Chương 57: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

700 33 16
                                    

Hà Nội năm 2023 - Bệnh viện A. 

Cả người tôi đau nhức âm ỉ, tôi cố mở mắt thì ánh sáng từ ngoài rèm cửa hắt vào làm tôi ngay lập tức phải nhắm chặt mi lại.

"Dung!" Bên tai tôi vang lên giọng của một người phụ nữ trung tuổi: "Hình như bệnh nhân tỉnh rồi."

Bà ta nói: "Cháu mau kéo rèm lại, rồi ra gọi bác sĩ Hạ tới đây."

"Dạ!"

Tôi nghe thấy tiếng dép cao su quệt vô sàn gạch rất rõ, hình như cô gái tên Dung đang vội chạy đi gọi người. Người phụ nữ trung tuổi nhẹ nhàng chạm vào cánh tay tôi, hỏi:

"Phụng Dương! Nếu cháu nghe thấy tôi nói thì hãy cử động ngón tay cái."

Tôi nghe thấy nhưng không còn sức.

Đến khi vị bác sĩ tên Hạ kia đến, cô ấy vạch mí mắt tôi, kiểm tra một lượt cẩn thận và xác nhận tôi đã tỉnh lại, những người bên cạnh mới dám thở phào nhẹ nhõm.

Chiều ngày hôm đó, tôi nằm trong phòng bệnh truyền nước, bàn tay bần thần lướt tìm những thông tin về chính mình trên mạng. Năm 1293, Đạo Tái đến gặp Trần Quang Khải, xin chàng viết bài minh để chôn cùng xác của tôi.

Bài minh rằng:

Làm thiện tất hưởng phúc chừ ấy lẽ thường tình,

Có lòng nhân ắt thọ chừ trời sao không linh?

Sống làm người hiền hạnh chừ chết sẽ lưu danh,

Làm dâu cửa nhà tướng chừ đời khen phúc lành.

Thôn tên là Độc Lập chừ nơi đặt mộ xanh,

Văn chẳng xánh Hàn quân chừ dám làm bài minh.

Đại ý của nó là Trần Quang Khải khen tôi làm được nhiều điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, là quý nhân của chàng (vượng phu ích tử), chàng mong tôi sau khi chết sẽ được lưu danh muôn đời. 

Thế rồi, ba năm sau khi tôi qua đời, chàng cũng nhắm mắt xuôi tay.

Tôi nhìn xung quanh phòng bệnh chăm sóc đặc biệt, đóa cẩm tú cầu còn ướt sương sớm, trong lòng tôi khắc khoải đớn đau. Không còn được sống ở Trần Triều có lẽ đã điều nuối tiếc nhất trong cuộc đời tôi lúc này. Ở thái ấp Độc Lập tôi đã từng có tất cả yêu thương. Còn bây giờ, trở về cuộc sống hiện tại, tôi dường như là một kẻ tay trắng, không gia đình và vô cùng đơn độc.

Nước mắt tôi cứ thế rơi ra thành giọt.

Nữ y tá Dung thấy vậy thì lấy khăn giấy lau mặt cho tôi: "Chị à! Chị đừng buồn nhé. Chồng chị đang đi công tác ở Thái Lan, ngày mai anh ý sẽ đến đây."

Tôi nhìn cái nháy mắt đầy ái muội của cô ấy thì thấy khó hiểu vô cùng.

Ở đây tôi làm gì có chồng chứ? Tôi đã từng nghĩ liệu có phải mọi người nhầm Quốc Hùng là chồng tôi không, thế nên tôi đành đưa ảnh của anh ta trong điện thoại cho họ xem, nhưng ngạc nhiên là ai lấy cũng đều lắc đầu ngao ngán.

"Không phải! Chồng chị đẹp trai hơn người này nhiều."

"Tôi thực sự vẫn còn độc thân mà." Tôi cố chấp giải thích.

Rồi họ cứ nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, như thể tôi vừa bị mất trí nhớ vậy. Tôi thở dài thườn thượt rồi lắc đầu cho qua.

Qua ngày hôm sau, khi cơ thể của tôi đã dần hồi phục, tôi nóng vội, lựa lời nói với cô y tá:

"Cô à! Có thể cho cháu chuyển xuống phòng bệnh thường được không?"

Chẳng hiểu sao lúc tỉnh lại tôi đang được điều điều trị tại phòng hồi sức đặc biệt, đã thế qua miệng của các cô y tá, cái người chồng hư cấu kia còn thuê cho tôi hai hộ lý riêng, sáng chiều có người bưng cơm nước rót tới tận miệng. Cách nửa ngày sẽ có bác sĩ tới hỏi thăm sức khỏe cho tôi, phòng bệnh thì luôn sạch sẽ, thơm nức mùi hoa tươi nhập khẩu. Loại dịch vụ chăm sóc cao cấp như vậy, tiền lương tháng của tôi làm sao có thể kham nổi?

Tôi nài nỉ: "Cô à! Cô chuyển cháu xuống phòng bệnh thường được không ạ?"

Người phụ nữ kia gạt tay tôi ra, khuyên bảo: "Cháu lo cái gì chứ? Chồng cháu đã trả hết tiền viện phí rồi."

"Cháu thực sự không có chồng mà." Đây là lần thứ N tôi đã nói câu này.

"Cái bé này! Sao cứng đầu thế nhỉ? Kể cả cậu ý không phải là chồng cháu, thì cứ coi là người thích thầm cháu đi."

"Cậu ta lo hết rồi!"

Tôi nói lý: "Nhưng cháu còn không biết người ta, làm sao để người ta trả viện phí cho mình được chứ?"

Cửa phòng bệnh vẫn mở, đột nhiên một giọng nam trầm vang lên: "Có chuyện gì vậy ạ?"

Người đàn ông mặc áo măng tô đen bước từ ngoài vào. Dáng người anh ta cao lớn, sừng sững như một pho tượng, nhưng trên tay lại cầm đóa hồng vàng đằm thắm. Anh ta nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng, gò má này, ngũ quan này... có chết tôi cũng không thể quên được.

Tôi chợt nhớ về buổi chiều mưa xuân trong tàng thư các, Trần Quang Khải mặc áo bào đen, đứng thẳng lưng, một tay chắp ở phía sau. Bên ngoài liễu xanh bay thành hàng tăm tắp, hạt ngọc sương trĩu nặng từ trên phiến lá rơi xuống đám cỏ mềm, dưới ánh nhìn chăm chú của các đồng môn, y đọc lại câu ca dao:

"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Vô duyên bất tương phùng."

Vừa nói, y vừa nhìn tôi bằng đôi mắt lãng tử.

Trong khoảnh khắc, tôi đã động lòng và tưởng tượng, rồi một ngày Trần Quang Khải - chàng hoàng tử đẹp trai nhất vùng sẽ đến đón tôi cùng mùa xuân. 

Cuối cùng ngày hôm nay, y cũng tới. 

Người phụ nữ phủi tay: "Đây! Cháu bảo vợ hay người yêu cháu đi, nó cứ đòi chuyển phòng bệnh thôi. Cô đã bảo nó.."

"T-tướng công..." Giọng tôi cứ run lên từng hồi, trong lòng có hàng vạn con kiến cắn, làm tôi ngứa ngáy không ngừng. 

Người phụ nữ trung niên và Trần Quang Khải đang nói chuyện với nhau, nhìn thấy biểu cảm xúc động của tôi thì sửng sốt không thôi. Giây sau, thấy tôi hấp tấp bước xuống giường bệnh, người phụ nữ hét lên thành tiếng, còn Trần Quang Khải vội chạy tới đỡ tôi.

Tôi mới tỉnh dậy, sức khỏe vẫn còn yếu, chân vừa chạm đất thì cũng ngã khụy xuống như người không biết đi cà kheo. Thật vừa vặn tôi lại ngã vào lòng Trần Quang Khải.

Tôi ôm cổ người đàn ông kia, khóc trong niềm hạnh phúc vô bờ:

"Tướng công! Thật sự là chàng có phải không?"

"Đúng là chàng phải không?"

Tôi rối rít hỏi: "Chàng tới tìm ta có phải không?"

Cuối cùng y cũng không thất hứa.

Lai sinh chi nhật, kiếp sau này, chúng tôi đã gặp lại nhau. 

Lai Sinh Chi Nhật, Nguyện Vi Phu Phụ Như SơWhere stories live. Discover now