Những điều truyền thống dường như không được để trọng nhiều lắm trong thời đại hiện nay, và các quy tắc, luật lệ xưa cũ dần dà bị đập bỏ. Không ít lần mình nhìn thấy những người trẻ cho rằng truyền thống quá cổ hủ và họ khao khát đi tìm - sáng tạo những thứ mới mẻ. Trong việc viết lách cũng vậy, những người viết trẻ nhanh chóng cập bến với nhiều phương tiện - phương thức thể hiện bản thân thông qua con chữ và cho rằng những người yêu cầu sự truyền thống - căn bản trong việc viết văn là thủ cựu, cổ hủ. Theo như một lời than thở từ vài người bạn của mình hay nói: “Sao đa số các bạn trẻ ngày nay trở nên sính ngoại quá”. Nhưng, có thực sự truyền thống và nền tảng căn bản đang dần trở nên vô dụng trong các mảng ngành ở hiện tại, trong đó có cả việc viết văn hay không?
TRUYỀN THỐNG LÀ KẾT TINH CỦA KINH NGHIỆM
Không phủ nhận rằng sự phá cách và sáng tạo là điều kiện tiên quyết để phát triển, dù là trong mọi ngành nghề nào đi chăng nữa. Nhưng các bạn trẻ cũng chớ quên rằng chính thứ các bạn cho rằng đó là truyền thống cổ hủ - cũng từng là những cách tân mang tính thời đại ghi dấu xuyên suốt qua thời gian. Các quy chuẩn viết, kĩ năng viết và hiệu ứng trình bày đều được bắt đầu từ con số 0 đi lên và trở thành nền tảng được dạy dỗ cho các thế hệ sau này. Cũng giống như việc xây dựng một tòa nhà cao tầng, tầng cao nhất là nơi mà các bạn hướng tới, tầng trung bình là chỗ mà các bạn đang đứng, vậy thì nền móng và các tầng trụ bên dưới là gì? Đúng vậy, chính là những giá trị truyền thống và nền tảng căn bản trong viết lách mà các bạn vẫn thường cho rằng thủ cựu đấy thôi.
Để có được một nền tảng vững chãi như hiện tại, ngôn ngữ và cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt đã phải trải qua nhiều quá trình phát triển. Giống như vàng được thử lửa, những gì bạn sử dụng để viết lách hôm nay là những thỏi vàng nguyên chất được thử qua lửa của thời gian, văn hóa và lịch sử. Liệu có ai dám nói rằng họ vẫn có thể tiếp tục viết lách mà không cần đến nền tảng đã được dựng xây từ trước hay không?
Tương tự như vậy đối với các ngành nghề khác: âm nhạc, phim ảnh, các phong tục văn hóa...và nhiều thứ khác nữa. Như một dạo ca sĩ nào đó khẳng định rằng: “Già trẻ lớn bé mà đắm đuối trong bolero là sự thụt lùi trong âm nhạc.”, nhưng liệu không có quá trình phát triển của bolero, thì nhạc Vpop có được sáng tạo và trở nên phổ biến? Nếu không bằng đầu từ nền dân ca và niềm yêu âm nhạc của toàn thể dân tộc, liệu người dân có tiếp tục tiếp nhận các luồng nhạc mới và liệu việc thiếu nền tảng có giúp những ca sĩ - nhạc sĩ trẻ sáng tạo thêm các cung bậc ngọt ngào như hiện tại? Chắc chắn, là không rồi.
Xem thường và chối bỏ truyền thống hoặc nền tảng căn bản như ngữ pháp, quy tắc tiếng Việt là một sự phỉ báng vào chính mình. Đúng rồi á, bạn không hề chê bai truyền thống đâu á nè, bạn đang tự vả vào mặt mình bởi chính lời nói chê rằng các nền tảng căn bản và truyền thống trong việc viết văn là cổ hủ ý. Không có nền tảng, bạn sẽ không làm gì được cả. Và không có truyền thống, cũng chẳng có hiện đại luôn á nè. Sự thông minh của những người đi sau chính là học hỏi và sáng tạo dựa trên những kết tinh của dòng người đi trước, lúc đó, sự sáng tạo của bạn mới được đề cao khi bạn hiểu và thực sự tôn trọng những thứ “cổ hủ, thủ cựu” này.
TRUYỀN THỐNG GÌN GIỮ BẢN SẮC CON NGƯỜI
Mình nhớ đã từng nói tới vài lần về việc nghệ thuật bộc lộ bản chất của người tạo ra nó, với viết văn cũng vậy. Đôi lúc liệu những bạn trẻ luôn lên tiếng chê bai văn hóa truyền thống có bao giờ tự hỏi, tại sao các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hay Nga, Pháp, Ý lại trở nên nổi tiếng như thế không? Bạn có thấy sự tương quan giữa những nước này trong hình ảnh được trưng ra cho thế giới không khi: Nhật Bản là Sushi và Kimono, Hàn Quốc có Kimchi với Hanbok, Trung Quốc là Hán phục cùng Vạn lý trường thành, nước Nga nổi tiếng về đồ sứ và búp bê, Pháp lại được ấn tượng bởi sự lãng mạn của con người và kiến trúc nước này, Ý lại nổi danh với điêu khắc và tôn giáo...Nghe qua thì không có sự đồng nhất, nhưng bạn có để ý rằng những điều làm những nước trên nổi tiếng, thu hút hàng ngàn du khách đều thuộc về sự tinh túy đúc kết qua lịch sử văn hóa, và được thể hiện trọn vẹn với sự gìn giữ cẩn trọng của lớp người thế hệ sau này không?
Văn hóa truyền thống và nền tảng tiếng Việt, những thứ đang là điều cổ hủ đối với bạn cũng từng được gọi như sự cách tân trong quá khứ. Những điều xưa cũ đó chiếm lấy một phần dài linh hồn người Việt, và hòa lẫn trong từng con người thời hiện đại. Chúng thể hiện qua cách mà bạn sống, những cư xử mà bạn quyết định làm, qua lời văn bạn viết và tồn tại trong cả từng câu chuyện mà bạn đã nghĩ ra nữa. Một phần nào đó của “truyền thống” nằm đó, lặng lẽ như thinh không nhưng nồng nàn và ngày càng mặn mà với thời gian. Những điều xưa cũ đó nằm trong con người bạn, dù bạn có chối bỏ nó đến thế nào.
SỰ LIÊN KẾT GIỮA VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VỚI VIẾT LÁCH
Như mình đã nói, không có căn nhà nào vững chãi mà không cần đến nền móng. Việc viết lách cũng như vậy, nhiều bạn trẻ gần như vứt bỏ mọi quy tắc tiếng Việt để đâm đầu vào thực hiện những điều mà các bạn cho rằng đó là sự sáng tạo, nhưng liệu nó có thật là sáng tạo không khi bạn còn chưa hiểu được vì sao những điều “cổ hủ” kia được thiết lập thành “quy chuẩn”?
Mình cho rằng sự sáng tạo đến từ nền tảng và sự thấu hiểu nền tảng, bạn càng hiểu rõ về một vấn đề thì bạn sẽ nhanh chóng phát triển ra những phương cách khác để giải quyết vấn đề đó. Cũng giống như việc vẽ: Để vẽ ra một cô nàng xinh đẹp, bạn phải hiểu được về cấu trúc cơ thể và khung xương của một con người hoàn chỉnh. Để vẽ được một bức phong cảnh thành thị chuẩn xác, bạn phải hiểu được cấu trúc bố cục, góc quay và hướng sáng. Thì viết văn cũng như thế: để viết ra một câu chuyện hay, bạn phải biết cấu trúc cơ bản của một câu chuyện. Để tạo ra những câu văn đẹp và sâu, bạn phải hiểu rõ ngữ pháp và từ vựng tiếng Việt. Khi đã nắm chắc nền tảng rồi, bạn muốn sáng tạo hay phát triển thêm, ai cũng sẽ đều ủng hộ.
Vậy đó, nền tảng căn bản là sự kết tinh của vô vàn điều nỗ lực trong quá khứ, và là tiền đề cho sự phát triển của tương lai. Viết không có nền tảng giống như kẻ mù đi trong ánh sáng, có nguồn sáng bao quanh mà chẳng bao giờ nhận ra được sự ấm áp của mặt trời. Mình không chê bôi những bạn cố gắng phá cách hoặc đi tìm những điều khác biệt, bất cứ ai cũng khao khát trở nên đặc biệt và tỏa sáng. Nhưng trước khi đặc biệt và tỏa sáng, mình hy vọng rằng các bạn sẽ tôn trọng những gì thuộc về những ngày xưa cũ hơn, và sáng tạo trên sự gìn giữ những truyền thống đẹp đẽ đã vững bền tồn tại qua năm tháng đó.
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
SaggisticaTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.