Khi một câu chuyện được hình thành, nó phải có đủ các yếu tố: Bối cảnh, Nhân vật, Xung đột (tình tiết). Trong đó, yếu tố quan trọng nhất ở mọi câu chuyện hay luôn là những nhân vật được xây dựng tỉ mỉ và hấp dẫn.
NHÂN VẬT – LINH HỒN CÂU CHUYỆN
Để có thể viết ra một câu chuyện hấp dẫn người đọc, các tình tiết bất ngờ và sâu sắc là điều không thể thiếu. Tuy nhiên không phải "tình tiết" là thứ quan trọng nhất trong câu chuyện như nhiều bạn trẻ mới cầm bút vẫn thường lầm tưởng, thứ quan trọng bậc nhất của một câu chuyện hay là những nhân vật được xây dựng tinh tế và sâu sắc. Nhân vật được xem là linh hồn của câu chuyện, nếu bạn có thể xây dựng được những nhân vật tỉ mỉ thì nội dung cốt truyện của bạn sẽ trở nên có chiều sâu hơn hẳn.
Nhân vật trong một câu chuyện được chia làm các loại sau dựa trên các phương diện triển khai cốt truyện, tác động của nhân vật và cấu trúc nhân vật:
Nhân vật xuyên suốt: Là nhân vật liên tục xuất hiện xuyên suốt mạch truyện từ đầu đến cuối. Nhân vật xuyên suốt có thể là nhân vật chính hoặc thứ chính, hoặc cũng có thể là một nhân vật phụ có vị trí quan trọng trong toàn bộ câu chuyện.
Nhân vật trung tâm: Thường là nhân vật chính hoặc hình tượng/biểu tượng là khởi nguồn của mọi tình tiết xoay quanh nó. Câu chuyện được mở ra bởi sự xuất hiện của nhân vật này và mọi diễn biến đều có liên quan đến nó.
Nhân vật chính: Là nhân vật đóng vai trò trung tâm, xuyên suốt và chủ đạo trong suốt câu chuyện. Nhân vật chính là người dẫn dắt độc giả bước vào và tận hưởng thế giới trong truyện thông qua các tình tiết, diễn biến của câu chuyện. Nhân vật này thể hiện quan điểm và lý tưởng của tác giả về một vấn đề cụ thể nào đó được nhắc đến như ý nghĩa xuyên suốt.
Nhân vật phụ: Là (những) nhân vật đóng vai trò quan trọng hoặc trở thành mắt xích, nút gỡ cho các tình tiết, cao trào và mâu thuẫn trong câu chuyện. Nhân vật phụ có thể xuất hiện xuyên suốt trong câu chuyện hoặc chỉ được nhắc đến trong một vài câu, tuy nhiên họ phải có sự ảnh hưởng và vai trò nhất định trong truyện, giúp nhân vật chính và câu chuyện được trôi đi một cách trôi chảy.
Nhân vật phản diện: Thường xuất hiện trong một câu chuyện với nhiều "gương mặt" khác nhau, nhân vật phản diện là nhân vật xảy ra xung đột với nhân vật chính hay nói cách khác là xung đột trực tiếp với quan điểm và lý tưởng được tác giả đề cao.
Nhân vật chức năng: Là những nhân vật không được hoặc không cần tác giả đi sâu vào nội tâm, chỉ xuất hiện trong một hoặc một vài đoạn nhất định để giải quyết một tình tiết cụ thể trong diễn tiến câu chuyện.
Nhân vật tư tưởng: Là những nhân vật thể hiện rõ nét tư tưởng của tác giả thông qua lời thoại hoặc hành động. Tuy nhiên nếu không khéo léo sử dụng thì nhân vật này sẽ trở nên thô kệch và chứng tỏ bản lĩnh của tác giả chưa đủ trình độ để khiến độc giả cảm nhận được tư tưởng.
Nhân vật được xem là linh hồn của câu chuyện bởi chúng thể hiện mâu thuẫn và quan điểm của tác giả thông qua hành động và cuộc sống của từng nhân vật. Thiếu đi nhân vật, câu chuyện không thể tồn tại và thiếu đi những nhân vật được xây dựng tỉ mỉ, câu chuyện sẽ trở nên nhàm chán và vô nghĩa. Sẽ không ai muốn đọc một câu chuyện có nhiều nhân vật na ná như nhau, không thể hiện bất kỳ tính cách rõ ràng và hợp lý nào. Quá nhiều nhân vật có tính cách giống nhau cũng dẫn đến việc thể hiện quan điểm giống nhau và hành động trong từng tình huống tương tự nhau, như vậy, câu chuyện đã mất đi sự mâu thuẫn và xung đột cần thiết để tình tiết tiếp tục trôi chảy, và cũng làm nó trở nên nhàm chán hơn.
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
NonfiksiTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.