vui vẻ bày tỏ với Lê phu nhân về với ý nghĩ của mình, Triệu Khởi Kiệt lại âm thầm vì cái tên của Lê phu nhân mà chậm rãi suy tưởng. Lúc nàng cáo từ ra về, Lê phu nhân mới thay thái phó tiễn nàng ra cửa. Nàng nhân đó liền đối mặt Lê phu nhân khẽ hỏi:
- Phu nhân, thứ cho vãn bối mạo muội hỏi, người có phải tên thật là Diệp Nhi, quê ở thôn Đoái, núi Đại Sơn, từng có một vị thanh mai trúc mã tên gọi Đỗ Phi không?
Thái phó phu nhân có chút bất ngờ, bất quá nàng cũng không có thể hiện thái độ nào, điềm tĩnh nhìn thẳng Triệu Khởi Kiệt hỏi:
- Đúng là nô gia từng ở thôn Đoái. Chẳng hay thái úy...A! Thái úy và Đỗ Phi đại ca...
Thái phó phu nhân nhìn Triệu Khởi Kiệt ngờ ngợ, lời nói cũng không trọn vẹn lại nghe Triệu Khởi Kiệt nói:
- Người đợi một chút!
Triệu Khởi Kiệt thở nhẹ, bước ra cỗ xe ngựa từ trong tay nãi nàng hay mang theo đem ra phong thư của nghĩa phụ và nửa miếng ngọc kia giao cho Lê phu nhân, nói:
- Đỗ Phi chính là vị nghĩa phụ Đỗ Khải Đỗ đại tướng quân người có đại ơn tái tạo với vãn bối. Phong thư này và mảnh ngọc chính là vật nghĩa phụ để lại, muốn vãn bối giao lại cho vị Diệp Nhi cô nương, người mà nghĩa phụ luôn canh cánh lo lắng. Nếu nghĩa phụ linh thiêng biết được phu nhân thật ra trước nay chưa từng đoạ lạc ngược lại cuộc sống luôn rất tốt, tin rằng nghĩa phụ đã có thể an lòng buông xuống.
Lúc nàng cáo từ rời khỏi, vẫn còn thấy Lê phu nhân đứng đó tay cầm phong thư và mảnh ngọc mà rưng rưng run rẩy. Triệu Khởi Kiệt khẽ thở ra một tiếng.
Đáng thương cho nghĩa phụ bởi vì áy náy chuyện đã không cứu được, để Diệp Nhi đoạ lạc mà không ngừng dằn vặt bản thân, tự mình chôn vùi cơ hội hạnh phúc. Ngài chấp niệm không buông bỏ được Diệp Nhi, lặn lội khắp nơi, oanh tạc các kỉ viện thanh lâu để tìm kiếm, lại không nghĩ đến Diệp Nhi may mắn gặp được Lê thái phó, sớm đã được ngài giải cứu, còn được thái phó ưu ái cưới làm chính thất, một bước trở thành nhất phẩm phu nhân. Đỗ Khải lại cứ mê muội không từ bỏ, rốt cuộc bỏ dở hạnh phúc còn làm tổn thương gây oán hận cho mẫu tử của Đỗ Ngọc Khanh, hai người mới đích thực là thân nhân duy nhất của Đỗ Khải.
Triệu Khởi Kiệt nhìn vẻ xúc động cùng ánh mắt đầy thương tiếc và chua xót của Lê phu nhân mà nghẹn lòng, cũng không biết hình dung thế nào cho phải? Nhưng chí ít, đêm nay nàng có thể thắp hương phục mệnh với nghĩa phụ, nàng đã tìm được người và hoàn thành chuyện nghĩa phụ giao phó. Kết quả này so với nghĩa phụ luôn nghĩ lại tốt hơn rất nhiều.
Dù sao, nghĩa phụ linh thiêng chắc đã buông xuống. Nếu nghĩa phụ sớm biết Diệp Nhi mà ngài mong nhớ lo lắng sớm đã là thái phó phu nhân thì hẳn là ngài đã không còn vướng bận.
![](https://img.wattpad.com/cover/163927492-288-k806663.jpg)
BẠN ĐANG ĐỌC
[Girllove][Nữ luyến] MỘNG HOÀN NGUYÊN - TG:TRIỆU KIT
General FictionTên truyện: Mộng Hoàn Nguyên - Triệu Kit Thể loại: Cổ đại, nữ luyến, dã sử, hư cấu, ân oán tình thù, nữ phẫn nam trang, ngược luyến,.... Nhân vật: : Triệu Khởi Kiệt, Đỗ Ngọc Khanh, Dương Phi Uyên, Trang Tịnh Lan, Lý Dự... Mô tả...