VIẾT LÁCH CÓ CẦN PR KHÔNG? (1)
Không khó để nhận ra rằng chất lượng xuất bản của các tác phẩm văn học trẻ hiện nay đang sút giảm nghiêm trọng, trong khi đó với các tác phẩm có chất lượng hơn thường rơi vào tình trạng “chìm xuồng” trong cơn bão thị hiếu đang đổ dồn vào thể loại lãng mạn; tình cảm. Trong thời gian gần đây, mình có đọc được một bài báo nhận định rằng các tác giả “già” và tay viết có chất lượng thường bị thua kém về doanh thu và số lượng bản in so với những tác giả “trẻ” thời hội nhập. Tác giả bài viết nhận định rằng sự chênh lệch giữa hai “trường phái” sáng tác này là do các tác giả trẻ có kĩ năng marketing – PR quá tốt, họ xây dựng thương hiệu cá nhân một cách bài bản và nhanh chóng, rồi từ đó thu thập một lượng fans lớn đủ để đảm bảo cho việc xuất bản sách của họ, dù cho nội dung các cuốn sách đó vốn dĩ chưa thực sự đạt đến mức được gọi là tác phẩm văn học. Ngược lại, đối với những tác giả chuyên tâm viết lách, dường như họ chỉ luôn thể hiện bản thân mình thông qua tác phẩm được đầu tư tỉ mỉ. Những tác giả này khoáng trắng phần quảng cáo sản phẩm cho NXB hoặc NPH sách và hy vọng rằng chúng sẽ sớm tiếp cận được với số đông độc giả, tuy nhiên kết quả thì đã được kiểm chứng bởi hàng loạt những con số ấn bản ấn tượng từ các tập tản văn, truyện ngắn, tình buồn “facebook”. Đứng trên phương diện văn học, có thể những tác giả kì cựu và đầu tư nghiêm túc này có năng lực cao hơn hẳn những tác giả trẻ vẫn thường được réo tên gần đây. Nhưng đối với phương diện “kinh doanh sách”, thì họ đã bại trận toàn diện, trên mọi mặt trận.
Xuân Diệu đã nói “Cơm áo không đùa với khách thơ”, nhưng nếu khách thơ biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân, thì chắc chắn có thể đùa vui cùng cơm áo. Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm riêng của tác giả về vấn đề viết lách thì có cần PR hay không.
VIẾT VÀ PR ĐỀU LÀ NGHỆ THUẬT
Ông bà xưa thường nói rằng: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, Viết là một trong những nghề cần đến cái “nhất nghệ tinh” đó. Trong suốt quãng thời gian lịch sử của nghề viết tại Việt Nam, dường như người tác giả lúc nào cũng bị gắn liền với sự nghèo khó, khốn khổ. Họ cống hiến hết mình cho nghệ thuật và quằn quại giữa cuộc sống phũ phàng với cơm áo gạo tiền, thậm chí đến khi chết đi, tác phẩm của họ mới được công nhận. Có lẽ nhiều người cho rằng một khi đi theo ngành nghệ thuật thì đây là con đường và kết quả chẳng thể nào tránh khỏi, tuy nhiên hiện nay vẫn có những tác giả - nhà văn sống khỏe và sống được với nghề, vì sao lại thế?
Đối với mình mà nói, Viết có hai con đường để bạn lựa chọn:
- Bạn muốn đi nhanh, hãy làm cho người ta biết đến bạn trước rồi mới biết đến tác phẩm của bạn. Đây là con đường mà rất nhiều tác giả trẻ đang đi theo, không chỉ riêng ở mảng viết mà còn ở mảng truyện tranh, minh họa…Ưu điểm của con đường này là bạn có thể đạt được kết quả mình mong muốn một cách nhanh chóng, danh tiêng rất quan trọng, người ta bảo rằng “Mua danh ba vạn bán danh ba đồng”, nếu bạn có được nền móng danh tiếng vững chắc thì dù thứ bạn viết ra có là rác rưởi thì cũng có thể tạo ra doanh thu khổng lồ như thường. Hãy nhìn các tác giả ngôn tình như Đường Thất hay Lê Ngọc Linh, mặc dù số lượng phản đối tác phẩm của họ vô cùng kinh khủng và chính nội dung họ viết ra cũng toàn rác rưởi (Một thì thuần cướp – giết – hiếp, một thì là đạo văn tới từng dấu chấm phẩy) nhưng nhờ danh tiếng (hoặc tai tiếng), họ vẫn tiếp tục thu về lợi nhuận từ những thứ mà họ tạo ra. Robert Genne – Tác giả cuốn sách nổi tiếng “48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực” đã nhận định trong Nguyên tắc thứ 5 của mình: “Thanh danh là hòn đá tảng của uy quyền. Chỉ cần có thanh danh là bạn có thể hù dọa người khác và chiến thắng họ. […] Hãy bảo vệ thanh danh và uy tín thật kĩ lưỡng.”. Danh tiếng của bạn quyết định kết quả cho hành động của bạn, hãy xem một người có tiếng tăm ra sách và một kẻ vô danh, ai sẽ là người có được số lượng bản in nhiều hơn và thu về lợi nhuận cao hơn? Tuy nhiên, trò chơi danh tiếng là một trò chơi nguy hiểm, nếu bạn không thuần thục luật chơi, bạn sẽ sớm bị đè bẹp và bị dẫm nát bởi những người khác. Người trọng danh tiếng mà bất chấp tất cả chỉ có thể thu lợi trong một khoảng thời gian nhất định, và rồi cũng như Lord Byron* đã nói: “Con người thường tôn vinh những kẻ nhanh chóng lên cao trên nấc thang danh vọng, trong khi đó chẳng có thứ gì lên cao nhanh hơn là bụi, rơm và lông chim.”
- Bạn muốn đi bền, thì phải đi thật chậm. Đầu tư toàn bộ sức lực của mình vào tác phẩm và chậm rãi lan tỏa nó bằng chính chất lượng của câu chuyện đó. Đây đối với mình là cách “truyền thống” mà nhiều tác giả đã đi theo từ trước đến nay, những tác phẩm tiếp cận với người đọc trước và thông qua sự tinh túy được kết tinh bên trong đó, độc giả trở nên tò mò và tìm kiếm về người đã sáng tạo ra một tạo vật đẹp đẽ tới vậy. Qúa trình đạt tới kết quả sau cùng của những người chọn con đường bền bỉ rất chậm, họ dồn tất cả tinh hoa của mình vào nội dung tác phẩm và không đặt sức lực dư thừa của mình vào bất cứ công việc nào khác. Quyết định này có thể khiến họ trở nên khốn khổ trong một quãng thời gian dài trước khi thu được quả ngọt, nhưng tới lúc cây trái nở hoa thì người đọc sẽ dành cho họ một sự tôn trọng thuộc hàng bậc nhất.
Mỗi con đường đi đều có ưu – nhược điểm khác nhau, và tùy theo cách vận dụng của bạn thì kết quả đạt được sẽ khác nhau hoàn toàn cho mỗi người ứng dụng. Nhưng mình cho rằng trong thế giới số hiện nay, cách làm truyền thống sẽ không còn có nhiều ưu điểm như trước được nữa, nếu muốn tiếp cận được độc giả thì bạn phải xây dựng một bộ mặt thương hiệu cá nhân thật tốt và vững chắc trước cái đã. Dĩ nhiên, mình không khuyến khích các bạn đi theo con đường của những tác giả trẻ như Anh Khang, Iris Cao hay Born, Nguyệt Nguyệt…Con đường mà họ đi rất ngắn và nhanh để nổi tiếng và thu lại lợi nhuận từ chút ít công sức bỏ ra, nhưng nó cũng sẽ chóng tàn như quỳnh nở trong đêm. Để đạt được kết quả cuối cùng, bạn phải hiểu được, nắm rõ và vận dụng nhuần nhuyễn cả hai con đường được nêu trên và thiết lập thời gian phù hợp để có thể đi bằng cả hai cách.
Nhưng bạn cũng nên nhớ rằng: Đi nhanh không bằng đi bền. Xây dựng thương hiệu cá nhân là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là sự hoàn thiện bản thân và kĩ năng viết lách, hãy học cách vận dụng và xây dựng cả hai nền móng cùng lúc để có được hiệu quả tốt nhất.
(Còn tiếp)
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
Kurgu OlmayanTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.