XU THẾ MỚI - TỰ XUẤT BẢN (2)

376 46 3
                                    

XU THẾ MỚI - TỰ XUẤT BẢN (2)

B) Tự xuất bản sách giấy

Hình thức này đã bắt đầu xuất hiện từ lâu nhưng trong vài năm gần đây, càng nhiều tác giả quyết định tự xuất bản sách giấy và bao thầu cả phần phân phối. Điều này cho thấy thị trường xuất bản đã bắt đầu có sự dịch chuyển bởi sự chủ động hơn của tác giả.

Ưu điểm: Ưu điểm đầu tiên của hình thức này là giúp tác giả chủ động hơn trong việc đưa đứa con tinh thần của mình tiếp cận với các khách hàng tiềm năng. Các tác giả có thể tự do lựa chọn số lượng bản in và hợp tác với NXB thuê giấy phép xuất bản để nhìn thấy con cái mình nằm sắp lớp trên những chiếc kệ ở nhà sách.

Ngoài sự chủ động về số lượng bản in, tác giả còn có thể lựa chọn nguyên liệu chất lượng để cấu thành cuốn sách của mình với các vấn đề về giấy in, mực in, bìa, minh họa…mà không bị ràng buộc vào quyết định của NXB hoặc NPH sách.

Tác giả cũng có thể nắm rõ được số lượng bản in đã được hoàn thành và các địa điểm phân phối chúng, từ đó biết được doanh thu có được từ tác phẩm của mình. Hình thức tự xuất bản này cũng giúp tác giả thu lợi nhuận cho mình được nhiều hơn con số 10% như khi ký hợp đồng xuất bản truyền thống.

Sự kiểm duyệt cũng sẽ được giảm tải (tuy nhiên tác phẩm vẫn sẽ chịu kiểm duyệt từ Bộ), giúp tác phẩm tiếp cận tới độc giả với nội dung tròn vẹn hơn mà không phải bị “cắt thẻo” phân đoạn nào.

Nhược điểm: Vấn đề lớn của hình thức tự xuất bản sách giấy này là hệ thống phân phối sách trên thị trường. Đa số các tác giả không có các mối quan hệ kinh doanh với hệ thống nhà sách, hiệu sách để phân phối số lượng bản in lớn trên toàn quốc. Nhiều tác giả lựa chọn việc bán sách thông qua các kênh bán sách online hoặc tự điều hành việc phân phối sách nhưng dường như việc này không mấy khả quan. Việc phân phối sách trên thị trường là một yếu tố cực kì quan trọng sau xuất bản, nó quyết định mức lợi nhuận mà tác giả thu được cũng như mức độ tiếp cận độc giả của tác phẩm. Hiện tại ở Việt Nam có nhiều công ty agency nắm bắt được thị phần này và liên kết với các tác giả để thu lo việc phân phối.

Trước khi bắt đầu lo lắng về vấn đề phân phối sản phẩm, thì tác giả muốn tự xuất bản sách giấy cũng cần có một số vốn nhất định dành cho việc thuê giấy phép xuất bản; thuê người minh họa và in ấn. Theo kinh nghiệm có được từ một người quen của mình, thì in 300 cuốn sách tầm 200 trang giấy, với bìa sách tự thiết kế tiêu tốn của bạn khoảng 4 triệu VND, và chi phí thuê giấy phép (năm 2016) là 1 triệu đồng. Điều nên lưu ý là NXB chỉ chấp nhận in sách của bạn với số lượng ít nhất là 300 bản in thôi nhé! Đối với tiểu thuyết hoặc truyện dài, có thể số trang in sẽ nhiều hơn do vậy con số vốn bỏ ra cho việc in ấn có thể dao động từ 5 – 20 triệu tùy mục tiêu của tác giả. Chi phí cho việc marketing sản phẩm, PR, quảng cáo cũng chiếm thêm ít nhất 25% tổng doanh thu sau khi thu về lợi nhuận. Vì thế, tác giả cần phải lưu ý tính toán các chi phí rõ ràng và nhanh chóng trước khi quyết định tự in sách của mình.

Bên cạnh đó, việc lưu trữ số lượng bản in cũng trở thành một vấn đề lớn khi tác giả phải đối mặt với địa điểm kho bãi cùng với nguy cơ hư hại sản phẩm. Quá trình vận chuyển và đổi trả/chăm sóc khách hàng cũng là một vấn đề mà tác giả phải đối mặt.

Hiện nay, các tác giả bắt đầu lựa chọn hình thức này thường quyết định tự phân phối sách của mình khi đã có một lượng fans nhất định và cũng là khách hàng tiềm năng của họ. Việc chạy quảng cáo trên facebook ngày càng dễ dàng hơn cũng giúp các tác giả mau chóng đưa sản phẩm của mình tiếp cận với nhiều độc giả mới. Một vài tác giả quyết định lựa chọn tự in và lưu hành nội bộ (không thông qua NXB – không mua/thuê giấy phép XB) với số lượng ít từ 50 – 100 quyển sách dưới hình thức pre-order cũng đang dần phổ biến hơn.

(Còn tiếp)

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ