CHỈ NHẬN, KHÔNG CHO
Một tình trạng rất thường thấy ở những tác giả là luôn "đói khát" bình luận, góp ý. Thoạt nhìn có vẻ vấn đề này thuộc về người đọc, nhưng không, bạn hãy nhớ lại đi - bất cứ người viết nào cũng bắt đầu từ một người đọc. Vì thế, tình trạng đói khát bình luận này thực sự không thuộc về người đọc, mà là từ cả hai, thậm chí là đến từ người viết.Nhiều người chỉ chăm chăm viết câu chuyện của họ, nghĩ đến truyện của họ, bình luận cho truyện của họ và khao khát góp ý cho câu chuyện của họ; chứ không hề để ý đến việc cho đi các bình luận, góp ý cho truyện của người khác. Lý do mà trong các bài viết hoặc bài nêu quan điểm, mình luôn khuyến khích việc tranh luận cũng là hy vọng mọi người có thể quen hơn với việc đưa ra ý kiến, góp ý và tham gia thảo luận với nhau, LẪN nhau. Khi bạn là một người viết, bạn cũng phải là một người đọc. Bạn không thể viết ra vài dòng rồi ngồi đó đợi chờ có ai đó đến và bình luận trong khi họ cũng có thể là một người viết. Không, bạn không thể đòi hỏi điều đó vô lý như vậy. Đầu tiên, hãy cho đi cái đã.
Cứ thử nghĩ xem, nếu như 100 người viết, thì có lẽ bạn sẽ không thấy một người đọc nào. Nếu cả 100 người viết chỉ chăm chăm lo cho truyện của họ mà không quan tâm tới người khác, thì rõ rồi, họ sẽ chẳng có được bất cứ góp ý hay thảo luận nào cho truyện của mình. Nhưng ở một hướng khác, mỗi người viết đều là một người đọc, thì có phải chúng ta sẽ có 100 người đọc hay không? Nếu mỗi người viết đi bình luận cho 99 người còn lại trong cộng đồng của mình, thì có phải họ cho đi 99 lời góp ý và cũng sẽ nhận về từng đó sự quan tâm cho câu chuyện mình tâm huyết đúng chứ? Bất cứ điều gì trên thế giới này cũng đều nằm trong một mối quan hệ cho - nhận, không ai có thể cho mãi và cũng chẳng kẻ nào có thể nhận mãi. Một lời bình luận, một sự góp ý là vô cùng quan trọng đối với người đang trong quá trình bồi đắp, trau chuốt kĩ năng viết của mình. Và việc đi đọc - bình luận/góp ý/tranh luận cũng mang lại những kiến thức và kĩ năng tư duy, phản biện cho người viết để đưa các trải nghiệm đó vào truyện của mình.
Nhưng trên thực tế, tại các cộng đồng viết lách trên mạng ở Việt Nam, mọi thứ đang diễn ra theo một chiều duy nhất. Những người viết cho rằng họ đã viết, nghĩa là họ đã cho đi rất nhiều rồi và hiện tại họ chỉ cần ngồi đó để nhận là được. Nhưng đâu ai nghĩ đến rằng có thể hàng vạn người còn lại cũng đang nghĩ và làm như thế? Nếu không có tương tác, câu chuyện đó sẽ chết dù nó hay tới mức nào và nếu không có tương tác giữa đọc và viết, thì nền văn học trẻ sẽ chẳng có gì để tư duy, không có gì để phản biện, chẳng có thứ chi để tiếp thu và chỉnh sửa. Và cũng từ đó, chẳng có phát triển được nữa.
Trên đây là BỐN nguyên nhân chủ yếu mà mình nghĩ rằng đã tác động trực tiếp gây kiềm hãm sự phát triển của những tác giả trẻ, dẫn đến việc đình trệ phát triển văn học trẻ tại Việt Nam. Những nguyên nhân này vô cùng dễ nhận ra, cũng như cực kì dễ khắc phục, nhưng lại thực sự khó khăn khi nó cần huy động đồng loạt những người đọc và viết ở hiện tại để cùng chuyển đổi.
Liệu, bạn có nghĩ rằng sau khi đọc loạt bài này rồi, thì bạn sẽ góp phần tham gia đẩy mạnh sự phát triển của nền văn học trẻ hiện nay bằng cách đọc đa thể loại, viết đa thể loại và cho đi nhiều hơn những bình luận, góp ý chứ?
BẠN ĐANG ĐỌC
QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017
SaggisticaTopic bao gồm những quan điểm cá nhân về nghề cầm bút tại Việt Nam, các bài viết đều là ý kiến chủ quan của tác giả.