XU THẾ MỚI - TỰ XUẤT BẢN (4)

305 23 4
                                    

D) Xuất bản bằng vốn cộng đồng

Crowdfunding là một khái niệm không còn xa lạ đối với nhiều người tại Việt Nam. Việc gọi vốn cộng đồng đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới và du nhập vào Việt Nam từ những năm 2010. Tuy nhiên hình thức này vẫn còn bó hẹp trong những dự án start up về khoa học kĩ thuật, kinh doanh hoặc các ngành nghề khác. Cho tới hiện tại, nhiều tác giả cũng đã bắt đầu nắm được xu thế xuất bản dưới dạng gọi vốn cộng đồng và trong đó cũng đã có một số tác giả thành công với hình thức này. (Các bạn có thể tìm hiểu về hình thức gọi vốn cộng đồng với từ khóa "crowdfunding Việt Nam" hoặc "Gọi vốn cộng đồng là gì")

Ưu điểm: Crowdfunding giải quyết tình trạng thiếu vốn cho tác giả và tạo ra nguồn thu nhập "nuôi" tác giả cho đến khi dự án của anh/cô ta hoàn thành. Từ nguồn vốn cộng đồng này, tác giả có thể sử dụng nó một cách thông minh để chi trả cho việc in ấn và thuê giấy phép xuất bản, đổi lại bạn phải "tri ân" những người đã góp vốn cho bạn một lợi nhuận hoặc hiện vật nhất định. Hình thức gọi vốn này hoàn toàn không có lãi suất và nhờ đó, tác giả thoát được tình trạng thiếu vốn để tự xuất bản cũng như không gặp nhiều rủi ro sau xuất bản.

Với các điều lệ liên kết và hỗ trợ từ những trang web chuyên về kêu gọi vốn cộng đồng, tác giả có được nhiều lợi thế hơn như việc được quảng bá miễn phí, được hỗ trợ lập kế hoạch kêu gọi vốn, không mất phí cọc...với mức % ưu đãi khi dự án của bạn thành công cũng giúp tác phẩm của bạn tiếp cận được nhiều hơn với nhiều người, tùy theo từng nơi mà đối tác crowdfunding có hỗ trợ cả kho bãi và việc vận chuyển sản phẩm hay không.

Với hình thức này, tác giả vẫn phải liên hệ với NXB để thuê giấy phép và làm việc trong quá trình in ấn, xuất bản. Nói cách khác, crowdfunding là sự liên kết giữa hai hình thức xuất bản với lợi ích cao dành cho tác giả.

Hiện tại ở Việt Nam đã có những trang web chuyên về gọi vốn cộng đồng sau: fundingvn; Charity Map; FirstStep; Fundstart; Ig9; comicola...Tại nước ngoài có các trang crowdfunding nổi tiếng bao gồm: CircleUp; GoFundMe; RocketHub; RockThePost; Fundable; IndieGogo; Kickstarter...

Nhược điểm: Tại Việt Nam, dù đã được du nhập từ lâu nhưng hình thức này vẫn còn đang như một đứa trẻ sơ sinh. Cho đến hiện nay, về mảng văn hóa nghệ thuật thì chỉ có các dự án từ Phong – Dương Comic và công ty Comicola thành công trong việc crowdfunding cho các sản phẩm truyện tranh Việt. Đối với tiểu thuyết và sách giấy, Comicola đã "liều lĩnh" và cố gắng mở rộng việc crowdfunding với sách giấy thông qua tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử Thành Kỳ Ý, công ty này đã làm rất tốt việc truyền thông và tạo hiệu ứng thuận lợi cho việc xuất bản. Tuy nhiên scandal đạo văn của Thành Kỳ Ý bởi đạo sĩ Lê Ngọc Linh cùng với việc xử lý khủng hoảng tệ hại của Comicola đã khiến họ thiệt hại khá nhiều. Cho đến hiện tại, Comicola đã bỏ hổng hoàn toàn mảng truyện chữ và xem chừng chưa có ý định thực hiện lại việc mở đường crowdfunding truyện chữ mà đang tập trung cho các dự án mở khóa dạy học truyện tranh và khôi phục uy tín.

Bên cạnh đó, nhược điểm của hình thức này là việc marketing sản phẩm aka tác phẩm của bạn, không có quá nhiều dự án về truyện chữ thành công do việc quảng cáo – marketing vẫn chưa được xem trọng và chưa xử lý đúng cách.

Dựa trên các ưu – nhược điểm trên, hẳn là các bạn cũng đã bắt đầu hình thành những mục tiêu và phương hướng xuất bản cho riêng mình rồi đúng chứ. Tại Việt Nam, mình nhận thấy hình thức thứ ba vẫn chưa thực sự phổ biến tuy nhiên nó lại là một hướng đi thú vị cũng như đầy tiềm năng cho tất cả các tác giả. Điều đáng lưu ý là các ebook được xuất bản tại Amazon nếu đạt tới lượt tải nhất định, hoặc bạn có thể chứng tỏ được khả năng của mình thông qua nội dung của truyện thì tập đoàn này cũng sẽ chủ động liên hệ và giúp bạn liên kết với một NXB (có quan hệ hợp tác với họ) và xuất bản ebook của bạn thành sách giấy. Mình hy vọng rằng trong tương lai mười mươi năm nữa, Việt Nam cũng sẽ bắt đầu xuất hiện các trang web tương tự để những tác giả trẻ có thêm cơ hội xuất bản. Nhưng trước đó thì phải xem xét tới vấn đề ý thức bản quyền và tâm lý thích miễn phí nữa chứ ha!

NHỮNG LƯU Ý KHI TỰ XUẤT BẢN

Dưới đây là các lưu ý nếu bạn muốn xuất bản sách không theo hình thức truyền thống:

- Chú ý đến chất lượng sản phẩm bao gồm nội dung, ấn phẩm, minh họa, bìa sách, dàn trang...
- Giấy phép xuất bản, kiểm duyệt nội dung từ Bộ, các vấn đề liên quan tới Luật bản quyền và Luật xuất bản...
- Định hướng thị phần, PR, Marketing, quảng cáo sản phẩm...
- Tìm hiểu thị trường, kiểm soát số lượng ấn phẩm, vốn và chi phí phát sinh, lực lượng sales nếu có...
- Quan trọng nhất vẫn là nội dung tác phẩm và thực lực của bản thân.

Trên đây là những hiểu biết và quan điểm của mình về việc tự xuất bản và so sánh các hình thức xuất bản sách tại Việt Nam, cũng như đưa ra các hình thức sẽ phát triển nhiều hơn trong tương lai. Nếu nó giúp ích cho bạn thì đó là vinh hạnh của mình.

Chúc các bạn đọc vui vẻ!

QUAN ĐIỂM VIẾT 2013-2017Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ