VÌ SAO "VĂN HỌC TRẺ" MÃI KHÔNG PHÁT TRIỂN? (2)

415 54 8
                                    

THỂ LOẠI HẠN HẸP
Như mình đã nói ở phần đầu tiên, người viết trẻ hiện nay không thể thoát ra khỏi thể loại lãng mạn và không phát triển được do thiếu một nền tảng đọc đa thể loại. Thì ở phần này chúng ta có thể thấy được một vòng lặp vô tận đầy nhàm chán về thể loại viết và đọc. Ở đây mình sẽ chỉ nói tới nền văn học mạng tại các trang diễn đàn lớn và một chút về xu hướng lựa chọn sách đọc của giới trẻ hiện nay dưới cái nhìn chủ quan của mình mà thôi.

Khi mình bắt đầu quay trở lại với giới viết trên mạng, mình đã nhận ra ngay lập tức thị hiếu của các bạn trẻ hiện nay đều đổ dồn vào các biến dị của ngôn tình (là kiểu người Việt viết truyện ngôn tình) cùng với tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết thuộc dòng văn học lãng mạn. Một số thể loại khác như kinh dị, bí ẩn và light novel đang bắt đầu manh nha, nhưng vẫn chưa thực sự phát triển tới mức tiêu chuẩn để được xem là một dòng truyện thu hút. Ngay khi hiểu được thị hiếu, hẳn các bạn cũng đã nhận ra lý do vì sao hiện nay lại có nhiều các cốt truyện, khung sườn na ná nhau đến vậy. Việc tự bó hẹp mình trong một thể loại duy nhất dẫn tới khả năng sáng tạo bị hao mòn và đi vào tình trạng trùng motif, thiếu motif, không sáng tạo được motif; cốt truyện khác nhau. Bởi lẽ để hình thành và sáng tạo một cốt truyện, tác giả phải thử thách và tiếp cận với nhiều thể loại khác nhau và các thông tin khoa học hoặc xã hội thường thức để làm nền tảng cho việc sáng tạo của mình. Nhưng với hiện trạng chỉ cắm cúi đọc một thể loại duy nhất với những thông tin đã cũ kĩ, không được cập nhật thì việc thiếu sáng tạo, trùng lặp motif đã trở thành một hậu quả hiển nhiên cho các tác giả trẻ.

Nếu các bạn có thể để ý theo dõi một số tác giả nổi tiếng hoặc nhà văn chuyên nghiệp thông qua các đầu sách hoặc trong những câu chuyện của họ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra các trải nghiệm của những nhà văn này vô cùng đa dạng. Họ thử thách mình ở nhiều thể loại khác nhau và phóng bút đi sâu vào nhiều khía cạnh khác biệt của xã hội, đưa nhiều thông tin mới mẻ cùng các kiến thức được phổ cập liên tục vào trong câu chuyện của mình. Một minh chứng rất rõ ràng là nhà văn Nhật Bản đang được ưa thích tại Việt Nam hiện nay: Higashino Keigo. Các tác phẩm của Keigo được xuất bản tại Việt Nam bao gồm: Phía sau nghi can X; Bạch dạ hành (trinh thám), Bí mật của Naoko; Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya (Tâm lý, kỳ ảo), Hoa mộng ảo; Ngôi nhà của người cá say ngủ (tâm lý, xã hội)...cùng nhiều câu chuyện hấp dẫn khác. Khi đọc những tác phẩm trên, liệu bạn có nhận ra điều gì khác biệt? Đúng vậy, Keigo viết kết hợp rất nhiều thể loại, những câu chuyện của ông vừa có thể loại Trinh thám, vừa có Tâm lý xã hội khi đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau của xã hội Nhật Bản lẫn thế giới, vừa xen kẽ những khoảnh khắc huyền hoặc không thể lý giải của thể loại Kỳ ảo, lại vừa khiến người đọc hồi hộp theo dõi quá trình tìm hiểu, vén màn bí mật - một đặc điểm của thể loại Bí ẩn.

Một ví dụ tiêu biểu khác là Geogre R. Martin - tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng hiện nay Game of Thrones (tên chính là The song of Fire and Ice - Khúc ca của lửa và băng). Thoạt nhìn về thể loại chính, ông đã viết và đắm mình trong vùng đất GIẢ TƯỞNG của riêng mình. Tuy nhiên nếu bạn nhìn nhận một cách chi tiết hơn, bạn sẽ dễ dàng nhận ra để sáng tạo ra một câu chuyện hấp dẫn nhường ấy, tác giả của GoT đã sử dụng hàng loạt các kiến thức về Địa lý (để sáng tạo các vùng đất, miêu tả vị trí địa lý và đặc điểm địa lý của từng vùng), Lịch sử (để sáng tạo ra các gia tộc, xây dựng các mối quan hệ, hình thành xã hội và miêu tả trang phục, đặc điểm quốc gia, con người, văn hoá...), Chính trị (để xây dựng các tình tiết chính trị, đấu đá chính trị và đặt thuyết âm mưu, các ý đồ liên quan tới chính trị bên trong tác phẩm) cùng hàng trăm các kiến thức thuộc nhiều thể loại khác. Và con đường chinh phục những kiến thức này, chính là thông qua việc Đọc, Xem, Tìm hiểu từ sách, báo, các phương tiện thông tin, những tài liệu - tư liệu...đa chủng loại. Như thế, bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng những tác giả thành công luôn thử sức mình ở đa thể loại, và để làm được điều đó, họ đã ĐỌCVIẾT cũng ở đa thể loại. Họ không để mình bó buộc trong một thể loại duy nhất, và thậm chí ngay cả khi họ dồn sức tung hoành trong thể loại nhất định, những kiến thức của họ cũng thường xuyên được cập nhật và sáng tạo dựa trên đó.

Thế thì, rõ ràng nguyên nhân thứ hai khiến cho văn học trẻ tại Việt Nam chưa thực sự phát triển chính là việc HẠN HẸP THỂ LOẠI đọc và viết, khiến cho nền tảng của người đọc lẫn người viết đều bị chênh vênh, không vững chắc. Nền móng đã không đủ, thì làm sao căn nhà được dựng xây?

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ