MUỐN VIẾT GIỎI HƠN? - HÃY TẬP REVIEW

695 56 4
                                    


Người ta vẫn thường hay nói thế này: "Bất cứ một người viết nào cũng bắt đầu bằng một người đọc.", câu nói này gần như là "chân lý" đối với những tác giả dù mới cầm bút hay đã có kinh nghiệm lâu năm. Cũng vì thế, sự tương quan giữa đọc và viết không bao giờ có thể tách biệt, chúng được gắn chặt vào nhau không thể tách rời. Để viết giỏi, cần phải đọc nhiều và đọc đa thể loại rồi từ đó chuyển những trải nghiệm tinh hoa được lưu trữ đó trở thành của chính mình. Và đối với người viết, việc review – cảm nhận sách/truyện sau khi đọc chúng là một cách hoàn hảo để thực hiện quá trình chuyển hóa trên.

LỢI ÍCH CỦA VIỆC VIẾT REVIEW

Thấu hiểu: Trước khi bắt đầu bài cảm nhận về bất cứ điều gì, bạn đều phải có trải nghiệm qua nó trước đã. Đối với việc viết review cũng như vậy, để viết review thì bạn phải cần đọc cuốn sách hoặc câu chuyện đó. Mà để viết được một bài review chi tiết và hấp dẫn như mục đích đã đề ra, thì bạn lại cần phải đọc kĩ hơn và thấu hiểu rõ hơn toàn bộ ý nghĩa của câu chuyện. Việc đặt ra mục tiêu viết review lại các cuốn sách hoặc truyện đã đọc giúp bạn chú tâm hơn vào nội dung và có được cái nhìn từ tổng thể đến chi tiết của đối tượng, từ đó rèn luyện cả tư duy và sức cảm thụ tác phẩm tốt hơn.

Biết cách diễn giải: Nhận xét hoặc viết bài cảm nhận cho một câu chuyện hoặc một cuốn sách còn giúp bạn luyện tập khả năng trình bày và diễn giải. Bạn sẽ học được cách sử dụng câu từ để diễn giải cảm nhận của mình cách nhuần nhuyễn hơn và phù hợp hơn, bạn cũng có thể rèn luyện được cách trình bày bài cảm nhận chi tiết và cẩn thận, giúp người đọc dễ tiếp nhận hơn. Dựa vào từng mục đích viết nhận xét, bạn có thể lựa chọn phong thái nêu quan điểm của mình để tiếp cận đúng đối tượng mà bạn nhắm đến hơn. Điều quan trọng nhất là thông qua việc viết bài cảm nhận, bạn sẽ hiểu được cách chuyển hóa các quan điểm của tác giả thông qua cuốn sách, trở thành chủ kiến và quan điểm của bản thân. Từ đó, bạn sẽ diễn giải chúng (nội dung truyện) theo một cách riêng, với cái tôi và quan điểm riêng của mình.

Hiểu được ưu – nhược điểm và rút kinh nghiệm: Không có câu chuyện nào thực sự hoàn hảo, bất cứ câu chuyện nào cũng sẽ có ưu – nhược trong nội dung và việc đọc rồi review lại là cách để bạn tóm gọn những ưu – nhược điểm đó, dựa trên trình độ hiểu biết và cảm quan riêng của bản thân. Cũng chính từ việc nhận ra những nhược điểm như vậy, bạn sẽ hiểu và tìm ra được cách tránh né những sai lầm đó trong câu chuyện của mình. Ngược lại đối với những ưu điểm, khi bạn nhận ra một vài điều hấp dẫn trong đối tượng mà bạn vừa đọc hiểu được, bạn có thể vận dụng chúng trong câu chuyện riêng để tạo thêm độ hấp dẫn cho nó.

Học cách tóm gọn một tác phẩm: Thực ra, nói dông dài thì ai cũng nói được. Nhưng nói đơn giản dễ hiểu mới chính là điều khó. Việc bạn có thể tóm gọn nội dung của một cuốn truyện dài, mang ý nghĩa nhiều hơn bạn tưởng. Để có thể thực hiện điều này, người tóm gọn phải thực sự hiểu và phân tích được cuốn sách: đâu là ý nghĩa nổi bật, đâu là các mốc diễn biến chính, đâu là các tình tiết ấn tượng nên đưa vào bản tóm tắt...để đưa toàn bộ nội dung và ý nghĩa của câu chuyện đó đến với những người đọc khác. Việc có thể tóm gọn được một tác phẩm là vô cùng quan trọng, kĩ năng này đòi hỏi bạn phải có cái nhìn tổng thể và hiểu hết đa phần về nội dung truyện, và rút ra được nhận định riêng của mình rồi vận dụng từ ngữ để diễn tả lại nó cho người khác. Vì vậy, học được cách tóm gọn một câu chuyện cũng là cách mà bạn có thể nhìn lại tổng thể truyện của mình, để từ đó viết ra những bài giới thiệu truyện thu hút, hấp dẫn hơn.

MỘT BÀI REVIEW CẦN NHỮNG GÌ?

Thực ra vốn dĩ review chỉ là một dạng bài viết cảm nhận, nên mình cho rằng việc đặt ra quy chuẩn cho nó cũng không cần thiết cho lắm. Nếu bạn cảm thấy chỉ muốn lưu trữ lại cảm xúc ngay sau khi đọc xong một cuốn sách thì cứ thích gì viết đó, chẳng có vấn đề gì cả. Tuy nhiên nếu bạn viết để kết hợp với việc rèn luyện, thì có lẽ một số trải nghiệm riêng dưới đây có thể giúp bạn.

Nêu nội dung tổng quan/rút gọn/giới thiệu về đối tượng viết bài cảm nhận: Đầu tiên, hãy để độc giả hiểu bạn đang viết về cái gì. Một vài câu giới thiệu truyện hoặc cuốn sách mà bạn sẽ nêu cảm nhận là điều cần thiết.

Nêu các ưu – nhược điểm mà bạn thấy trong tác phẩm: hai điều này nên đi song song với nhau để có được sự khách quan nhất định trong bài cảm nhận. Việc ghi lại các ưu – nhược điểm mà bạn thấy cũng sẽ giúp bạn nhìn lại và áp dụng kinh nghiệm vào trong câu chuyện của mình tốt hơn.

Nêu cảm nhận các chi tiết hoặc tình tiết ấn tượng: Một bài cảm nhận nên có những điểm sáng nhất định, việc nêu các chi tiết ấn tượng ra và ghi vài dòng cảm nghĩ về nó cũng khiến cho bài review của bạn đầy đủ hơn. Nếu câu chuyện đó thực sự ấn tượng, hãy chia sẻ điều đó cho những người khác để họ có thể tiếp cận thêm một cuốn sách hay. Bạn cũng có thể kết hợp điều này vào trong phần nêu ưu – nhược điểm luôn cũng được.

Nêu cảm nghĩ tổng quan về tác phẩm: tóm gọn lại, tác phẩm đó có hay hay không? Bạn có thích nó không? Nếu được yêu cầu giới thiệu, bạn có giới thiệu nó không? Bạn đánh giá nó ở mức độ bao nhiêu trên thang điểm cá nhân? Hãy nêu ra cảm nghĩ tổng thể cuối cùng về cuốn sách mà bạn vừa đọc, để cung cấp thông tin tham khảo cho những người mà bạn muốn chia sẻ bài cảm nhận đó.

LỰA CHỌN TÁC PHẨM REVIEW

Người ta thường nói: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Đối với việc đọc và cảm nhận cũng vậy, đọc được một tác phẩm hay không chỉ mang lại sự thỏa mãn, mà còn là cơ hội tiếp thu tri thức mới và thiết lập tư duy rõ ràng, logic hơn cho bản thân mình. Đọc đa thể loại và nên chọn đọc các tác phẩm đã được khẳng định chất lượng qua thời gian sẽ giúp bạn không chỉ rèn luyện khả năng cảm nhận, mà còn có thể hỗ trợ bạn trong việc trưởng thành về tâm lý lẫn tư duy và quan điểm sống.

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ