LẬP DÀN Ý CHO TRUYỆN - DỄ HAY KHÓ? (2)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ LẬP DÀN Ý?
Dựa trên các kinh nghiệm cá nhân, mình nhận thấy rằng có hai kiểu lập dàn ý đơn giản đều dựa trên Bối cảnh và Nhân vật - hai yếu tố chính yếu phải có trong mọi câu chuyện. Ở cách đầu tiên và dễ nhất, tác giả có thể bắt đầu từ việc lập dàn ý từ Bối cảnh và đặt nhân vật vào đó. Ở cách thứ hai, nhân vật được xây dựng tỉ mỉ cụ thể và dựa trên tính cách - quan điểm của từng nhân vật, bối cảnh sẽ được phát triển sao cho phù hợp. Hai cách này có thể phân biệt nhanh chóng bằng những từ như Dàn ý từ lớn tới nhỏ (Bối cảnh - Nhân vật) và Dàn ý từ nhỏ đến lớn (Nhân vật - Bối cảnh).
- Từ Bối cảnh đến Nhân vật:
Theo mình thì việc lập dàn ý đi từ bối cảnh đến nhân vật là cách đơn giản dễ làm nhất. Nếu như bạn vẫn chưa quen với việc lập dàn ý, sử dụng cách thức đơn giản nhất sẽ tốt hơn cho bạn. Bắt đầu từ ý tưởng ban đầu, bạn hãy viết ra các mốc chính sau:
1. Mở truyện
2. Kết truyện
3. Các mốc sự kiện chính (thay đổi toàn bộ cục diện sự kiện hoặc làm điểm mốc thay đổi các nhân vật, ảnh hưởng toàn bộ thế giới trong truyện)>
4. Định hình tình tiết phụ liên kết với các sự kiện chính
5. Viết ra các chi tiết liên kết với các tình tiết phụ
Từ đây, bạn đã có một bản phác thảo sơ bộ và tổng quan cho toàn bộ câu chuyện. Lúc này là khi bạn cần định hình thế giới tưởng tượng của bạn - Bối cảnh.
Hãy nghĩ tới các yếu tố hợp thành toàn bộ thế giới, hình thành nên một quốc gia cụ thể cho tới những phong tục lịch sử được lưu truyền qua những bản làng nhỏ bé. Chúng ta sẽ có toàn bộ các yếu tố về thời gian; lịch sử; văn hoá; chính trị; tôn giáo; con người; sinh thái; địa lý; vật lý...mọi thứ cấu thành thế giới là những thứ bạn cần liệt kê cụ thể.
Sau khi đã liệt kê ra toàn bộ những lưu ý phía trên, danh sách cuối cùng mà bạn nên làm chính là kể lại các tình tiết, chi tiết điểm nhấn cho toàn bộ câu chuyện. Tất nhiên, chúng cần phải có sự liên kết với các mốc chính mà bạn đã viết từ ban đầu.
1. Tình tiết dẫn truyện
2. Tình tiết điểm nhấn
3. Các chi tiết ấn tượng
4. Kiến thức nên/sẽ đưa vào truyện
5. Lời thoại, độc thoại, hội thoại ấn tượng
6. Các lưu ý về nội tâm, quan điểm nhân vật
7. Các lưu ý về miêu tả hành động, cử chỉ
8. Những lưu ý khác có thể nghĩ ra
Cuối cùng, điều còn lại mà bạn cần phải làm chính là thống kê lại toàn bộ các chi tiết mà mình đã ghi ra theo mốc thời gian diễn biến trong câu chuyện. Nhìn lại tổng quan một lần nữa, bạn sẽ nhận ra mình đã kiến tạo một thế giới gần hoàn chỉnh. Lúc này là lúc dàn ý truyện chứng tỏ sức mạnh của nó, bạn sẽ nhìn ra các điểm còn thiếu sót khi lắp ghép các bộ phận rời rạc của chúng lại với nhau và có thể chỉnh sửa dễ dàng.
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
NonfiksiTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.