***
"...Khác với các Vĩnh Châu, Quang Châu không nằm dưới sự cai quản của nhà vua, cũng không có người đứng đầu chung. Mỗi Quang Châu vận hành dưới bộ máy nhà nước riêng biệt và cũng tương đối khác biệt. Thường không can dự tới chuyện binh đao của các quốc gia.
[...] Năm Nguyên Phong thứ bảy (tức năm 1258), dưới triều đại vua Trần Thái Tông, quân đội của Đế Quốc Mông Cổ do Uriyangqatai, còn gọi là 'Cốt Đãi Ngột Lang', chỉ huy tràn xuống Đại Việt, mang theo đội 'pháp binh' hùng hậu gồm các 'Shaman', hay pháp sư Mông Cổ, hùng mạnh nhất. Không kịp trở tay, quân đội nhà Trần, dù được thao luyện binh đao kỹ lưỡng, vẫn đại bại trong trận Bình Lệ Nguyên (nay thuộc địa danh Mảnh Gương là tỉnh Thái Nguyên).
Lo lắng trước nguy cơ mất nước, đức vua đã đích thân tới gặp thủ lĩnh tối cao của ba Quang Châu lớn mạnh nằm trong địa phận nước Đại Việt khi ấy là Thiên Tụ (nay là Đỉnh Trời), Vân Hạc (nay là Lũng Mây) và Thăng Long (tức Kinh Thành). Sử sách không ghi chép lại trao đổi giữa nhà vua và các thủ lĩnh, nhưng Vân Hạc và Thăng Long, sau năm ngày đàm phán, đã quyết định mang quân giúp sức cho binh lính nhà Trần, phá vỡ tiền lệ 'an phận thủ thường' của các Quang Châu từ ngàn đời.
[...] Đội pháp binh Shaman của quân Mông Cổ hoàn toàn thất thủ dưới tay quân liên minh Vân Hạc – Thăng Long. Đặc biệt, qua trận chiến này, thủ lĩnh quân đội Vân Hạc là Ma Thanh Địch lần đầu lộ diện, mang theo Ngọn Lửa Đen – Hắc Hỏa huyền thoại của dòng họ Ma Thanh ra trận. Cuốn 'Shaman trong chiến trận' của tác giả Mông Cổ Khabul Khan ghi lại nỗi kinh hoàng của các Shaman khi ấy như sau: '...ngọn lửa đen đặc như bóng đêm, không 'cháy' mà 'chảy' cuồn cuộn, nuốt chửng tất cả những gì nó chạm vào, cho tới khi thứ đó hoàn toàn tan thành tro bụi...'
Nhà Trần đại phá quân Nguyên Mông trong trận Đông Bộ Đầu, ghi vào lịch sử kỳ tích lần đầu tiên một nước tiểu bang như Đại Việt khuất phục được vó ngựa Đế Quốc Mông Cổ....
[...] Mậu Dần, Thiệu Bảo năm thứ Nhất (tức năm 1278 sau Công Nguyên), Trần Nhân Tông Hoàng Đế lên ngôi, rất quan tâm tới việc cầm quân chống giặc ngoại xâm và dẹp yên loạn lạc trong nước. Đặc biệt hết sức chú trọng công tác bang giao với các Quang Châu trong ngoài lãnh thổ.
Trận chiến Nguyên Mông – Đại Việt lần Hai cũng chính là trận chiến chính thức đầu tiên của quân đội Quang Châu hợp thể, dưới sự chỉ huy của Vân Hạc Tướng Ma Thanh Địch và con trai Ma Thanh Đầu.
Đại Việt đại phá quân Nguyên Mông lần thứ hai, Ngọn Lửa Đen của dòng họ Ma Thanh cũng chính thức ghi danh vào lịch sử, trở thành huyền thoại của Vân Hạc, hay Lũng Mây ngày nay, từ đó..."
-trích 'Huyền Thoại Suối Đêm' của Lò Linh Đan, 1987, tái bản và hiệu đính lần 3 –
***
Trong suốt hàng trăm năm, trải qua bao binh đao loạn lạc, Ngọn Lửa Đen chính là thứ bảo vệ Lũng Mây khỏi sự xâm lăng, cũng chính nó đã đưa Lũng Mây lên vị trí độc tôn sau sự sụp đổ của Kinh Thành. Sau này, một cha xứ người Pháp trong một lần tới thăm Lũng Mây, tận mắt chứng kiến ngọn lửa kì lạ, không 'cháy', mà 'chảy' cuồn cuộn như một thứ nhựa đường, đã đặt cho nó cái tên là 'Suối Đêm'.
BẠN ĐANG ĐỌC
Thung Lũng Trong Mây [Full]
FantasíaTương truyền rằng vào đời Trang Vương nhà Chu (696-682 TCN), ở Cổ Loa có sinh ra thứ ánh sáng lạ, rải khắp đất trời. Ánh sáng nguyên thủy đó bén vào đất đá, chìm vào sông suối, thấm vào cả cây cối, muông thú, con người. Nơi nó dừng lại, làng mạc ra...