Tư liệu là một trong những yếu tố thiết yếu cấu tạo nên một câu chuyện hấp dẫn, tuy nhiên hiện tại dường như có nhiều bạn trẻ vừa bắt đầu viết vẫn chưa biết đến sự tồn tại của tư liệu và chỉ viết dựa trên cảm hứng bản thân. Điều này rất nguy hiểm và vô hình trung khiến tác giả không thể tiến bộ lên được, đồng thời cũng làm cho câu chuyện trở nên hời hợt hơn.
Vậy thì tư liệu có quan trọng trong việc viết truyện không? Chắc chắn là có rồi. Nhưng vì sao nó lại quan trọng và mức độ quan trọng của tư liệu đối với việc viết truyện ra sao? Cái này mình cần phải ngồi gạch đầu dòng viết ra mới biết được nè.
TƯ LIỆU LÀ KIẾN THỨC
Tư liệu là những kiến thức mới mẻ và kiến thức thì được hình thành bởi tinh hoa của những trải nghiệm, sự nghiên cứu tìm hiểu của vô vàn nhân vật đã sống trong quá khứ. Trong các bài viết của mình về kinh nghiệm viết và cách viết, lúc nào mình cũng nhấn mạnh rằng để viết tốt thì các bạn cần phải có kiến thức, muốn viết hay thì lại cần sự trải nghiệm. Sự trải nghiệm được tạo ra bằng nhiều cách, nhưng thực tế phũ phàng cho thấy rằng bạn vốn dĩ không có đủ thời gian để tự mình trải nghiệm và đưa chúng vào câu chuyện. Vậy thì phải làm thế nào? - Dĩ nhiên, việc tìm hiểu và sử dụng tư liệu chính là cứu cánh và là phương pháp rút ngắn thời gian trải nghiệm một cách hữu hiệu nhất cho bạn.
Thật sự mà nói thì, có những điều chân lý và sự thật mà bạn sẽ phải mất nhiều năm mới có thể nhận ra, nhưng chỉ cần tìm hiểu và học tập từ kinh nghiệm của người khác thông qua tư liệu, bạn sẽ có thể rút gọn tất cả chỉ trong một giờ tập trung đọc. Người ta không cần quá nhiều kiến thức để tồn tại trong cuộc sống nhưng những người có tri thức chắc chắn sẽ có được cuộc sống tốt hơn, vì thế, tư liệu không chỉ là thứ giúp cho câu chuyện của bạn trở nên hay và hấp dẫn hơn, chúng còn giúp bạn sống tốt hơn và có điều kiện sống tuyệt vời hơn nữa.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA TƯ LIỆU
Dưới đây là những lợi ích của tư liệu, mà theo kinh nghiệm cá nhân của mình nếu bạn đã thử trải nghiệm và cảm nhận được, chẳng chóng thì chầy bạn cũng sẽ trở thành "con nghiện" tìm tư liệu luôn đấy chứ!
Tư liệu giúp bạn có thêm kiến thức mới: Như mình đã nói ở phần trên, các tư liệu về văn hoá - xã hội; khoa học - kĩ thuật là nguồn tri thức khổng lồ giúp bạn tiếp cận và xây dựng nền tảng kiến thức cho riêng bản thân mình. Trong số những kiến thức mới đó, không chỉ toàn là các công thức hoặc sự kiện khô khan gì đâu mà chúng còn ẩn hiện những mẩu tin, tư liệu thực sự thú vị, hấp dẫn và bất ngờ nữa.
Tư liệu giúp bạn có được trải nghiệm nhanh chóng: học hỏi qua tư liệu là một cách thông minh nhất, lưu trữ văn bản là hành động nhân văn nhất và là sáng kiến tuyệt vời nhất mà con người đã tạo ra. Những tinh tuý mà người ta phải mất hai mươi, bốn mươi, sáu mươi năm hay hơn thế nữa mới có thể ngộ ra nay đã được lưu lại trong vài (trăm) trang giấy hoặc được mã hoá để bạn có thể tiếp cận đến nhanh chóng. Dựa trên những trải nghiệm tuyệt vời đã được lưu trữ đó, bạn có thể vận dụng và biến chúng thành của bản thân mình rồi đưa vào trong câu chuyện, chắc chắn rằng những điều tinh tuý đó sẽ khiến cả câu chuyện của bạn trở nên hấp dẫn và chân thực hơn bao giờ hết.
Tư liệu giúp bạn chia sẻ kiến thức với cộng đồng: thật sự mà nói thì, chẳng có gì vui khi chơi một mình cả đúng chứ? Bản năng của con người là chia sẻ, việc bạn viết truyện cũng chính là chia sẻ và cung cấp các thông tin chủ kiến đã được thu thập thông qua các tư liệu là sự chia sẻ tích cực tuyệt vời nhất. Bạn đã nhận được các thông tin tinh hoa này thông qua tư liệu từ người khác, thế thì tại sao lại không chia sẻ nó rộng rãi hơn nữa trong câu chuyện ấn tượng của bạn?
Tư liệu giúp bạn nhìn nhận bản thân mình: Không chỉ nằm trong việc viết truyện, việc tìm hiểu và đọc các tư liệu cũng khiến bạn hiểu hơn về bản thân mình. Nghe có vẻ khá trừu tượng nhỉ, nhưng thực sự là như thế. Việc đọc và lưu trữ các tư liệu giúp bạn hình thành được tư duy phản biện và các kĩ năng cần thiết để phát triển bản thân khác, đồng thời qua thời gian đọc và tiếp thu đó, bạn sẽ dần cảm nhận được những trải nghiệm từ người khác (thông qua tư liệu) trở thành quan điểm và chủ kiến riêng của bạn. Đó gọi là sự tiếp thu và chuyển đổi. Điều này thực sự rất tuyệt vời, bạn sẽ thấy cả một chân trời mới thông qua trang sách. Đúng vậy, còn gì tuyệt vời hơn thế nữa ha?
Viết truyện là sự hư cấu dựa trên nền tảng sự thật: có rất nhiều bạn khi mới bắt đầu viết truyện ngộ nhận rằng câu chuyện bạn viết đều dựa trên sự tưởng tượng của bạn, thiệt ra không phải như thế đâu! Viết truyện là việc bạn hư cấu bằng sự tưởng tượng của bạn, nhưng lại dựa trên nền tảng sự thật (aka kiến thức thực tế) và sự thật thì luôn tồn tại trong các tư liệu về văn hoá - xã hội - kinh tế - chính trị - tôn giáo - khoa học - kĩ thuật...blah blah...Vậy đó, bạn đang sáng tạo, nhưng sẽ phải cần một nền tảng chắc chắn và cơ bản. Tư liệu chính là nền tảng đó và là nguồn cung cấp/hình thành nên nền tảng đó.
CÁC LOẠI TƯ LIỆU MÀ MỘT TÁC GIẢ CẦN CÓ
Tuỳ theo thể loại và bối cảnh truyện mà bạn sẽ cần các tư liệu liên quan khác nhau. Hãy chú ý đến thể loại truyện của bạn: các câu chuyện lãng mạn thường cần những tư liệu liên quan tới xã hội; văn hoá, các câu chuyện trinh thám lại cần nhiều hơn: về cả xã hội, vật lý, hoá học, sinh học...và với viễn tưởng thì nó lại rộng lớn hơn nữa nếu bạn muốn kiến tạo ra một thế giới chân thực nhất.
Vì thế, hãy chủ động thu thập tư liệu thông qua các kênh thông tin mà bạn có thể tiếp cận được (mà mình nghĩ là bây giờ á hả, có rất nhiều và tiếp cận rất dễ dàng luôn ấy chứ): thông qua gia đình; bạn bè; những quan sát về thế giới xung quanh bạn, thông qua các kênh truyền thông như ti vi; internet, tốt nhất là qua việc đọc sách; báo chí truyền thống, tương tác với những người tri thức; có kiến thức chuyên môn...
Lưu trữ tư liệu cũng là một hành động thông minh, hãy tìm một nơi nào đó để lưu giữ lại toàn bộ những kiến thức mà bạn thu thập được. Đừng dựa dẫm vào trí nhớ quá nhiều, nó sẽ phản bội bạn sớm thôi (như với mình vậy).
KHỐNG CHẾ TƯ LIỆU ĐƯA VÀO TRUYỆN
Thu thập tư liệu thường xuyên không có nghĩa là bất cứ tư liệu nào "hay hay" cũng có thể đưa vào trong truyện được. Bạn cần phải biết nên đưa vào truyện lượng thông tin như thế nào là đủ, đồng thời cũng nên nắm được cách đưa tư liệu vào mà không quá cứng nhắc, dồn dập.
Cách khống chế tư liệu tốt nhất là thể hiện nó qua tri thức của các nhân vật, với tần suất ổn định và giãn cách. Trách ôm đồm, "ham hố" nhét quá nhiều tư liệu vào trong truyện sẽ khiến truyện bị loãng và trở nên sáo rỗng.
Mình vẫn luôn thầm cám ơn thời đại này bởi nhờ mạng toàn cầu, mình có thể tiếp cận với các loại tư liệu đa dạng một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất. Những câu chuyện mà mình từng viết và đang viết như Tồn tại hay Thánh Chiến đều có sự hỗ trợ rất nhiều từ các tư liệu về văn hoá, xã hội, tôn giáo, lịch sử và quân dụng. Mình cho rằng nếu các bạn có thể kiểm soát tốt vấn đề tư liệu, thì trình độ viết và câu chuyện của bạn sẽ hấp dẫn hơn ít nhất là 200% luôn đấy. Hãy thử xem!
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
Non-FictionTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.