ẢNH BÌA/MINH HỌA CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?

477 49 7
                                    

ẢNH BÌA/MINH HỌA CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?

Ảnh bìa (cover) được xem là bộ mặt của cuốn sách hoặc câu chuyện mà bạn đang viết. Nó là thứ đầu tiên đập vào mắt độc giả khi bạn giới thiệu câu chuyện của mình cho họ, do vậy, ảnh bìa là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến 80% sự lựa chọn của độc giả cho việc mua hay không mua, đọc hay không đọc câu chuyện của bạn.

Hình minh họa là các bức tranh được thiết kế chuyên biệt cho một câu chuyện cụ thể nhằm làm rõ thêm và sinh động thêm nội dung của tác phẩm đó. Hình minh họa cũng góp phần giúp độc giả cảm nhận rõ hơn biểu cảm, tình tiết xuất hiện trong câu chuyện và khiến họ dễ đồng cảm hơn với câu chuyện.

Cả hai yếu tố trên đều dần trở nên quan trọng hơn trong việc quảng bá tác phẩm của bạn trong thời đại số như ngày nay. Có những lợi ích cụ thể mà ảnh bìa, hình minh họa sẽ đem lại cho câu chuyện của bạn và cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến với cả nội dung tác phẩm nếu bạn vận dụng cách hỗ trợ này một cách cảm quan và hời hợt.

LỢI ÍCH CỦA VIỆC SỬ DỤNG ẢNH BÌA – HÌNH MINH HỌA

Hãy làm một so sánh nho nhỏ: cùng đăng một trạng thái dài hoặc một truyện ngắn với việc có và không có một hình ảnh minh họa đẹp, và có một hình ảnh minh họa chất lượng thấp không phù hợp với chủ đề trạng thái hoặc câu chuyện đó. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra các lượt tiếp cận sẽ thay đổi dựa trên việc bạn có đặt hay không đặt hình ảnh chung với nội dung bài viết, và hình ảnh có đẹp và hợp với chủ đề bạn đang nói đến hay không. Trong thời đại số hiện tại, đa số người đọc thường đánh giá nội dung của một cuốn sách thông qua Tựa và bìa sách. Họ sẽ chú ý đến những câu chuyện, quyển sách có bìa đẹp và tựa truyện ấn tượng trước nhất rồi sau đó mới đến nội dung và chất lượng sản phẩm. Đây là một hình thức tâm lý chung mà ai cũng có, do vậy, việc sử dụng ảnh bìa – hình minh họa đẹp và thích hợp với đối tượng độc giả mà bạn hướng tới là một cách làm thông minh khi muốn quảng bá câu chuyện của mình.

Hãy xem một ví dụ tiêu biểu: Giữa cuối năm 2015 và đầu năm 2016, tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử Thành Kỳ Ý bắt đầu được quảng bá, kêu gọi hỗ trợ cộng đồng (crowfunding) tiến tới việc xuất bản. Điểm đặc biệt thành công của dự án này là chỉ với những bức hình minh họa đẹp lung linh, và hầu như không có bất cứ dòng văn hoặc chương truyện xem trước nào, dự án Thành Kỳ Ý vẫn thu về hơn 200 triệu đồng và thành công xuất bản. Điều này cho thấy nội dung của một tác phẩm (Thành Kỳ Ý đã manh nha bị phát hiện những sai lệch lịch sử và sự thiếu thốn kiến thức lịch sử của tác giả từ khi bắt đầu quảng bá, đồng thời bị tố và khẳng định đạo văn xuyên suốt tác phẩm; sai lệch nhiều thông tin về văn hóa thời Lê cùng các chú giải...sau khi xuất bản) đã trở nên không còn quan trọng trước ảnh bìa và hình minh họa. Chỉ bằng những bức tranh vẽ lung linh cho truyện, Thành Kỳ Ý đã thành công xuất bản số lượng bản in khổng lồ so với các sách đầu tay của một tác giả mới: hơn 5000 bản in trên toàn quốc mà chưa bao giờ công bố chương nào trong truyện.

Lại nói đến một câu chuyện khác làm ví dụ: Nguyễn Dương Quỳnh là một tác giả chất lượng với những đầu sách được thầu bởi các NPH sách như Nhã Nam và NXB Trẻ, nội dung tác phẩm của Quỳnh đều được kiểm định và đánh dấu chất lượng từ một trong những NXB nổi tiếng và lâu đời nhất Việt Nam. Tuy nhiên độ phổ biến của Quỳnh vẫn chưa đạt đến mức độ mà cô nàng đáng phải có, tình trạng này đồng lúc diễn ra với nhiều tác giả chất lượng khác. Khi nhìn vào bìa truyện của Quỳnh (như Đỏ, Thị trấn của chúng ta, Thỏ rơi từ mặt trăng...) thì chắc hẳn ai cũng sẽ nhận ra rằng thiết kế bìa sách khá đơn giản và không thực sự hút mắt cho lắm. Tương tự với các sách truyện kinh điển của Việt Nam, dường như bìa sách của những câu chuyện này vẫn chưa thực sự bắt mắt và hợp với nội dung của chúng.

Với quan điểm cá nhân, mình cho rằng một yếu tố quan trọng góp phần tăng doanh thu và sản lượng bản in của ngôn tình, đam mỹ, tản văn lãng mạn...là bìa sách và minh họa quá đẹp, quá hợp để trưng bày và chụp hình sống ảo. Thị giác là một trong những giác quan quan trọng nhất của một con người và việc đáp ứng được yếu tố thị giác đã khiến các câu chuyện tiếp cận dễ dàng hơn với độc giả từ bước đầu tiên ánh mắt giao nhau.

Sau khi thành công đạt đến sự đồng điệu về cái đẹp qua ảnh bìa, thì minh họa của truyện cũng trở thành một trong những yếu tố khó có thể thiếu hỗ trợ câu chuyện chạm đến sự cảm thông và thấu hiểu của độc giả. Các hình minh họa về nhân vật giúp độc giả mường tượng ngoại hình và tính cách của họ rõ ràng hơn, hình minh họa về một tình tiết điểm nhân giúp người đọc hiểu rõ hơn cảm xúc và diễn biến của câu chuyện. Từ đó, việc liên kết giữa nội dung tác phẩm đến với độc giả trở nên dễ dàng hơn và tạo ra nhiều cảm xúc hơn với người đọc. Dễ nhận ra nhất là các tác phẩm Light Novel của Nhật Bản khá chú trọng tới hình minh họa, họ có ảnh bìa màu, minh họa màu và minh họa đen trắng. Họ cũng chuyển thể câu chuyện thành truyện tranh, phim hoạt hình...để tiếp cận đến nhiều thị phần hơn và thông qua đó hình thành một chuỗi doanh thu khổng lồ hơn. Các câu chuyện hấp dẫn nổi tiếng cũng thường đính kèm với nhiều hình minh họa hơn, lan tỏa cảm xúc nhiều hơn và có nhiều ấn bản minh họa riêng biệt hơn. Có thể thấy rằng, hình minh họa không chỉ giúp độc giả hiểu tác phẩm của bạn hơn, nó còn là phương tiện đắc lực để tăng doanh thu hơn cho các NXB và tác giả nữa.

SỬ DỤNG ẢNH BÌA – MINH HỌA RA SAO THÌ TỐT?

Khi đã rõ ràng về lợi ích của ảnh bìa và hình minh họa, chắc hẳn rằng bạn sẽ cảm thấy mình cần có chúng ngay lập tức. Nhưng như mình đã nói, các phương tiện hỗ trợ thị giác cho tác phẩm như một dòng sông, nước có thể nâng thuyền và cũng có thể lật thuyền. Hãy chắc chắn rằng bạn hoặc họa sĩ minh họa có thị hiếu hình ảnh tốt và nắm bắt được thị hiếu thị giác của độc giả trước khi sử dụng hình minh họa hoặc ảnh bìa đó, các quy tắc phối màu và xếp chữ, nét minh họa và sự phù hợp với tác phẩm cũng là điều quan trọng. Nếu sử dụng hình ảnh cho truyện phi lợi nhuận, bạn cần chú ý đến bản quyền của hình ảnh/stock để tránh các rắc rối có thể xảy ra đồng thời cũng cần có sự hài hòa giữa số lượng hình minh họa trong một tác phẩm, tránh lạm dụng quá nhiều gây loãng mạch truyện và khiến độc giả cảm thấy khó chịu.

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ