Sau Nguyên đán thích hợp hành sự, kể cả cãi nhau.
Lúc xảy ra chuyện, Thiếu Thương đang tập viết chữ. Nàng phẩy một nét là nhìn chữ mẫu, gạch một đường là lại nhìn chữ mẫu, mệt tới độ trán lấm tấm mồ hôi. Những ngày qua nàng phát hiện, mấy chữ viết này có vẻ rất gần với chữ tượng hình, mỗi con chữ giống như một bộ nét bút nho nhỏ. Chữ 'nước' là đường uốn khúc quanh co như dòng nước, chữ 'sông' là núi rừng có nhà ở cạnh nước, chữ 'ăn' là một chiếc bát nhỏ nằm phía trước hình đôi môi.
Nàng gác bút, lật phần phật các thẻ tre bên cạnh bàn gỗ, đây là những cuốn truyện dân gian thú vị mà mấy hôm trước Trình Tụng đem về từ phố sách cho nàng, mỗi mảnh rộng ba tấc dài bón năm tấc, bề mặt không quá phẳng, vẫn còn sót gờ nhỏ ở hai bên – dĩ nhiên đồ dân dụng ở phường không bóng loáng bằng thẻ trúc trong phủ rồi. Nhưng Thiếu Thương càng nhìn càng mê, vì hầu như nàng biết hết 95% chữ trên đó.
Thế là trong lòng nàng đã có áng chừng.
Ví dụ như chữ mẫu, điển tịch, gia phả, thậm chí là giữa kẻ sĩ nho sinh đại phu, đa số sẽ dùng kiểu chữ giống hình vẽ; nhưng lưu truyền trong dân gian hay thậm chí là trong công việc của các tiểu lại, thì kiểu chữ sau mà nàng quen thuộc thịnh hành hơn. Mà kiểu chữ này, dù cách nhau mấy thời không, đoán chừng nhân dân cả nước vẫn có thể tự động chuyển đổi không gặp khó khăn. Song nàng vẫn phải nghiêm túc học kiểu chữ trước, dù gì vẫn còn cần đọc các tài liệu sách sử liên quan.
Thiếu Thương thở dài, nhấc bút lên tiếp tục đồ lại trên thẻ tre, A Trữ đứng cạnh trìu mến nhìn nàng, đồng thời hơ lửa từng thẻ tre một. Những vật mang chữ viết phổ biến trong thời đại ngày nay bao gồm vải, lụa, gấm, thậm chí là đồ đồng, nhưng phổ biến nhất là gỗ và tre. Tiêu phu nhân là người cần kiệm, không cho phép con cháu xa hoa lãng phí. Những thẻ tre Thiếu Thương luyện chữ đều là viết xong thì rửa đi, sau đó phơi khô hơ lửa, dùng dây bện lại tiếp tục sử dụng. Vì để tiện lau chùi nên mực để tập viết được làm bằng bồ hóng, nhựa cây và bã cám, dĩ nhiên sẽ không đen láy thơm mùi, cho nên Thiếu Thương lại càng nâng niu thỏi mực Tùng Yên mà Trình Vịnh tặng nàng.
Tiêu phu nhân chính là dạng boss chỉ hỏi hiệu quả không hỏi quá trình, nên cái câu 'có biết nàng đã cố gắng biết bao nhiêu không' không khác gì hơn một trò cười.
Hôm ấy Trình Thủy dậy sớm, đầu tiên là đến giáo trường ở đình trước mà Tiêu phu nhân vừa bố trí luyện đủ một trăm lần đại đao, sau đó đẩy hai em trai đang ngủ say trong giường ấm ra ngoài, nói cùng đi tìm huynh trưởng của Tang thị là Tang Vũ 'ôn chuyện ngày xưa'. Trình Thừa vừa nghe thế thì lập tức dùng nước lạnh rửa mặt, còn Trình Chỉ ấm ức không chịu – những năm qua ông gặp anh vợ thường xuyên như cơm bữa, làm gì có chuyện xưa để mà ôn, huống hồ hôm nay ông còn muốn để vợ vẽ cho kiểu lông mày đang thịnh hành ở đô thành. Nhưng sau cái trợn mắt của Trình Thủy thì lập tức hoàn hồn, nhìn thứ huynh đầy hào hứng đằng trước rồi đành cắn răng đi theo.
Trình mẫu uống say chưa tỉnh, mà tỉnh lại thì cũng phải mơ màng chẵn một ngày. Tiêu phu nhân dạy Trình Ương sai nô bộc chuẩn bị chuyện hôm nay – vốn chủ mẫu đương gia không cần phải đích thân làm, nhưng vì để dạy Trình Ương nên bà mới cố tình ra mặt.
BẠN ĐANG ĐỌC
TINH HÁN XÁN LẠN - MAY MẮN QUÁ THAY / 星汉灿烂 - 幸甚至哉 / Quan Tâm Tắc Loạn
Lãng mạnTINH HÁN XÁN LẠN, MAY MẮN QUÁ THAY Tác giả: Quan Tâm Tắc Loạn Thể loại: Xuyên không, cổ đại, HE Rất nhiều năm sau nhìn lại cuộc đời, nàng cảm thấy kiếp này đầu thai thực sự tốt hơn kiếp trước rất nhiều. Vậy rốt cuộc là duyên cớ nào đã khiến một con...