9.1 Mảnh Tối

19 5 1
                                    

***

"... Thời Đinh (968-979), nhà vua chính thức phân chia lãnh thổ thành các Quang Châu (nay là Mảnh Sáng) và Vĩnh Châu (nay là Mảnh Gương). Quang Châu lớn nhất khi ấy thuộc về tộc người Thổ Điểu, sinh sống quanh lưu vực sông Hồng, tức thành Đại La (nay là địa danh Mảnh Gương gọi là Hà Nội).

Người ở đây đặc biệt chăm chỉ học hành, làu thông kinh sử, lại yêu thích khoa học. Cũng chính là tộc người đầu tiên chế tạo ra Đốm Hạc. Cuốn Phong Châu Du Ngoạn của sử gia người Trung Quốc đời Đường, Đỗ Nhượng, có chép: 'Tộc ấy rất thích đọc sách. Coi và cất giữ sách như báu vật. Kho sách lớn của trưởng tộc chứa nhiều sách quý sưu tầm từ đời này qua đời khác, còn cử người đi khắp các nước, cũng chi rất nhiều tiền mà mua, mà sao chép lại...'

Sau này, giao thoa văn hóa sĩ phu khiến người Thổ Điểu ngày càng coi trọng sách vở, tập trung nghiên cứu, học tập.

[...]Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ ba (tức năm 1240), tộc trưởng người Thổ Điểu, Lê Minh, cho thành lập thư viện Đại Việt Nhất Tông Viện, đặt ở phía Nam của Kinh Thành, làm nơi giao du, học tập cho các học giả, sĩ tử trên khắp cả nước. Nhà sư Cao Ly là Myo Seong từng viết: 'Học thuật xứ ấy gần như tới mức cao diệu. Toán học, Địa lý học, Thiên văn học, Sử học, thứ nào cũng có người làu thông. Dân lại rất ham học. Từ ngoài phố tới trong các cửa tiệm, đâu đâu cũng có thể nghe tiếng bàn luận kinh sử, đàm đạo khoa học sôi nổi.'

Cuốn Đại Việt Thiên Sử có chép: '...Quân đội Thăng Long thiện chiến, lại áp dụng nhiều phát minh tiên tiến, biết sử dụng nội khí kết hợp với vũ khí như tên, nỏ, sức công phá mạnh hơn nhiều lần. Thăng Long Tứ Trấn, bốn vị mãnh tướng bảo vệ Thăng Long, cũng vang danh trong thiên hạ...'

[...] Người Kinh Thành quả thật đã sớm biết sử dụng khoa học vào trong canh tác, sản xuất cũng như trong chiến đấu để tăng hiệu quả công việc. Từ thời nhà Lý (1010-1226), đã thịnh hành hình thức 'du học', tức các Quang Châu đưa người tới Kinh Thành để tu nghiệp, học hỏi công nghệ.

Tới năm Thiệu Bảo thứ Năm (tức năm 1282), Kinh Thành chính thức nắm vị trí độc tôn trong các Mảnh Sáng."

- trích 'Kinh Thành – Một Thời Đại' của Đào Duy Minh, 1962 –

***

Vị trí độc tôn khi đó, không ai có thể ngờ tới ngày tàn vong.

Thế thời thay đổi, khoa học và ảnh hưởng của 'sự văn minh' từ văn hóa Tây phương khiến con người Kinh Thành đắm mình trong dòng chảy của những cái mới. Chẳng ngờ tới lúc bị hòa tan. Dòng người nhập cư ồ ạt từ các tỉnh thành cũng khiến người Kinh Thành dần quên đi bản sắc của chính mình. Con người, thiên nhiên, đất trời không còn dung hòa với nhau nữa. Các linh vật cũng chẳng còn tới bên nôi của những đứa trẻ mới chào đời. Người Kinh Thành dần quên đi sự phồn hoa một thời của họ. Những dòng họ cuối cùng mang ánh sáng từ chốn kinh kì hoa lệ năm nào trôi dạt về các Mảnh Sáng khác. Họ bắt buộc phải sống cuộc đời khép kín, giấu nhẹm đi gốc gác của chính mình nếu như không muốn chịu sự miệt thị, khinh rẻ của hàng xóm láng giềng. Những người ở lại nuôi giấu ánh sáng ngàn năm ấy, không truyền lại cho đời sau, để rồi cứ thế chìm vào quên lãng.

Thung Lũng Trong Mây [Full]Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ