Chương 6: Tuyên triệu

1.5K 105 26
                                    

Một năm này đã định sẵn là không thể yên bình. Gần tới cuối năm, sau đại án sứ đoàn Đông Thát gặp mai phục chấn kinh triều dã, lại có một lời đồn liên quan đến thống soái Bắc Yến, lặng lẽ lan truyền trong giới quan to hiển quý ở kinh thành, với thế như tinh hỏa liêu nguyên[1] --

Tĩnh Ninh hầu Phó Thâm thích long dương, có đam mê phân đào đoạn tụ[2].

Tin tức này xuất hiện thực kỳ lạ, song nghĩ kỹ lại, cũng có chỗ đáng suy ngẫm. Huống hồ mọi người luôn không sợ dùng phỏng đoán hạ lưu nhất để nỗ lực bù đắp "chân tướng". Chẳng bao lâu sau, tình sử từ khi Phó Thâm tòng quân tới nay đã sinh động như thật, truyền khắp các nhà công hầu huân quý, thậm chí còn thành đề tài nói chuyện trà dư tửu hậu của một ít người.

Ở Đại Chu, yêu thích nam phong cũng chẳng phải việc gì quá khác người, người đời cũng đặc biệt khoan dung với chuyện này. Mà chuyện như vậy xuất hiện ở một tướng quân tay cầm quân quyền, thì không chỉ đơn giản là "ham thích" nữa.

Quốc hiệu của tiền triều là "Việt", thịnh vượng trăm năm, trong đó có một vị hoàng đế si tình nổi danh thiên cổ, miếu hiệu Túc Tông. (Sau khi hoàng đế băng hà, người ta khắc tên hiệu ở miếu thờ để thờ cúng, gọi là miếu hiệu.)

Túc Tông hoàng đế thưở còn chưa lên ngôi có sủng hạnh một mỹ nhân họ Hàn, sau khi lên ngôi, không chỉ phong Hàn thị làm quý phi, mà còn muốn gia phong (phong chức tước, ban ruộng đất) cho tất cả phụ huynh ấu đệ của nàng. Đệ đệ của Hàn quý phi tên là Hàn Thương, sử ghi lại rằng "Tư dung tú mỹ, đẹp như hảo nữ, có chất tựa minh châu mỹ ngọc". Hàn Thương vì tỷ tỷ nên tiến vào Loan Nghi vệ, trong một lần đi theo xa giá du ngoạn, từng chạm mặt với hoàng đế. Túc Tông đối với y nhất kiến khuynh tâm, sau khi hồi cung thì tương tư chẳng thể quên nổi, không quan tâm đến thế tục luân thường, nghênh đón Hàn Thương vào trong cung. Chẳng những ân sủng rất nhiều, mà ngoài danh phận phi tần, còn cố ý đặt ra "Quý quân", vị trí tương đương với quý phi, khiến tỷ đệ hai người cùng hầu một vua.

Đại Việt xưa nay chưa từng có tiền lệ như vậy, từ triều đình cho tới bách tính đều bị chấn động. Văn võ bá quan khuyên can không ngớt, hận không thể xếp hàng dập đầu chết ở trước điện.

Mặc dù Túc Tông là kẻ si tình kinh thế hãi tục, nhưng dứt bỏ thân phận này, đầu tiên ông ta vẫn là hoàng đế, chủ của một quốc gia. Ông không thể chịu đựng việc mình chỉ vì chút chuyện riêng mà bị một đám thùng cơm lo chuyện bao đồng quơ tay múa chân. Dưới cơn nóng giận, vị hoàng đế rất có thủ đoạn này đã hạ xuống một chỉ dụ, cho phép công khanh sĩ phu nạp nam thiếp; quan viên từ lục phẩm trở lên và tôn thất huân quý có thể cưới nam thê, lệ giống với chính thê.

Trên làm dưới theo. Lệ này vừa mở ra, trên triều đình kẻ ngóng chờ chiếm đa số, rất nhiều văn nhân lại lập tức nâng đoạn tụ lên thành một việc phong nhã. Bởi vậy dân chúng cũng dồn dập noi theo, nam phong từ đó trường thịnh không suy. Túc Tông tại vị gần ba mươi năm, các đại thần không một ai dám dâng tấu xin phế bỏ lệnh này.

Mãi đến tận khi tiền triều ngày càng suy nhược, Tuyên Tông tại vị khi đó cảm thấy nam phong thịnh hành là trái với thiên lý luân thường, khiến nhân khẩu không đông đảo, tráng đinh giảm mạnh, việc đồng áng khó khăn, bấy giờ mới hạ chỉ cấm nam nam trong dân gian hôn phối. Chiếu lệnh thả nam thiếp về nhà, cấp khế trả thân, một lần nữa nhập tịch biên hộ (nhập hộ khẩu). Song pháp lệnh vẫn có ngoại lệ, Tuyên Tông không chỉ cho phép những nam tử có thân phận chính thê được tiếp tục ở lại nhà chồng, còn đặc biệt ra một đạo ân chỉ: Phàm là quan từ chánh lục phẩm trở lên, công hầu huân quý, hoàng thân tôn thất, có người tự nguyện cưới nam tử làm chính thê, cho phép tấu lên trên, ban hôn phối.

Hoàng Kim Đài [Đam mỹ - Hoàn]Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ