Bạn nghĩ viết nên một câu chuyện rất đơn giản? Hoặc bạn cho rằng một câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng thì chẳng có gì mà phải đi tìm hiểu về văn hóa phong tục Việt Nam hoặc thế giới? Nếu có lần nào bạn đang suy nghĩ như thế thì nên cẩn thận, vì cách nghĩ đó không phải là điều mà một "người viết" nên có.
Dù cho bạn viết bất cứ thể loại gì, bạn đều cần có một nền tảng kiến thức nhất định về bối cảnh, tâm lý nhân vật và những chi tiết sẽ xảy ra trong truyện của bạn. Thật tệ hại nếu bạn viết rằng Cà phê Capuchino có vị chát như Matcha Nhật hoặc Nhà thờ tụng kinh tiếng Phạn trong câu chuyện của mình. Tệ hại hơn, việc không tìm hiểu các vấn đề liên quan tới bối cảnh, tình tiết, mạch truyện, tâm lý nhân vật và những điều liên quan tới câu chuyện cho thấy bạn chỉ là một kẻ lười biếng không thích suy nghĩ và tư duy, chỉ chăm chăm viết bừa viết đại và thậm chí còn không có trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình.
Thông thường đối với một người viết có để tâm đến những gì mình đang kiến tạo bằng câu chữ, họ không chỉ tìm hiểu sơ qua một vài lần rồi đặt bút mà còn đi đến các bước so sánh và đối chiếu các tư liệu để chọn ra các giả thuyết, thông tin gần với sự thật nhất. Các tác giả viết truyện liên quan tới lịch sử hoặc trinh thám thường luôn phải kiểm tra nhiều lần các dẫn chứng và tài liệu do bản thân họ không phải là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mà thế giới mạng thì trôi nổi hàng ngàn những tư liệu thật giả lẫn lộn. Cách bạn tìm hiểu thông tin và đưa chúng vào truyện cho thấy sự nghiêm túc của bạn đối với đam mê viết lách.
Đơn cử như một vài truyện có chất lịch sử mà gần đây được đưa lên khá nhiều các confession để...tế sống như Thiên Hạ Kỳ Duyên của Ánh Tuyết Triều Dương, câu chuyện này trước đây khá nổi trên wattpad với gần 400.000 lượt đọc và hiện tại đang được đăng độc quyền tại Vinote.vn, tuy nhiên trong truyện tồn tại khá nhiều những vấn đề mà nổi trội có liên quan tới việc tìm hiểu tư liệu của tác giả như: Mô tả cà rốt cắt tỉa hình hoa cẩm tú cầu ở thế kỉ 15 (Trong khi trên thực tế, cà rốt bắt nguồn từ Afghanistan và du nhập vào Châu Mỹ vào thế kỉ 15 do người Tây Ban Nha mang đến, sau đó là Mỹ ở thế kỉ 16 và ở Việt Nam vào khoảng tầm thế kỉ 19); chơi đàn Nguyệt bằng MƯỜI ngón tay (muốn biết đàn Nguyệt là gì, mọi người có thể search google nhé. Và nó KHÔNG THỂ chơi bằng mười ngón tay được) cùng hàng loạt những lỗi sai chi tiết khác mà đã rất nhiều lần được kể trên các confession ném đá. Với một ví dụ cụ thể như trên, bạn cũng có thể thấy rằng nếu không tìm hiểu kĩ các chi tiết mà mình muốn đưa vào truyện thì sẽ xảy ra những tình huống dở khóc dở cười hoặc thậm chí là bị sỉ vả, chỉ trích ra sao. Dĩ nhiên, việc tìm hiểu các thông tin, tư liệu không chỉ gói gọn trong thể loại lịch sử hoặc trinh thám. Ngay cả các tác phẩm thuộc thể loại giả tưởng, viễn tưởng hay đời thường như tình cảm lãng mạn đều cần có sự tìm hiểu kĩ càng. Rất dễ dàng nhận ra được một câu chuyện có được trau chuốt hay không thông qua việc các tình tiết có hợp lý với bối cảnh hay không, tuy nhiên, rất đáng tiếc là đa số các bạn trẻ viết truyện hiện nay thường chỉ viết theo cảm tính và hứng thú chứ không thực sự để tâm vào việc tìm hiểu thông tin và xem xét lại mạch truyện của mình.
Do vậy, nếu bạn đặt bút xuống và viết câu chuyện của riêng mình, hãy một lần tự hỏi bản thân mình viết vì điều gì, và nếu điều đó thực sự quan trọng thì đừng tiếc một chút thời gian và công sức để tìm hiểu về những tư liệu liên quan cần thiết cho đứa con tinh thần của bạn.
Nếu sau khi đọc xong bài viết này mà bạn vẫn còn khá nhiều điều thắc mắc tuổi hồng không biết hỏi ai thì có thể comment câu hỏi bên dưới, hoặc gửi ẩn danh câu hỏi ở phần "Liên kết bên ngoài" trong bài viết này , mình sẽ cố gắng hỗ trợ và giải thích cho bạn trong khả năng có thể :D
https://goo.gl/lXaqDm
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
Non-FictionTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.