LÀM SAO GIỮ LỬA VIẾT LÁCH? (2)

474 64 10
                                    

LÀM SAO GIỮ LỬA VIẾT LÁCH?

VIẾT MỖI NGÀY
Đây là phương pháp mà mình luôn nhắc đến mỗi khi có người hỏi làm thế nào để có sức viết bền và tốt như mình đang có hiện tại. Viết mỗi ngày là cách đơn giản nhất mà bạn có thể tạo ra một thói quen cố hữu và không dễ thay đổi, thông thường người ta hay bảo rằng nếu bạn lặp đi lặp lại một hành động nào đó liên tục trong vòng 30 ngày thì điều đó sẽ trở thành một thói quen và rất khó bỏ. Vì thế, hãy tạo ra nhiều thói quen tích cực hơn chỉ với 5-10 phút mỗi ngày như viết một đoạn văn ngắn, một đoạn cảm nghĩ ngắn hoặc bất cứ thứ gì bạn thích, liên tục trong một đến hai tháng. Bạn sẽ thấy bất ngờ với sức viết của mình chỉ sau hai tháng áp dụng phương pháp này đấy.

ĐỌC VÀ VIẾT ĐA THỂ LOẠI
Đây cũng là một cách mà mình rất, rất khuyến khích các bạn, dù mới viết hay đã viết được một thời gian, thử nghiệm và áp dụng. Viết đa thể loại giúp bạn không bị bó buộc vào một vài motif thường thấy, mở mang thêm các kiến thức đa dạng và có thể rèn luyện nhiều kĩ năng - kiến thức khác nhau cho việc viết lách của mình. Đọc và viết đa thể loại là hai phương pháp gắn liền với nhau không thể tách rời, vì vậy khi bạn áp dụng phương pháp này, hãy chắc chắn rằng mình sẽ làm được song song cả hai việc: Đọc nhiều thứ, và viết nhiều thứ.

QUAN SÁT - MÔ TẢ
Dành riêng cho các bạn cảm thấy mình vẫn còn yếu kĩ năng miêu tả, và cũng có thể rèn luyện việc viết lách thường xuyên là cách viết quan sát - mô tả. Mình từng có một thời gian chỉ chuyên miêu tả lại hình dáng, mùi vị món ăn/thức uống để luyện cách mô tả một đối tượng cụ thể. Và sau đó là viết hẳn một câu chuyện chỉ có miêu tả, miêu tả và miêu tả (như câu chuyện Luân hồi ái mà mình đã viết, nó chỉ hoàn toàn là những lời văn hoa mỹ dùng để miêu tả lại cảm xúc hoặc cảnh vật). Việc quan sát giúp bạn khắc sâu thêm những hình ảnh và đặc điểm của đối tượng hướng tới, và bằng cách viết mô tả lại đối tượng, bạn sẽ nhận ra những điều còn thiếu sót và tìm kiếm được nhiều từ vựng hay ho hơn, điều này là vô cùng cần thiết dù bạn có đi theo dòng truyện nào đi chăng nữa.

TẠO THỜI GIAN VIẾT
Thông thường, mình để ý rằng hầu hết những người viết đều than vãn rằng mình không có đủ thời gian để viết "đàng hoàng". Mình không rõ thời gian viết "đàng hoàng" của các bạn là như thế nào, tuy nhiên mình cho rằng việc bạn ngồi viết nửa tiếng với hai tiếng vốn dĩ nó cũng chẳng khác gì nhau. Bạn có thể cật lực ngồi viết được 2000 từ chỉ trong nửa tiếng nhờ sự tập trung của mình hoặc lơ đãng chơi game suốt một tiếng bốn mươi nhăm phút trong khoảng thời gian hai giờ đồng hồ cho việc viết, rồi cuối cùng tiếp tục than thở mình ngồi mãi mà không "rặn" ra được chữ nào. Nếu bạn không có thời gian, đừng viết. Nếu bạn muốn viết, hãy tự tạo ra thời gian viết của riêng mình. Năm phút hay mười phút cũng được, miễn là trong quãng thời gian đó bạn thực sự chú tâm vào việc viết lách. Thực sự mình đã trải nghiệm và nhận ra rằng đa số các trường hợp viết lách không hiệu quả là do sự phân tâm tới các phương tiện giải trí khác như điện thoại, facebook, sách, truyện...hãy loại trừ tất cả những thứ khiến bạn mất tập trung và khi bạn xác nhận rằng lúc này bạn PHẢI viết, thì bạn CHỈ viết mà thôi. Một khi đã tạo ra được khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để viết (dù cố định hay không cố định trong một ngày), thì bạn sẽ nhận ra việc tập trung viết lách đã dễ hơn rất nhiều và con chữ cũng không ngắc ngứ như trước nữa.

TẠO PHẢN XẠ - MÔI TRƯỜNG VIẾT
Một trong những cách tương tự như việc tạo ra một thói quen viết lách mỗi ngày là tự tạo cho mình một sự phản xạ trong môi trường viết nhất định. Ví dụ như bạn cảm thấy mình viết lách tốt nhất vào ban đêm, hãy viết vào ban đêm. Nếu bạn viết tốt ở cà phê thì hãy ra cà phê mà viết (nhưng nhớ để ý đến túi tiền của mình đấy), việc tạo phản xạ trong một môi trường nhất định cũng tương tự như việc tạo ra thói quen viết mỗi ngày mà thôi. Hãy chọn một địa điểm mà bạn cảm nhận rằng khi ở đó, bạn có thể viết lách tốt và nhanh chóng hơn rồi đến đó ngồi viết, mỗi ngày. Cho đến khi nào vừa bước vào địa điểm với không gian tương tự, bạn liền có phản xạ và ý muốn "Cần viết", thì khi đó, việc viết lách sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

GIỮ ĐAM MÊ VÀ NGHIÊM TÚC VỚI THỨ MÌNH ĐÃ BẮT ĐẦU
Ý thức và trách nhiệm là thứ cuối cùng mình muốn nhắc tới mặc dù nó không hẳn là một phương pháp luyện viết, nhưng nếu thiếu ý thức và trách nhiệm đối với đam mê của mình thì bạn sẽ vĩnh viễn chẳng làm được điều gì cả. Hãy học cách nghiêm túc hoàn thành những gì mình đã bắt đầu - ở đây là việc hoàn thành một câu chuyện. Đừng viết cho ai cả, độc giả có thể là một nguồn động viên hoặc động lực sẽ là mục tiêu xuất bản, nhưng đầu tiên hãy nhớ kĩ bạn đến với con chữ đều từ sự đam mê và sở thích muốn tạo ra một thế giới cho riêng mình. Một tác giả khi đặt bút xuống, họ luôn viết để thoả mãn bản thân mình trước tiên, rồi sau đó mới chia sẻ và quan tâm tới cảm nhận của độc giả. Hãy hoàn thành những gì bạn đã đặt nền móng cho nó bằng đoạn văn mở đầu để tạo ra một kết thúc hoàn hảo nhất đủ thoả mãn và chứng tỏ trách nhiệm với đam mê của mình.

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ