LẬP DÀN Ý CHO TRUYỆN - DỄ HAY KHÓ? (1)
Cho đến hiện tại, có rất nhiều bạn trẻ mới bắt đầu viết; thậm chí là đã có kinh nghiệm viết nhưng vẫn luôn dựa vào nguồn cảm hứng và viết lách một cách tuỳ tiện dẫn đến tình trạng writer's block hoặc drop truyện khi cảm hứng sáng tác biến mất. Để khắc phục tình trạng này, đa số các bạn viết có kinh nghiệm đều sớm nhận ra bản thân cần phải lập dàn ý cho câu chuyện của mình, không chỉ để làm hoàn chỉnh mạch truyện mà còn giúp giữ lửa viết lách để có thể đặt dấu kết cho cả bộ truyện. Thế nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể lập dàn ý cho truyện một cách tốt đẹp và hoàn hảo, bài viết dưới đây chia sẻ các kinh nghiệm lập dàn ý cho truyện dựa trên quan điểm chủ quan của người viết có thể giúp ích phần nào.
TẠI SAO LẠI PHẢI LẬP DÀN Ý?
Thông thường các ý tưởng hay ho và hấp dẫn luôn đến với tác giả theo những phương thức khó ngờ nhất, và chúng cũng giống như nước bay hơi trong không khí - rất dễ tan biến và bị quên lãng nếu như không được ghi chú lại hoặc tạo hình thành một cốt truyện hoàn chỉnh. Có khá nhiều lần bởi tâm lý muốn phô bày tất cả những điều hấp dẫn nhất của ý tưởng ra, nên mình đã bỏ qua các bước rườm rà như làm dàn ý truyện mà tiến đến việc viết thẳng những câu từ tạo hình nên thế giới của bản thân. Thế nhưng cũng chính vì thế mà tỷ lệ drop truyện lẫn việc truyện chứa nhiều plot hole gia tăng nhanh chóng, từ đó mình nhận ra rằng việc lập dàn ý cho truyện là một đièu vô cùng cần thiết và không thể lơ là bỏ qua nếu bạn mong muốn có được một câu chuyện hay và hấp dẫn.
Việc lập dàn ý cho truyện giúp bạn dễ dàng nhìn lại một cách tổng quan về câu chuyện lẫn thế giới mà bạn muốn kiến tạo, đồng thời sự lên danh sách các sự kiện xuất hiện trong thế giới đó cũng giúp bạn có thể lưu trữ ý tưởng, lựa chọn sự kiện phù hợp nhất dựa trên chiều không gian của truyện. Cốt truyện giống như một khung xương sườn nâng đỡ toàn bộ thế giới tưởng tượng, vì thế chỉ cần một khớp xương bị lỏng ra (plot hole) thì cũng sẽ khiến toàn bộ thế giới của bạn bị sụp đổ. Vì thế việc lập dàn ý này giúp bạn gia cố lại một lần nữa khung sườn và nền tảng của toàn bộ câu chuyện, giúp chúng vững vàng hơn để nâng đỡ thế giới mà bạn đã kiến tạo.
Bên cạnh việc ổn định nền tảng thế giới câu chuyện, việc lập dàn ý cũng giúp bạn dễ dàng nhìn ra được những tình tiết bất hợp lý và chỉnh sửa lại chúng dễ dàng hơn. Lúc này, sau khi đã có được cái nhìn tổng quan thì bạn cũng sẽ nhìn thấy được các tình tiết - sự kiện liên tiếp nhau theo chiều thời gian diễn ra câu chuyện, từ đó những lỗi sai hay lỗ hổng trong cốt truyện sẽ hiển thị rõ ràng trước mắt bạn để bạn có thể sửa chữa chúng.
Việc lập dàn ý cốt truyện còn giúp bạn kiểm tra lại logic mạch truyện - một trong những thứ thiết yếu giúp câu chuyện chân thực hơn và hấp dẫn hơn. Các chuỗi sự kiện liên tiếp nhau thể hiện rõ mức độ liên kết của chúng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Và dựa trên những điều đó, bạn có thể xem xét và chỉnh sửa.
Như vậy, việc lập dàn ý cho truyện giúp bạn định hình thế giới - xem xét mạch truyện và chỉnh sửa tổng thể dễ dàng hơn. Điều này sẽ rất rắc rối nếu trong quá trình viết bạn phát hiện lỗ hổng nhưng lại không biết phải chỉnh sửa từ đâu để liên kết lại toàn bộ mạch truyện, còn với việc lưu trữ một bản dàn ý thì bạn sẽ có thể nhanh chóng rà soát lại và chỉnh sửa chúng hơn.
(Còn tiếp)
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
Literatura FaktuTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.