VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐỌC TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN VĂN HỌC TRẺ VIỆT NAM
Bất cứ một vấn đề nào cũng có ít nhất hai mặt, một mối quan hệ muốn bền vững phải có sự cho - nhận giữa đôi bên, trong văn học mạng nói riêng cũng vậy. Chỉ một phía tác giả không thể tạo thành nền văn học phát triển, ngược lại nếu chỉ có cầu nhưng không có cung thì chẳng thể nào khiến văn hoá đọc lên ngôi. Ở các phần trước, mình đã nói tới các vấn đề mà những tác giả trẻ thường gặp phải cũng như đưa ra các quan điểm chủ quan về tình hình sáng tác văn học mạng tại Việt Nam, lần này mình sẽ chỉ ra các vai trò đặc biệt và tối quan trọng mà người đọc - chính là các BẠN, sẽ mang lại cho sự phát triển của văn học trẻ Việt Nam. Tất nhiên, vẫn là trên quan điểm cá nhân và mình khuyến khích mọi sự tranh luận - góp ý.
ĐỘC GIẢ - THỊ TRƯỜNG BẮT BUỘC PHẢI CÓ
Dùng từ "thị trường" có vẻ hơi vĩ mô, nhưng thực tế thì người đọc là một nhân tố trọng yếu để hình thành nên "thị trường văn học" và "thị trường xuất bản". Nếu không có độc giả, các cuốn sách và câu truyện không thể được chia sẻ và khó mà xuất bản, ngành xuất bản cũng không được hình thành và cũng sẽ không tồn tại nền văn học hay văn hoá đọc gì nữa. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa Tác giả - NXB - Độc giả vô cùng mật thiết, nếu thiếu một trong ba thì sẽ không hình thành được ngành xuất bản và cũng không thể đưa văn hoá đọc hay nền văn học trẻ phát triển được.Độc giả cũng là nguồn thu lợi nhuận cho tác giả và các NXB - nói theo một cách đùa vui thì người đọc chính là dòng tiền chảy vào túi NXB và tác giả; là doanh thu tác quyền và là "con mồi" trong tay những "thợ săn" trong ngành xuất bản.
SỰ ĐỘNG VIÊN VÀ NGUỒN GÓP Ý HOÀN HẢO
Bất cứ tác giả nào khi chia sẻ câu chuyện của mình đều mong muốn nhận được càng nhiều phản hồi càng tốt, và độc giả là người trực tiếp tương tác với người viết để thông qua đó gián tiếp hoàn thiện câu chuyện của họ. Sự tương tác của độc giả cũng là nguồn động viên cực kì to lớn đối với người viết, lượng tương tác càng nhiều thì động lực viết lách của tác giả càng cao và nhanh chóng.Sự góp ý của độc giả cũng mang lại hai mặt ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với tác giả, nói một cách tương đối thì ý kiến và quan điểm của độc giả cũng sẽ phần nào tác động đến người viết và làm chệch hướng câu chuyện nếu lý trí của tác giả không vững chắc. Các cuộc tranh cãi cũng sẽ dễ xảy ra nếu quan điểm đôi bên đối chọi đi kèm với sự bồng bột của tuổi trẻ, dẫn tới nhiều chuyện không hay khác. Nhưng về mặt nào đi nữa thì sự tương tác này vẫn mang lại lợi ích tối đa cho tác giả trong con đường viết lách.
GIÁN TIẾP ĐỊNH HƯỚNG THỂ LOẠI VĂN HỌC TRONG THỊ TRƯỜNG
Thị hiếu của độc giả cũng là nguyên nhân gián tiếp định hướng thị trường xuất bản. Hai tác nhân NXB và Độc giả thường tương tác qua lại lẫn nhau hình thành nên thị hiếu và "trend" văn học, dẫn tới việc nền văn học trẻ có thể phát triển nhanh chóng đa dạng hay bó hẹp trong một thể loại nhàm chán nhất định. Như mình đã nói ở phần "Tác giả - cầm cương chứ không chạy đuổi", thị hiếu của độc giả chiếm vị thế quan trọng tác động tới thể loại đầu tiên các tác giả lựa chọn và phát triển mình trong thể loại đó. Độc giả cũng gián tiếp định hướng motif ưa thích và từ đó hình thành các câu chuyện theo motif đó, để dễ hiểu hơn, hãy nhìn vào các dòng "thể loại" của ngôn tình: bắt đầu từ Phúc hắc, tới Tổng tài, tới Xuyên không, rồi sang Nữ phụ...kéo theo là hàng loạt câu chuyện do tác giả trẻ viết theo motif này xuất hiện ngày một nhiều...TÁC GIẢ CHÌM HAY KHÔNG CHÌM LÀ DO ĐỘC GIẢ TÁC ĐỘNG
Nói một cách chính xác thì độc giả chính là nhân tố quyết định có thấy sức ảnh hưởng của tác giả lên thị trường và định "giá" của người viết đó cùng độ nổi tiếng của họ. Dù nằm theo hướng tích cực hay tiêu cực thì độc giả luôn là "nước" đẩy "thuyền" tác phẩm của "phu chèo" người viết, nước có thể nâng thuyền, và cũng có thể lật thuyền. Quy luật này ngàn năm qua chưa bao giờ thay đổi.Nhìn lại các điều trên, rõ ràng độc giả - là BẠN, có một quyền lực to lớn tác động đến các tác giả và cả thị trường xuất bản. Chính BẠN chưa không là ai khác, trở thành nhân tố quyết định để thúc đẩy sự phát triển của nền văn học trẻ tại Việt Nam. Khi đã biết rằng mình nắm trong tay quyền quyết định và sức quan trọng của bản thân, BẠN đã nhận ra mình cần phải làm gì để nâng đỡ cả nền văn học trẻ này chưa?
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
Non-FictionTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.