SÁNG TẠO CỐT TRUYỆN - DỄ HAY KHÓ? (2)
KẾT THÚC
Có nhiều loại kết thúc cho bạn lựa chọn: Happy End, Bad End, Sad End, Open End...tuỳ theo bạn muốn để lại ấn tượng truyện sâu đậm trong lòng độc giả đến đâu và nó có phù hợp với toàn tổng mạch truyện của bạn hay không. Có người cho rằng những cảm xúc tiêu cực thường gây tác động mạnh mẽ tới cảm xúc người đọc hơn và Bad hoặc Sad End sẽ tạo ra hiệu ứng ghi nhớ tốt hơn, một số khác mà mình quen biết khẳng định với thể loại đặc thù như Phiêu lưu hay Kinh dị thì Open End sẽ là một lựa chọn tốt. Mình không phủ nhận các loại Ending dường như đã khá quen thuộc với khán giả và người đọc nhưng điều mà mình (và mình cho rằng) cùng bạn nên hướng tới một Reasonably Ending (haha). Một kết thúc đủ khiến người đọc cảm thấy khớp nối với các tình tiết đã diễn ra trước đó và đủ để lắng đọng lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả là một kết thúc hoàn hảo nhất. Luôn đảm bảo tính hợp lý và liên kết giữa mở đầu - nội dung và kết thúc là cách bạn bày tỏ sự tận tâm của mình cho câu chuyện, hãy xác định rằng kết thúc đó là sự ổn định và phù hợp nhất cho diễn biến của tổng thể câu chuyện cũng như thích hợp với diễn biến tâm lý của nhân vật.ĐIỂM NHẤN - Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN
Không có bất cứ câu truyện hay nào là vô nghĩa, những câu chuyện sáo rỗng thì chỉ nên được cất dưới đáy hòm (đấy là trong trường hợp nhà bạn có hòm). Ý nghĩa xuyên suốt được nhắc đi nhắc lại trong truyện dưới dạng chuyển biến tâm lý và quan điểm của các nhân vật sẽ trở thành điểm nhấn chính cho truyện của bạn, hãy chắc chắn rằng những nhân vật của bạn sống có mục đích trong thế giới mà bạn tạo ra và thông qua các tình tiết trong truyện, họ dần trưởng thành hơn để đưa ra câu trả lời hợp lý cho câu hỏi ở đầu truyện. Hãy tưởng tượng rằng mỗi câu chuyện là một chuyến du trình trong con đường tìm kiếm bản ngã và cố gắng trưởng thành của các nhân vật lẫn chính tác giả, một câu chuyện kết thúc mà không có gì được rút ra là sự vô nghĩa và bất lực của người viết. Hãy chắc chắn rằng mọi thứ bạn tạo ra đều mang theo một sự sống với giá trị nhất định, điều này sẽ lắng đọng lại trong lòng độc giả để có có thể chấp nhận, ủng hộ hay phủ định, phản biện lại quan điểm mà bạn đưa ra trong truyện.Các tìm hiểu và học hỏi tốt nhất là nhìn vào những người đi trước, những câu chuyện của các tác giả nổi tiếng thường gây ra tranh luận sôi nổi về một nhân vật hoặc ý nghĩa tổng thể, hay ít nhất là để lại cho người đọc cảm giác bứt rứt về một quan điểm được đưa ra trong truyện. Ví dụ như Lolita của Vladimir Vladimirovich Nabokov, hay các câu hỏi nhân sinh được đặt ra trong các tác phẩm Thánh giá rỗng, Ngôi nhà của người cá say ngủ, Bạch dạ hành của Keigo, hoặc kinh điển nhất, là tác phẩm Utopia của Thomas More khiến độc giả vừa đồng tình lại vừa muốn phản biện từng câu chữ của ông thể hiện một thế giới địa đàng trong cuốn sách. Tất cả những quan điểm của tác giả đều được đưa ra một cách xuyên suốt trong tác phẩm của họ và thông qua đó, tạo ra điểm nhấn khó lẫn lộn và không thể xoá nhoà trong lòng độc giả.
KIẾN THỨC - TRẢI NGHIỆM
Hiện nay, độ tuổi có thể viết lách đã được hạ thấp tới mức đáng kinh ngạc: 10 - 12 tuổi với đa dạng thể loại. Nhưng theo quan điểm cá nhân của mình, các tác phẩm hay thường rơi vào độ tuổi của người viết từ 20-30 tuổi. Lúc này, trải nghiệm sống của các cá nhân bắt đầu hình thành rõ nét hơn so với lứa thanh thiếu niên và bằng những kinh nghiệm, kiến thức thu thập được, họ mới có thể sáng tạo ra những câu chuyện hấp dẫn và bổ ích đối với người đọc. Mình không cho rằng lứa dưới 20 tuổi nên ngừng viết, bạn nên tập viết càng sớm càng tốt, nhưng đồng thời cũng nên hiểu rằng trong cùng một thể loại, sẽ có sự khác biệt RẤT LỚN đối với người có kiến thức - trải nghiệm và người không có. Vì thế với lứa dưới 20 tuổi, mình cho rằng các bạn nên tận dụng mọi thời gian có thể để tiếp cận và thu thập nhiều hơn những kiến thức và trải nghiệm sống. Sự thể hiện kiến thức và sự trải nghiệm của người viết bên trong tác phẩm rất dễ nhận ra và từ chính việc này cũng tạo ra phong cách đặc trưng của tác giả đó, và để có thể hình thành nên một phong cách cho riêng mình thì việc rèn luyện tư duy, quan điểm và trải nghiệm sống là bước bắt buộc của mỗi người viết trong quá trình sáng tạo ra một cốt truyện hay và hấp dẫn.Trên đây là những quan điểm và suy nghĩ của mình trong việc sáng tạo ra một cốt truyện hay và hấp dẫn đối với người đọc, hy vọng rằng những chia sẻ trên có thể giúp ích được cho các bạn viết trẻ phần nào trên con đường rèn luyện, nâng cao trình độ và kĩ năng viết của bản thân mình.
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
SachbücherTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.