Xưởng gỗ nhỏ của anh Thái cách tiệm tạp hóa chúng tôi đứng khoảng bốn trăm mét, đi bộ một chút là đến. Anh Thái chủ xưởng là con trai thứ hai của cô Kiều trong câu chuyện của hai người kia, bằng tuổi anh Cường. Giống Hồng và phần lớn cư dân nơi đây, anh ta cũng là một Beta. Vừa thấy anh Cường dẫn chúng tôi tới, anh ta đã hồ hởi trèo xuống khỏi cái võng xanh giăng hai đầu cột nhà để chạy ra đón:
"Cường Sính! Lâu lắm rồi mới thấy cái mặt chó của mi!"
Hẳn là tôi đã quen anh Cường đủ lâu để biết Cường Sính này là biệt hiệu thời cấp ba của anh, với Sính là tên cha anh vì ở cái tuổi trẻ trâu ngu ngốc đó, chúng tôi đều thích lấy tên bố mẹ của nhau ra để trêu chọc. Hai người đàn ông bá vai bá cổ nhau đến là vui vẻ, song ngay khoảnh khắc anh Thái nhìn sang người bên cạnh, nét mặt anh ta lập tức tối sầm lại. Như thể biết được anh ta định nói gì, anh Cường can ngay:
"Cô Kiều gọi bọn ta đến. Bọn ta qua chào cô rồi đi ngay."
"Đi gì vội, ở lại ăn tối phải hơn không." Vẻ mặt Thái không bằng lòng như cách anh ta nói chuyện. "Cũng lâu rồi không gặp mi, bả mong lắm."
"Thôi, để cô nghỉ." Anh Cường lắc đầu cười. "Bọn ta vào nhé. Mi có đang bận gì không?"
"Bận ngủ." Thái đáp cộc lốc rồi trở về võng. "Cứ vô đi. Bả ngồi trong nhà đó. Kêu lớn tiếng lên, bả không nhìn thấy gì nữa đâu."
Sau tôi biết được, cô Kiều ở đây là cô giáo Kiều, giáo viên chủ nhiệm hồi cấp ba của cả anh Cường, anh Thái và chị Hồng. Chuyện này kể ra nghe thật hài hước, nhưng anh Cường và Thái học chậm một năm vì hai người lái xe tông vào nhau, què chân nên bỏ mất một năm học. Dè đâu hai kẻ oan gia ngõ hẹp lại được xếp vào cùng một lớp, từ đó mới trở thành anh em chí cốt như hiện tại. Mà cũng tại lớp học đó, họ gặp chị Hồng.
Khi ấy, chị Hồng không phải tên là "Hồng". Mọi người gọi chị bằng cái tên khác.
"Cô ơi, em về rồi đây ạ."
Trong gian buồng ngủ nhỏ bé, người phụ nữ già nua hom hem đang ngồi ở mé giường. Vạt nắng xuyên qua khung cửa sổ nhỏ chiếu lên sườn mặt bà, nhưng có lẽ bà không biết được khung cảnh khi ấy đẹp bình dị đến nhường nào, bởi đôi mắt bà đã nhắm nghiền lại. Bà ngoảnh đầu nhìn về phía chúng tôi, nơi mà bà cho là phát ra âm thanh quen thuộc rồi chậm chạp cất tiếng hỏi:
"...Thằng Cường đấy à?"
"Vâng ạ."
Anh Cường tách khỏi chúng tôi để tiến về phía trước. Anh quỳ gối xuống trước mặt cô Kiều rồi nắm lấy bàn tay nhăn nheo lấm tấm những vết đồi mồi của bà giáo già. Bà giáo ngồi bên cơi trầu, tay phe phẩy cái quạt, khi cười, trong miệng bà có màu đỏ thẫm của bã trầu hòa quyện màu răng đen bóng. Bà đưa tay mò mẫm đầu tóc anh Cường, sau đó gật gù:
"Đúng là thằng Cường rồi, dạo này ít tóc đi rồi hả con?"
Từ người phụ nữ tinh tường chưa một lần quên mặt lứa học sinh nào mình từng dạy, chỉ cần thoáng thấy chỏm tóc phía xa của chúng là đã có thể nhận ra; cô Kiều đã trở thành một bà lão tàn tật cả ngày chỉ có thể một chỗ bầu bạn với bóng tối, phải men theo những đường nét khuôn mặt và giọng nói trong ký ức để đoán được người đang giao tiếp với mình là ai. Ký ức về giọng nói có thể được khắc ghi trong tâm trí, nhưng không có khuôn mặt để dán mác và đặt tên, sớm hay muộn người ta cũng sẽ quên đi tất cả.
BẠN ĐANG ĐỌC
[BL Việt] Thiên hoa giữa dòng Ngân. [Hoàn thành]
Short StoryVừa trở về sau chuyến công tác dài, Cao Khánh Thi nhận được thông báo mình đã vượt qua hơn bảy trăm ngàn cán bộ Alpha của cả nước để trở thành giám sát viên cho trường hợp Enigma đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng anh sẽ làm gì đây, khi mà đối tượng Enigm...