Đôi khi, có những giấc mơ...và tôi nghe tiếng em gọi.
"Thầy! Thầy ơi!"
Những bước chân trần vô thức đạp trên nền đất, nước mưa tầm tã xối xuống khuôn mặt tôi, nhưng tôi không thấy lạnh, cũng không nghĩ tới cảnh tượng mình sẽ sốt cao sau đó. Mấy năm sau này, tôi có di chứng mộng du, thường đi lững thững ngoài đường vào mỗi đêm. Hôm đó cũng vậy, trời ở ngoài mưa xối tầm tã, nhưng tôi lờ đờ bước ra khỏi cô nhi viện, đi theo tiếng gọi của ai đó trong hồi ức, đâu biết cả người mình đã bị tắm ướt như chuột lột. Những đứa trẻ trong cô nhi viện hoảng hốt gọi tôi, đứa lớn nhất bối rối kêu to vài tiếng ba ơi ba, ba đi đâu vậy? Nhưng tôi không nghe thấy. Đến sáng bọn chúng kể lại, tôi mới biết.
"Rốt cuộc ba đi đâu vậy ạ?"
Bọn chúng tìm thấy tôi ngã bên bờ hồ sau khi đuổi theo tìm kiếm, sáng hôm sau, có một đứa trẻ hỏi tôi. Tôi cũng chẳng biết trả lời làm sao. Trong những miền vô thức của đêm dài, tôi thực sự chẳng biết mình đã đi đâu. Chỉ là tôi cảm giác mình cần phải đi, giống như ở cuối con đường, có ai đó đang gọi tên tôi. Ở cuối dãy hành lang trường, ở những đoạn đường dạo chơi quen thuộc, ở trên con đường gần nhà tôi tại Daegu, tôi thấy một cô bé trơ trọi đứng đó một mình, cô độc gọi tôi.
Do đó, tôi phải đi, đi đến bên cô bé ấy.
Nhưng mỗi khi tôi tỉnh giấc, cô bé ấy chỉ là một người trong bức ảnh đã cũ trên bàn làm việc. Một bức ảnh sớm đã nhòe đi bởi ánh sáng của tám năm trời, của một cuộc sống gọi là trần trụi và nghiệt ngã.
"Ba cũng không biết."
Tôi đáp lại mấy đứa nhỏ, sau khi nghĩ đến Han Yun đã có một cuộc sống hạnh phúc ở nơi chân trời xa xôi. Đôi khi sự nhớ nhung và buồn khổ dằn vặt tôi trong những ngày trăng lên, bởi khi đó hình ảnh tôi và em cùng nhau nằm bên hiên nhà ngắm trăng và tỉ tê bao nhiêu chuyện lại hiện về. Nhưng hình ảnh em hạnh phúc đi bên người khác ở Los Angeles lại khiến nỗi đau đó trì trệ mãi ở một điểm, không cách nào toát ra, bởi vì nó hổ thẹn không dám đau lòng.
Vì sao không dám? Bởi tôi đã tự nhủ rằng nếu nhìn thấy em hạnh phúc, tôi cũng phải hạnh phúc. Không được đau lòng, nhất định không được đau lòng.
"Thôi, ba đừng buồn nữa. Ba xem nè, con và anh hai được giải nhất và nhì bắn cung ở trường đó!"
Hai đứa trẻ song sinh với gương mặt giống hệt nhau kia vui vẻ chèo kéo chuyện để tôi lấy lại tinh thần. Tôi xoa đầu tụi nhỏ, thực ra tôi chỉ nghe theo lời của thầy hiệu phó, đến miền núi hẻo lánh này chăm sóc bọn trẻ để vơi đi nỗi cô độc. Thậm chí là để có một công việc đàng hoàng nương tựa trong những ngày vô công rỗi nghề. Nhưng tôi cũng không ngờ mình đã ở đây đến tận tám năm, bọn nhóc ngày nào tôi bế trên tay đã mười tuổi.
Tôi nuôi bọn chúng như con cái mình, dạy trẻ học, rồi lại bắn cung, sau đó thì viết vài lời trong cuốn tự truyện về bệnh tình mình trên blog, đến bây giờ thì tôi đã sống mãi như thế tới năm thứ tám. Và cuốn tự truyện cũng xuất bản đến tập thứ ba.
Nhưng có những thứ cứ đeo theo như thế, cả đời không thể nguôi ngoai hay chấm dứt.
"Hai đứa giỏi lắm, khi nào gặp lại chú Jimin, ba sẽ giới thiệu các con vào học lớp đào tạo của chú ấy."