THỰC TRẠNG CỘNG ĐỒNG VIẾT TẠI VIỆT NAM
Tuy nhiên mặc dù tham gia một cộng đồng viết có rất nhiều lợi ích, nhưng hiện tại ở Việt Nam cộng đồng viết đang bị phân rã và một chiều, không hề có tương tác. Các tác giả vẫn còn đứng trong vòng an toàn của mình, họ rất thụ động trước việc tương tác với người khác và cả với việc cho đi (comment, góp ý, thảo luận viết lách...). Đa số các tác giả trẻ hiện tại đang thiếu sự đầu tư cho câu chuyện của mình, với hành động thiếu tự giác trong việc học hỏi, tìm kiếm tư liệu và kinh nghiệm từ những người xung quanh.
Hầu hết họ vẫn thường viết theo cảm xúc, viết ngẫu hứng và viết không bền. Những câu chuyện trở nên hời hợt hơn, thiếu chiều sâu hơn và xa rời thực tế hơn hẳn. Điều này dẫn đến chất lượng tác giả trẻ ngày càng kém và các thể loại truyện cũng không còn đa dạng, phong phú nữa.
Chưa kể đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa những người viết và tình trạng viết theo trend, theo thị trường và thị hiếu của độc giả mà không có sự đầu tư chỉnh chu bởi người viết. Càng nhiều các câu chuyện chứa những từ khóa Cướp – Giết – Hiếp chẳng khác gì những tiêu đề giật tít của báo lá cải, và cái mà nhiều bạn trẻ cầm bút hướng tới hiện nay là lượng theo dõi cao, lượng like/vote cao, danh tiếng nổi bật nhanh chóng chứ không còn là sự sẻ chia và cùng nhau phát triển bản thân nữa.
Trong một cộng đồng, việc tương tác và hợp tác là điều tối quan trọng trong sự phát triển tổng thể của tất cả các người viết. Nhưng tại Việt Nam, kĩ năng teamwork và tương tác của các bạn còn rất kém và vị kỷ. Điều này vô hình trung gây cản trở sự hình thành và phát triển của một cộng đồng lớn mạnh. Sự tương tác kém cũng hiển thị rõ giữa các diễn đàn – group viết lách trên mạng toàn cầu hiện tại, mặc dù xuất hiện rất nhiều trang web, diễn đàn và group viết lách nhưng các tập thể này lại không hề có sự giao lưu, tương tác với nhau. Họ sống co cụm lại trong một tập thể nhỏ bé của mình và tránh đụng chạm nhau hết mức có thể, trong khi để phát triển thì mọi người cần tiếp xúc đa dạng hơn với nhiều cộng đồng nhỏ để tạo ra một cộng đồng mới đa dạng, phong phú hơn.
Tất cả những điều trên thực tế vẫn chưa bao quát được toàn bộ hiện trạng của cộng đồng viết mạng ở Việt Nam, tuy nhiên đó là những tình trạng nổi bật và dễ nhìn thấy nhất. Dĩ nhiên, vẫn còn đâu đó những cá nhân vẫn miệt mài làm công việc chia sẻ và kết nối cộng đồng của những kẻ cô đơn, nhưng đó vẫn là một số lượng quá ít, họ cần được "nhân giống" thêm.
HƯỚNG ĐI NÀO CHO MỘT CỘNG ĐỒNG VIẾT LÁCH?
Dựa trên những thực trạng vừa được chỉ ra dựa trên quan điểm cá nhân của mình, thì việc thành lập một cộng đồng viết lách đều phụ thuộc vào sự chủ động của mỗi cá nhân. Hãy ngưng chửi rủa và than vãn, hãy đứng dậy chủ động sẻ chia. Mình cho rằng mỗi cá nhân đều có sẵn trong họ một dự án riêng về việc phát triển cộng đồng và nếu bạn có một dự án như thế, đừng ngại ngần mà triển khai nó. Dù cho bạn có cô đơn đến mấy đi chăng nữa, cứ tiếp tục tiến về phía trước và rồi bạn sẽ thấy được người đồng hành của mình. Bởi lẽ "cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ cửa là sẽ mở cho"* mà!
Mình cho rằng việc thực hiện các dự án cá nhân luôn là điều cần thiết, và dĩ nhiên, sự kết nối cộng đồng một cách chủ động từ các tác giả cũng quan trọng không kém. Một cộng đồng luôn cần có nền tảng được đắp xây từ nhiều người và lựa chọn ra những tác giả/leader có kinh nghiệm về quản lý (chứ không phải viết lách đâu hehe) là sự thiết yếu.
Một cách khá thú vị là khuyến khích các tác giả cùng ngồi lại, chia sẻ câu chuyện của mình đối với người khác và nhận lại những lời góp ý, đồng thời tác giả đó cũng phải góp ý truyện cho những người khác. Việc này thích hợp với những nhóm tác giả nhỏ tầm bốn hoặc năm bạn, và nó rất thú vị cũng như tích cực đối với việc phát triển cốt truyện và phát triển bản thân của từng tác giả.
Vẫn còn đó nhiều biện pháp và phương hướng khác nữa, nhưng mình cho rằng chúng ta vẫn nên tập trung vào sự chủ động nhiều hơn cả. Bởi lẽ nếu các tác giả - người viết cứ mãi thụ động như hiện tại thì có lập ra thêm một trăm hay một ngàn cộng đồng viết cũng là điều vô nghĩa, sự thay đổi lớn chỉ bắt đầu khi từng cá thể thay đổi cùng lúc và kết nối với nhau mà thôi.
Còn bạn, bạn sẽ làm gì để kết nối cộng đồng viết chúng ta?
*Câu trích dẫn của Chúa Jesus trong Kinh Tân ước về việc tìm kiếm Nước Trời. Ở đây mình dùng với sự ví dụ cho việc tìm kiếm bạn đồng hành trong con đường thành lập một cộng đồng viết.
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
Non-FictionTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.