Khi Nhã Nhĩ Cáp nói y chỉ huy, Thiệu Hoa Trì lập tức hiểu ra còn một trận đánh lớn nữa mà y cần đối đầu. Lời Nhã Nhĩ Cáp cũng có nghĩa, dù Thiệu Hoa Trì muốn tiến hay lùi, Trấn Tây tướng quân Nhã Nhĩ Cáp lão cũng sẽ cùng vinh nhục với y. Một trong tứ đại danh tướng của Tấn quốc nguyện theo y sai khiến.
Không nghi ngờ gì, ý quy thuận đã thể hiện rõ. Nhã Nhĩ Cáp trước nay luôn ở thế trung lập, lần đầu tiên mở miệng nói ra sự lựa chọn của mình. Cho nên nếu lát nữa, Thiệu Hoa Trì không mở cổng thành cho Thiệu Hoa Dương, hoặc bất ngờ phục kích, lão cũng sẽ phối hợp? Chỉ một câu nói ngắn ngủi, nhưng nếu xét thật kỹ thì là lời đại nghịch bất đạo.
Nhã Nhĩ Cáp nhìn thô kệch nhưng chẳng phải tên mãng phu.
Tội mưu sát hoàng tử bị xử tru di cửu tộc là còn nhẹ. Lão đã quyết tâm, không phá cái cũ thì không thể xây cái mới.
Ánh mắt Thiệu Hoa Trì như trải ngàn sao. Sắc cầu vồng sau cơn chiếu tỏa cuối chân trời, nhuộm lên đôi con ngươi thứ hào quang rực rỡ vô cùng.
Y và Nhã Nhĩ Cáp tướng quân cùng nhìn nhau mỉm cười. Tình hữu nghị giữa họ đã hình thành trong trận chiến sinh tử ở thành Bảo Tuyên.
Chỉ liếc nhìn đã hiểu ý người kia muốn nói.
Thiệu Hoa Trì khâm phục sự cương trực công chính của Nhã Nhĩ Cáp, mà Nhã Nhĩ Cáp cũng đánh giá cao lòng nhân nghĩa, trí thông minh của thất hoàng tử.
Thất vương đảng lại có thêm một đồng minh mạnh mẽ hỗ trợ.
Đương nhiên, Thiệu Hoa Trì có rất nhiều lựa chọn để đối phó với Thiệu Hoa Dương. Nhưng dân chúng trong thành đã phải trải qua một trận tàn sát, nhìn thấy Duệ vương thì lòng đầy căm hận. Thiệu Hoa Trì nhìn đoàn người thong thả tiến tới. Dù cách rất xa, không nhìn rõ mặt, nhưng trên chiến kỳ thêu chữ Tấn vô cùng nổi bật, màu cờ đỏ sẫm, là cờ của quân Duệ vương.
Giống như quân cua Thụy vương Thiệu Hoa Trì, chiến kỳ màu giáng hồng, lúc lâm trận có thể phân biệt được mình đang đối đầu với lính của ai.
Nhị hoàng tử được phong hào Duệ, Thiệu Hoa Trì phong hào Thụy, cách đọc khá giống nhau, điều này có ý nghĩa sâu xa. Có nhiều người phỏng đoán ý của Tấn Thành đế. Mỗi hành động của hoàng đế đều bị người dưới phân năm xẻ bảy mà nghiền ngẫm không biết bao nhiêu lần, đặt ra hàng loạt giả thiết.
Họ nói năm xưa, Duệ vương là bảo bối của Tấn Thành đế. Sau này y bị cấm túc nhiều năm, tuy đã được thả ra nhưng địa vị không thể như trước. Mà trong khoảng thời gian đó, thất hoàng tử Thiệu Hoa Trì luôn được sủng ái, một ngày cũng không suy chuyển. Thậm chí, y còn được phong hào Thụy, ý nói mang đến điềm lành, đủ thấy Tấn Thành đế đang cố ý biểu hiện, tình cảm đối với Thiệu Hoa Trì không hề thua kém Thiệu Hoa Dương năm xưa, thậm chí còn hơn.
Rất nhiều người nghĩ thế, mà thực tế cũng là như vậy. Thụy vương hưởng thụ mọi đãi ngộ mà trước kia dành cho Thiệu Hoa Dương. Nếu không có đại hoàng tử và cửu hoàng tử phía trên, hơn nữa Thiệu Hoa Trì đã bị tàn phá gương mặt, sớm chọn về phe cửu vương, thì y đã thành cái đích cho người ta soi mói rồi.