SÁNG TẠO CỐT TRUYỆN - DỄ HAY KHÓ? (1)

638 82 0
                                    

SÁNG TẠO CỐT TRUYỆN - DỄ HAY KHÓ? (1)

Như mình đã từng nhắc đến trong bài viết "Truyện của bạn có thực sự hay?", một câu chuyện hoàn chỉnh bao gồm 5 yếu tố: Cốt truyện - Bối cảnh - Lời thoại - Nhân vật và Phong cách, tất cả những yếu tố này được phối hợp với nhau nhuần nhuyễn để tạo ra sự hấp dẫn của một câu chuyện hay. Lần này, mình muốn chia sẻ và thảo luận thêm về quan điểm của mình trong việc sáng tạo ra một cốt truyện đủ "tiêu chuẩn" để hấp dẫn và níu giữ người đọc lại với truyện của bạn.

Tất cả những thông tin trong bài viết đều được dựa trên quan điểm và kinh nghiệm viết truyện còn non yếu của mình, mình rất hoan nghênh các bạn cùng vào thảo luận và tranh luận các biện pháp sáng tạo cốt truyện hợp lý và hấp dẫn hơn.

XUẤT PHÁT ĐIỂM - Ý TƯỞNG
Ý tưởng là một thứ vô chừng, xuất hiện ở khắp nơi. Nó giống như không khí xung quanh người viết nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra chúng, ý tưởng là xuất phát điểm đầu tiên giúp người đọc hình thành và kiến tạo nên một thế giới khác của riêng họ. Những ý tưởng thường rất đơn giản và ngắn gọn, nó bao quát toàn bộ thế giới sắp được hình thành của bạn vào đó bằng một câu duy nhất: người anh hùng chống lại quỷ vương, chuyện tình trắc trở giữa hai cô gái đáng thương, hay Nhân vật chính là một gã lừa đảo xấu xa...đại loại thế. Bắt đầu từ sự đơn giản tối đa và mang tính khái quát này, các yếu tố xung quanh bắt đầu được tạo dựng và hình thành rõ ràng hơn từng chút một. Ví như việc bạn viết về Nhân vật chính là một gã lừa đảo xấu xa, từ ý tưởng đơn giản như thế này bạn sẽ phải thiết kế tính cách và tiểu sử nhân vật để thể hiện cái xấu xa và lý do vì sao hắn lại trở nên xấu xa cùng các nhân vật có mối liên kết xung quanh hắn - đây là việc cấu thành yếu tố Nhân vật. Kế đến, bạn phải sáng tạo cho hắn một thế giới mà ở trong đó có thể làm nổi bật ra tính cách và bản chất xấu xa của nhân vật đó - đây chính là Bối cảnh. Hành động và lời nói của nhân vật được tác động qua lại thông qua việc dẫn dắt tình tiết xuyên suốt truyện - chính là Lời thoại. Và còn lại Phong cách, nó sẽ được hình thành dần dần thông qua mức trưởng thành trong khi viết của bạn.

Nói cách khác, Ý tưởng hay cốt truyện là một xuất phát điểm quan trọng nhưng lại vô cùng đơn giản và khái quát. Một ý tưởng độc đáo có thể làm tiền đề phát triển một cốt truyện hay, vì thế hãy học cách chọn lọc ý tưởng một cách kĩ càng. Ý tưởng có thể đến với bạn ở khắp mọi nơi, nhưng chúng sẽ thường xuất hiện nhiều nhất khi bạn tiếp thu được kiến thức mới. Đúng thế đấy, mỗi lần bạn tiếp nhận một tri thức mới mẻ, ý tưởng sẽ được liên kết giữa kiến thức mới và cũ, hình thành ra một thế giới mới mà nơi đó bạn được gọi là Đấng sáng tạo. Vì thế nếu có thể, hãy cố gắng hình thành thói quen đọc và tìm hiểu các kiến thức mới, cũng như tập luyện việc tư duy cá nhân để có thể sàng lọc ra những ý tưởng chất lượng nhất cho câu chuyện của bạn.

TÌNH TIẾT - LOGIC
Khi đã có được ý tưởng trong tay (hoặc trong đầu), thì điều tiếp theo mà bất cứ người viết nào cũng sẽ thực hiện theo bản năng chính là làm khung sườn cho ý tưởng đó. Nếu so sánh với cơ thể người thì ý tưởng cũng giống như một bào thai vừa mới thành hình, việc đắp vào các tình tiết mạch dẫn cũng như đưa nguồn máu nuôi sống và bồi dưỡng thai nhi đó vậy. Càng được bồi dưỡng nhiều và kĩ lưỡng bởi những nguồn cung cấp dồi dào nhất, ý tưởng sẽ ngày càng phát triển và thành hình nhanh chóng. Ví như bắt đầu từ ý tưởng Nhân vật chính là một kẻ lừa đảo xấu xa, bạn có thể đưa ra các tình tiết mới dưới dạng câu hỏi và trả lời chúng như: Nhân vật chính xuất hiện như thế nào? Ai là người bị hắn lừa đầu tiên? Hắn đã lừa người khác như thế nào? Kết quả của cuộc lừa đảo ra sao? Hắn có tiếp tục đi lừa đảo không hay bị bắt, hay hối cải?...từ những câu hỏi tương tự, người viết có thể dần dần nảy ra thêm các tình tiết thêm thắt vào cho ý tưởng thông qua việc suy nghĩ và trả lời từng chút một. Khi các tình tiết chính yếu đã được trả lời đầy đủ, đây là thời điểm mà bạn có thể xem lại và chỉnh sửa những gì chưa thực sự hợp lý và logic. Hãy hiểu rằng logic là một thứ không thể thiếu trong mọi thể loại truyện lẫn trong đời sống, bất cứ việc gì cũng cần được lý giải hợp lý và dễ hiểu. Vì thế các tình tiết trong câu chuyện phải được hợp lý hoá và liên kết lại với nhau để tạo ra một khung sườn mạch lạc, hấp dẫn.

Tiếp tục đặt các câu hỏi cho những điều mà bạn vừa nghĩ ra và tiếp tục trả lời chúng, hãy phản biện lại bản thân ngay khi có thể vì chính lúc đó là lúc bạn đang luyện tư duy cá nhân cho chính mình. Việc đặt câu hỏi - trả lời - phản biện là một trong những phương pháp đơn giản và thú vị nhất nhưng lại mang đến kết quả tốt nhất, hợp lý nhất để tạo ra một câu chuyện hấp dẫn của riêng bạn.

NHÂN VẬT - BỐI CẢNH
Nhân vật và bối cảnh là hai yếu tố gắn bó keo sơn với nhau và không thể nào tách rời. Chúng thường được xây dựng cùng lúc với nhau để tạo sự đồng bộ cho toàn câu chuyện, nhưng xét về thứ tự thì thường có hai cách để mình xây dựng hai yếu tố này: Một là xây dựng nhân vật trước - bối cảnh sau, Hai là xây dựng bối cảnh trước - nhân vật sau. Từng có một vài tranh luận về việc nên để bối cảnh trôi theo nhân vật hay nhân vật trôi theo bối cảnh, nhưng đối với mình mà nói thì cả hai đều phải kết hợp với nhau chặt chẽ và chẳng yếu tố nào phải phụ thuộc vào yếu tố còn lại cả. Các bạn có thể lựa chọn cách phù hợp nhất cho bản thân để sáng tạo ra thế giới mới của riêng mình.

Đối với cách đầu tiên: xây dựng nhân vật trước, bối cảnh sau thì các bạn có thể bắt đầu bằng những câu hỏi về nhân vật, từ việc hình thành tiểu sử các nhân vật mới tiếp tục đặt câu hỏi về bối cảnh nơi nhân vật được hình thành đó. Như mình đã nói, một quy luật đơn giản bất biến và đầy hiệu quả: Đặt câu hỏi - trả lời - phản biện. Nhân vật càng được xây dựng kĩ lưỡng, bối cảnh lại càng trở nên chân thật hơn và rõ ràng hơn, dẫn đến việc các tình tiết sẽ mạch lạc và xuyên suốt hơn.

Cách thứ hai có vẻ thường được lựa chọn nhiều hơn do tính chất từ vĩ mô xuống vi mô của nó, và cũng đơn giản hơn, nhưng lại tốn nhiều thời gian hơn: tạo ra một thế giới có cấu tạo tiêu chuẩn, rồi quẳng nhân vật của bạn vào đó. Bối cảnh sẽ bắt buộc nhân vật phải hành động để phù hợp và nếu chúng bị chỏi nhau, chỉnh sửa tại đó. Cứ thế làm đến khi hoàn thành câu chuyện của bạn. Cách thứ hai giúp bạn nhanh chóng định hình được tính cách nhân vật để diễn tả nội tâm và hành động của họ trong câu chuyện, nhưng lại mất nhiều thời gian hơn để chỉnh sửa và khớp lại hai yếu tố bối cảnh và nhân vật.

Về cơ bản, cả hai yếu tố trên đều trở thành những điểm nhấn giúp câu chuyện của bạn trở nên nổi bật hơn so với mặt bằng chung cùng thể loại. Vì thế đừng tiếc thời gian để xây dựng chúng một cách kĩ lưỡng và tỉ mỉ.

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ